Chuyên gia VNDirect nhận định, thị trường chứng khoán tuần tới nhiều khả năng sẽ duy trì trạng thái dao động biên độ hẹp (khoảng 10 - 15 điểm) với các phiên tăng giảm đan xen.
Tổng quan thị trường chứng khoán tuần 14 - 18/3:
Kết tuần 14 - 18/3/2022, thị trường chứng khoán không có quá nhiều biến động về điểm số trên HOSE khi VN-Index chỉ tăng 2,56 điểm lên 1.469,1 điểm. Ngược lại, HNX-Index lại tăng 9,01 điểm lên 451,21 điểm.
Tổng giá trị giao dịch bình quân đạt 27.412 tỷ đồng/phiên - giảm 23% so với tuần trước.
Về diễn biến giá cổ phiếu, trong top 10 vốn hóa toàn thị trường chứng khoán, VJC của Vietjet tăng mạnh nhất với 7%. VJC tăng nhờ được cho là hưởng lợi khi ngành du lịch mở cửa trở lại từ 15/3/2022.
Ở chiều ngược lại, các cổ phiếu xăng dầu, dầu khí giao dịch khá tiêu cực. BSR của Lọc - Hóa dầu Bình Sơn giảm mạnh nhất trong top 30 vốn hóa với 4,8%; PLX của Petrolimex và GAS của PV GAS giảm lần lượt 3,6% và 3,5%.
Tại nhóm dầu khí, ngoài các mã lớn kể trên, sự giảm điểm còn diễn ra ở PVD (-4,3%), PVS (-5,7%), PVB (-5,3%), PVC (-7,1%) hay OIL (-7,9%),...
Nhóm cổ phiếu thép cũng có thêm một tuần điều chỉnh với HPG (-2,3%), HSG (-4,5%), NKG (-7,5%),...
Thiệt hại nặng nhất thuộc về nhóm cổ phiếu phân bón, hóa chất do bị chốt lời mạnh do tuần trước đó đã bùng nổ. Theo đó, DPM (-5,9%), DCM (-8,8%), VAF (-17%), SFB (-13,45%), BFC (-8,1%),…
Ngược lại, nhóm cổ phiếu ngân hàng có sự trở lại dù mức tăng phần lớn cũng còn khiêm tốn trong đó VCB (+0,5%), BID (+4,9%), CTG (+1,7%), MBB (+2,1%), TCB (+0,6%), ACB (+0,3%), SHB (+2,9%), HDB (+1,1%), MSB (+1,78%), SSB (+0,93%),…
Về diễn biến dòng tiền, tương tự như các tuần trước đó, nhà đầu tư cá nhân nội vẫn giao dịch tích cực trong khi cả tổ chức trong nước và khối ngoại đều duy trì trạng thái bán ròng.
Theo dữ liệu của FiinPro, cá nhân trong nước mua ròng 3.259 tỷ đồng trên HOSE trong tuần từ 14 - 18/3 - giảm 50% so với tuần trước đó. VIC được mua ròng mạnh nhất với 1.610 tỷ đồng trong khi STB đứng đầu danh sách bán ròng với giá trị 681 tỷ đồng.
Ngược chiều, tổ chức trong nước có tuần bán ròng thứ 4 liên tiếp với giá trị tăng 45% so với tuần trước và ở mức 1.727 tỷ đồng. Nhóm này bán mạnh VIC với 1.167 tỷ đồng trong khi gom lớn tại DGC với 194 tỷ đồng.
Tương tự tổ chức trong nước, khối ngoại có tuần mua ròng thứ 4 liên tiếp trên HOSE với giá trị 1.532 tỷ đồng. Tính chung cả 4 tuần qua, khối ngoại sàn này bán ròng tổng cộng 7.676 tỷ đồng.
MSN đứng đầu danh sách bán ròng với giá trị 496 tỷ đồng trong khi STB được mua ròng mạnh nhất với 536 tỷ đồng.
Nhận định thị trường chứng khoán tuần 21 - 25/3:
Theo bà Trần Khánh Hiền, Giám đốc Phân tích VNDirect: "Các yếu tố tiêu cực tác động đến thị trường như căng thẳng Nga – Ukraina, hay FED tăng lãi suất báo hiệu cho một chính sách tiền tệ thắt chặt sẽ nhạt dần trong tuần tới. Tâm lý nhà đầu tư nhìn chung đã được cải thiện phần nào trong 2 phiên gần đây. Tuy nhiên, dòng tiền vẫn đang “chần chừ” trong việc tham gia thị trường thể hiện qua chỉ số VN-Index tăng 4 phiên liên tiếp song thanh khoản trung bình ở mức khá thấp. Tôi cho rằng điều này là do 2 nguyên nhân.
Thứ nhất, thị trường đang bắt đầu cảm nhận được sức nóng của lạm phát khi hàng hóa dịch vụ đã bắt đầu tăng giá.
Thứ hai, các nhà đầu tư vẫn đang chờ đợi những thông tin từ mùa ĐHCĐ 2022 bao gồm kế hoạch kinh doanh, chia cổ tức, tăng vốn, M&A,… qua đó nhận diện ra những cơ hội đầu tư tiềm năng hơn.
Vì vậy, thị trường nhiều khả năng sẽ duy trì trạng thái dao động trong biên độ hẹp khoảng 10 - 15 điểm với nhiều phiên tăng giảm đan xen trong 1 - 2 tuần tới".
Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, CTCK Quốc tế Việt Nam (VIS) đánh giá, thị trường đã có mức phục hồi khá tốt sau khi rơi sâu về 1.440 vào đầu tuần. Dù sự thận trọng vẫn còn nhưng tâm lý chung của thị trường đã có sự ổn định hơn và dòng tiền cũng đã bắt đầu tìm đến những dòng cổ phiếu mới có thể tạo sóng ngắn hạn.
Các yếu tố tác động trên thị trường quốc tế vẫn còn khó lường trong khi những lo ngại về tình hình kinh tế trong nước cũng đang gia tăng dần là những vấn đề còn tiếp tục ảnh hưởng đến tâm lý thị trường chung trong thời gian tới.
Gần đến cuối kỳ của mùa kinh doanh quý I/2022, thị trường có thể sẽ có nhiều thông tin kết quả kinh doanh sớm và cả mùa đại hội cổ đông các doanh nghiệp có thể tạo các nhịp sóng ngắn hạn. Thị trường có thể còn dao động quanh ngưỡng hiện tại nhưng tâm lý có thể ổn định dần và các nhịp điều chỉnh đã có thể thuận lợi cho nhà đầu tư lướt sóng.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Khối khách hàng cá nhân, CTCK Yuanta Việt Nam cho rằng, thị trường sẽ tiếp tục hồi phục trong tuần giao dịch tới và nếu chỉ số VN-Index có thể vượt được mức 1.485 điểm thì xu hướng ngắn hạn có thể xác nhận tăng; dòng tiền có thể cũng sẽ cải thiện hơn.
VN-Index giảm 4 phiên liên tục, về lại 1.262 điểm
Nhận định chứng khoán 13/12: Cơ hội xuất hiện khi VN-Index về 1.260 điểm