"Nhặt sạn" trên thị trường chứng khoán: Trách nhiệm của những người "cầm cờ"

24-05-2022 15:30|Ba Lỗ T/H

Theo GS. TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đánh giá, những diễn biến vừa qua cho thấy thị trường chứng khoán Việt Nam đang "thiếu tính chuyên nghiệp".

Không lâu sau khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương thông báo về việc xem xét xử lý kỷ luật đảng đối với Đảng ủy Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các cá nhân là đảng viên tại các đơn vị thuộc và trực thuộc Ủy ban, Bộ Tài chính mới đây đã có quyết định kỷ luật cách chức Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán đối với ông Trần Văn Dũng.

Tìm "sạn"...

Ông Trần Văn Dũng được bổ nhiệm làm Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán từ tháng 7/2017 khi là Chủ tịch HĐQT Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HOSE).

Bên cạnh những thành công đã được báo giới nhắc đến trong giai đoạn đã qua, thị trường chứng khoán dưới thời cựu Chủ tịch Trần Văn Dũng cũng không ít lần khiến nhà đầu tư bức xúc về cách vận hành và giám sát.

Cụ thể, nhiều nhà đầu tư đến nay vẫn bức xúc trước việc ông Trịnh Văn Quyết 2 lần bán chui cổ phiếu FLC với giá trị hàng nghìn tỷ nhưng chỉ bị xử phạt rất nhẹ trong đó tháng 1/2017 (ông Quyết từng bán 57 triệu cổ phiếu FLC, thu về hơn 400 tỷ đồng mà không báo cáo, không công bố thông tin theo quy định).

Một lần khác, cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC cũng chỉ bị xử phạt hành chính 65 triệu đồng. Cả 2 lần này, cổ phiếu FLC giảm mạnh khiến nhiều nhà đầu tư thua lỗ.

Đến ngày 10/1 năm nay, ông Quyết lại bán chui 74,8 triệu cổ phiếu FLC, ước tính thu về 3.700 tỷ đồng. Lần này, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và HOSE đã huỷ bỏ giao dịch bán. Tuy nhiên, giá cổ phiếu FLC vẫn lao dốc gần 60% khiến hàng nghìn nhà đầu tư lỗ nặng.

Ông Quyết sau đó chỉ bị phạt 1,5 tỷ đồng và đình chỉ giao dịch trong 5 tháng. Phải đến khi Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam ông Quyết về tội thao túng thị trường chứng khoán thì quyết định xử phạt hành chính của Ủy ban Chứng khoán mới bị hủy bỏ.

Một sự kiện khác khiến nhà đầu tư bức xúc là việc hệ thống giao dịch KRX của Hàn Quốc nhiều lần phải rời lịch triển khai. Đây cũng là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới các sự cố nghẽn lệnh trên thị trường chứng khoán những năm qua (nhất là năm 2021).

Theo kế hoạch, hệ thống mới sẽ đi vào hoạt động từ năm 2015 giúp nâng khả năng xử lý lệnh của hệ thống giao dịch chứng khoán Việt Nam. Tuy nhiên, gói thầu này sau đó bị gia hạn nhiều lần và đến nay (sau gần 10 năm) hệ thống vẫn chưa thể vận hành.

Cũng từ việc không thể vận hành hệ thống giao dịch mới, HOSE đã phải duy trì hệ thống giao dịch của Thái Lan cung cấp từ những năm 2000 khiến thị trường nhiều lần gặp sự cố lớn.

Tháng 1/2018, sàn HOSE đã gặp sự cố nghiêm trọng khi các lệnh đưa vào trong phiên đóng cửa ATC không được khớp lệnh. Thị trường chứng khoán sau đó phải dừng giao dịch 2 phiên để khắc phục.

Đến đầu năm 2021, hệ thống giao dịch của HOSE lại xuất hiện tình trạng đơ, nghẽn lệnh, nhà đầu tư không thể theo dõi cung cầu cổ phiếu, không thể đặt lệnh mua, bán,... Tình trạng này kéo dài gần nửa năm mới cơ bản được khắc phục.

Tuy vậy, đến phiên 10/1/2022, nhà đầu tư lại phản ánh gặp tình trạng tương tự.

Sau hàng loạt sự cố trên thị trường, cùng những giao dịch gian lận của ông Trịnh Văn Quyết và Tân Hoàng Minh bị phát giác, Bộ trưởng Tài chính đã quyết định cách chức ông Trần Văn Dũng, kết thúc gần 5 năm tại vị chức Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước của vị lãnh đạo có nhiều kinh nghiệm trong ngành chứng khoán Việt Nam.

Hiện Bộ đã giao Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi trực tiếp phụ trách, chỉ đạo, điều hành Ủy ban Chứng khoán kể từ ngày 19/5/2022.

Ông Nguyễn Đức Chi tạm thời điều hành Ủy ban Chứng khoán Nhà nước từ 19/5

ttckk.jpg

...Nhặt sạn

Chia sẻ với báo giới mới đây, GS. TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đánh giá, những diễn biến vừa qua cho thấy thị trường chứng khoán Việt Nam đang "thiếu tính chuyên nghiệp". 

Ông Cường cho biết, Việt Nam có 80% là nhà đầu tư cá nhân tham gia các hoạt động giao dịch, mua bán trên thị trường. Phần nhiều trong số họ là những nhà đầu tư chưa đủ chuyên nghiệp. Đây là điểm khác biệt khi trên thế giới các nhà đầu tư không chuyên nghiệp thường không mua bán trực tiếp cổ phiếu mà mua thông qua các quỹ đầu tư.

Trả lời câu hỏi "Có tình trạng lũng đoạn trên thị trường vừa qua, phải chăng do quy định, cơ chế, thể chế đang có lỗ hổng?", ông Cường nhấn mạnh: Khi các nhà đầu tư không chuyên đông đảo thì các quyết định mua bán thường theo cảm xúc, cảm nhận cá nhân và dễ dẫn đến chạy theo tâm lý đám đông, dễ bị các "tổ lái" lôi kéo thông qua tin đồn để tạo ra "sóng", khiến thị trường thiếu chuyên nghiệp.

Chưa kể, hệ thống thông tin trên thị trường chưa thực sự đầy đủ và được công bố một cách toàn diện, chính xác về thực trạng kinh doanh của doanh nghiệp. Nhiều báo cáo sau khi công bố rồi vẫn điều chỉnh.

Lũng đoạn thị trường chứng khoán điển hình nhất khi chúng ta thấy các cơ quan chức năng đã phải xử lý nhiều vụ, như bán cổ phần "chui", thậm chí sử dụng nhiều tài khoản liên kết để đẩy giá... Tuy nhiên, đây chỉ là các vụ điển hình, trên thực tế còn nhiều hành vi chúng ta chưa xử lý hết.

Thêm vào đó, những hành vi lũng đoạn đã cố tình tìm cách để vi phạm, "vượt mặt" các cơ quan quản lý nhằm kiếm lợi trên thị trường. Ngoài trách nhiệm của các cá nhân vi phạm thì chính cơ quan quản lý cũng chưa phát hiện kịp thời để ngăn chặn sớm nhất.

Đáng ra, với việc sử dụng các công nghệ thông tin, hệ thống quản lý đều có thể phát hiện ngăn chặn sớm các hành vi vi phạm. Rõ ràng, đó là sự yếu kém trong quản lý thị trường.

Ông Cường nhấn mạnh, trách nhiệm quản lý thị trường chứng khoán thuộc về Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Ủy ban này phải có các biện pháp nghiệp vụ, kỹ thuật để ngăn chặn sớm đồng thời phải phát hiện kịp thời những hành vi có thể tạo ra lũng đoạn thị trường, thông tin sai lệch, gắn với phối hợp với cơ quan công an để điều tra, xử lý.

Việc để xảy ra các sai phạm mà không ngặn chặn kịp thời là do người có trách nhiệm không thực hiện hết vai trò, trách nhiệm của mình.

Thông cáo báo chí Kỳ họp thứ 52 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương

Ủy ban Kiểm tra Trung ương xem xét kết quả kiểm tra kê khai tài sản lãnh đạo 3 tỉnh thành

Bài thuộc chủ đề Tài chính
Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/nhat-san-tren-thi-truong-chung-khoan-trach-nhiem-cua-nhung-nguoi-cam-co-116167.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    "Nhặt sạn" trên thị trường chứng khoán: Trách nhiệm của những người "cầm cờ"
    POWERED BY ONECMS & INTECH