Chứng khoán Mirae Asset nhận định, trong tuần giao dịch từ 8 - 12/11/2021, nhiều khả năng chỉ số sẽ có biến động lớn quanh mốc 1.450 - 1.460 điểm. Nếu chinh phục thành công mốc này, VN-Index có thể tăng tốc hướng về 1.500 điểm.
Nhìn lại diễn biến thị trường tuần 1 - 5/11:
Kết tuần giao dịch đầu tháng 11, VN-Index đứng ở mức 1.456,51 điểm - tăng 12,24 điểm (0,8%) so với tuần trước đó; HNX-Index tăng 15,52 điểm (3,8%) lên 427,64 điểm; UpCOM-Index tăng 2,82 điểm (2,7%) lên 108,2 điểm.
Thanh khoản thị trường ở mức rất cao và đạt kỷ lục với tổng giá trị giao dịch bình quân là 38.932 tỷ đồng/phiên - tăng 22% so với tuần trước đó. Giá trị khớp lệnh bình quân phiên cũng tăng đến 24,5% lên mức 37.100 tỷ đồng.
Về diễn biến dòng tiền, sau một tuần giao dịch tiêu cực, nhà đầu tư cá nhân đã quay trở lại với vai trò nâng đỡ thị trường trong bối cảnh cả khối tự doanh công ty chứng khoán và khối ngoại đều bán ròng mạnh.
Theo dữ liệu của FiinPro, cá nhân trong nước mua ròng trở lại 3.079 tỷ đồng trên sàn HOSE trong tuần từ 1 - 5/11 trong đó giao dịch khớp lệnh là 2.923 tỷ đồng.
Cũng có biến động tương tự cá nhân trong nước là nhà đầu tư tổ chức trong nước khi mua ròng 504 tỷ đồng, dù vậy, giá trị mua ròng này giảm 64% so với tuần trước đó. Tuy nhiên, nếu xét về giá trị thì các tổ chức trong nước bán ròng trở lại 221 tỷ đồng.
Trái ngược với 2 dòng vốn trên, tự doanh công ty chứng khoán bán ròng đột biến 1.593 tỷ đồng ngay trong tuần đầu tháng 11, mức bán ròng này là mạnh nhất kể từ đầu năm 2021.
Tương tự, dòng vốn ngoại bán ròng 1.991 tỷ đồng trên HOSE sau khi mua ròng nhẹ ở tuần trước đó.
NVL là cổ phiếu bị khối ngoại sàn HOSE bán ròng mạnh nhất với giá trị 584 tỷ đồng trong đó chủ yếu thông qua phương thức thỏa thuận với 611 tỷ đồng. Tiếp sau đó, PAN cũng bị bán ròng 527 tỷ đồng. Trong khi đó, CTG được mua ròng mạnh nhất với 180 tỷ đồng. STB, VCB và HPG đều được mua ròng trên 100 tỷ đồng.
Về diễn biến giá cổ phiếu, đa số các nhóm ngành cổ phiếu đều có sự tăng trưởng trong tuần qua. Tuy nhiên, dòng tiền vẫn chưa thực sự chảy mạnh vào nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Sự phân hóa mạnh vẫn là biến động chính của các cổ phiếu vốn hóa lớn.
Trong top 30 vốn hóa toàn thị trường có 15 mã giảm và 14 mã tăng giá. SHB của Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (HOSE: SHB) biến động tích cực nhất khi tăng đến 12,7% chỉ sau một tuần giao dịch. SHB đang có chuỗi 9 phiên tăng điểm liên tiếp. Đáng chú ý, thanh khoản của SHB tăng vọt so với tuần trước. Tổng khối lượng khớp lệnh bình quân đạt hơn 29 triệu cổ phiếu/phiên, trong khi mức này ở tuần trước là 16,2 triệu cổ phiếu/phiên. Riêng trong 2 phiên cuối tuần, SHB đều khớp lệnh được trên 40 triệu đơn vị.
Cổ phiếu SAB của Sabeco (HOSE: SAB) cũng có mức tăng tích cực với 7,2% và góp phần lớn trong việc giữ nhịp tăng của VN-Index. Bên cạnh đó, các cổ phiếu ngân hàng như BID của BIDV (HOSE: BID), CTG của VietinBank (HOSE: CTG), TCB của Techcombank (HOSE: TCB) hay VIB của Ngân hàng Quốc tế Việt Nam (HOSE: VIB) cũng đều tăng giá trong tuần từ 1 - 5/11.
Ở chiều ngược lại, VHM của Vinhomes (HOSE: VHM) biến động không được tốt khi giảm hơn 4% và có đóng góp đáng kể trong việc kìm hãm đà tăng của VN-Index. Bên cạnh đó, NVL của Novaland (HOSE: NVL) cũng giảm 3,9%.
Nhận định của các công ty chứng khoán:
CTCK KB Việt Nam (KBSV): Xu hướng tăng là chủ đạo
Sau nhịp rung lắc đầu phiên, VN-Index sớm lấy lại đà tăng điểm với biên độ mở rộng về cuối phiên 5/11.
Với việc lấy lại xung lực tăng điểm, chỉ số đang có cơ hội thử thách lại vùng đỉnh lịch sử quanh 1.464 điểm. Mặc dù rủi ro trải qua áp lực rung lắc khi chớm vượt vùng đỉnh cũ sẽ đứng ở mức cao tuy nhiên nhịp điều chỉnh nhiều khả năng vẫn chỉ mang tính ngắn hạn và nằm trong xu hướng tăng chủ đạo.
Nhà đầu tư có thể tiếp tục nắm giữ 1 phần vị thế bám theo xu hướng chính ở mức cân bằng và linh hoạt trading quay vòng phần còn lại, mua tại hỗ trợ - bán tại kháng cự để tăng hiệu quả cho danh mục tổng.
CTCK Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSI): Duy trì nhịp vận động tích cực
Hôm 5/11, thị trường trải qua một phiên tăng điểm nhẹ. Vừa mở cửa phiên giao dịch, áp lực bán khiến VN-Index giảm điểm, bên mua và bên bán giằng co trong cả phiên sáng. Tuy nhiên sang đến phiên chiều, lực mua đã thắng lực bán, VN-Index đi lên và đóng cửa tăng hơn 8 điểm so với phiên 4/11. Độ rộng thị trường nghiêng về phía tích cực với số mã tăng gấp đôi số mã giảm. Trong 16/19 ngành tăng điểm ngày 5/11, xếp ở vị trí đầu là ngành điện, nước và xăng dầu khí đốt có mức tăng mạnh nhất hơn 3,5%. Về giao dịch của khối ngoại, phiên 5/11 khối này mua ròng trên cả 2 sàn HOSE và HNX.
BSI đánh giá, xu hướng thị trường vẫn có thể duy trì nhịp vận động tích cực khi dòng tiền đầu tư vẫn đang ủng hộ đà tăng của thị trường.
CTCK Mirae Asset (Mirae Asset): Biến động lớn quanh mốc 1.450 - 1.460 điểm
VN-Index đang trong xu hướng tăng điểm, trong tuần sau (8 - 12/11) nhiều khả năng chỉ số sẽ có biến động lớn quanh mốc 1.450 - 1.460 điểm. Nếu chinh phục thành công mốc này, nhiều khả năng VN-Index sẽ tăng tốc hướng về 1.500 điểm.
Nhận định của các chuyên gia:
Ông Đào Tuấn Trung, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Công ty Chứng khoán VietinBank (CTS): Trong tuần vừa qua, nhiều số liệu vĩ mô quan trọng và kết quả kinh doanh trong tháng 10 đã được công bố với nhiều tín hiệu khả quan, nhất là chỉ số PMI đã vượt trên mức 50 điểm.
Cùng với đó, dòng tiền tiếp tục thể hiện sức mạnh khi xuất hiện phiên giao dịch với thanh khoản hơn 2 tỷ USD giúp xu hướng tăng điểm được dự báo tiếp tục duy trì trong thời gian tới.
Xu hướng tăng sẽ tiếp tục duy trì và VN-Index sẽ chinh phục những cột mốc mới, tuy nhiên, trong một xu hướng tăng chủ đạo vẫn có những nhịp điều chỉnh nhỏ hoặc tích lũy để hấp thụ lượng cung bán ra để thị trường đi lên bền vững.
Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS): Thị trường trong tuần qua dù chịu áp lực khá lớn nhưng vẫn duy trì đà tăng nhẹ so với tuần trước và đặc biệt thanh khoản đạt ở mức kỷ lục.
Động lực chung của thị trường còn khá lớn đặc biệt là nhiều nhóm cổ phiếu quan trọng có tín hiệu hồi phục như ngân hàng, chứng khoán. Tuy nhiên nhà đầu tư cần trở nên thận trọng hơn và tránh những phiên mua đuổi theo những cổ phiếu tăng nóng.
Thông thường, sau khi đạt đỉnh thị trường sẽ có thời gian phân phối và đi ngang, vì vậy thị trường giao dịch trong tuần mới sẽ còn nhiều phiên giằng co và có thể đi ngang trong biên độ hẹp trong một thời gian trước khi có thể tăng trưởng tiếp.
Ông Vũ Minh Đức, Trưởng phòng Cao cấp, Phòng Nghiên cứu và Phân tích, CTCK Bản Việt (VCSC): Khi thị trường có tính đầu cơ cao như hiện tại (giá tăng nhanh với thanh khoản rất cao), việc xuất hiện những phiên lắc giật mạnh do áp lực bán chốt lời là điều thường xảy ra.
Hiện với việc VN-Index đã vượt qua mốc 1.450 điểm, tôi cho rằng thị trường sẽ có xu hướng tăng điểm trong tuần tới để hướng lên mốc 1.500 điểm. Tuy nhiên, trong những phiên đầu tuần, sự rung lắc có thể sẽ xảy ra khi mà lượng cổ phiếu khớp lệnh kỷ lục trong phiên thứ 4 tuần trước sẽ về tài khoản nhà đầu tư.
Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Agriseco: Tôi cho rằng, thị trường vẫn sẽ duy trì trạng thái tích cực trong tuần tới mặc dù một vài nhịp điều chỉnh xen kẽ có thể xuất hiện. Có thể thấy, tâm lý thị trường đã hồi phục trở lại sau khi chỉ số gặp phải áp lực chốt lời mạnh vào phiên giữa tuần với mức thanh khoản kỷ lục.
Cá nhân tôi đánh giá, đây là một tín hiệu tích cực và điều này sẽ giúp đà tăng của chỉ số mang tính bền vững hơn trong trung - dài hạn.
Một số thông tin có kỳ vọng sẽ tác động tiêu cực lên tâm lý nhà đầu tư như số liệu lợi nhuận các doanh nghiệp giảm do ảnh hưởng của đợt giãn cách thứ 4, tình hình tình vĩ mô quý III cũng đã qua đi. Do vậy, tôi đánh giá các tháng cuối năm sẽ là thời điểm nền kinh tế dần hồi phục và là mùa cao điểm kết quả kinh doanh, đây sẽ là động lực để dẫn dắt thị trường thời gian tới.