Xu hướng chuyển dịch nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam và các tập đoàn công nghệ lớn của Nhật Bản, Mỹ đã đầu tư nhà máy sản xuất bán dẫn tại đây sẽ thúc đẩy nhu cầu robot cho tự động hóa tăng mạnh.
Ông Vivekanand Patil, Phụ trách mảng Robotics của Epson cho biết, nhu cầu về robot công nghiệp, đặc biệt là robot 4 trục (SCARA) tại Việt Nam tăng lên nhanh chóng bởi đang có sự dịch chuyển các nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Những nhà máy đưa cả dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc về sẽ cần có sự hợp tác của các nhà máy tại Việt Nam nên đã thúc đẩy các giải pháp về tự động hóa của các nhà máy tại địa phương.
Thêm vào đó, thị trường Việt Nam đang có nhiều nhà máy về sản xuất ô tô, điện tử và chế biến thực phẩm cũng tăng nhanh sau Covid-19 và họ tìm giải pháp tự động hóa cho dây truyền của mình để nâng cao năng suất.
Với kinh nghiệm phát triển robot công nghiệp tại nhiều quốc gia trên thế giới, Epson đánh giá Việt Nam là thị trường giàu tiềm năng phát triển lĩnh vực tự động hóa.
Trước tín hiệu đầy tích cực này, Epson đã có những chiến lược cụ thể để đẩy mạnh đầu tư, bám sát xu hướng “tự động hóa” toàn cầu và phù hợp với chính sách của Chính phủ Việt Nam.
“Mới đây, rất nhiều các tập đoàn công nghệ lớn đã đầu tư nhà máy sản xuất bán dẫn tại Việt Nam. Những tập đoàn này sẽ kéo theo hàng loạt các công ty phụ trợ đến từ Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Trung Quốc, dẫn đến nhu cầu về robot phục vụ cho tự động hóa tăng mạnh. Chúng tôi dự báo nhu cầu về robot sẽ tăng từ 2-3 lần tại Việt Nam trong thời gian tới”, ông Vivekanand Patil nói.
Suốt 40 năm trong ngành, Epson đã ghi lại nhiều nỗ lực, đạt nhiều thành tựu đáng khen ngợi. Năm 2023 là năm thứ 12 liên tiếp mà Epson giành được danh hiệu nhà sản xuất robot SCARA thị phần số 1 thế giới.
Ông Vivekanand Patil còn cho hay: “Robot SCARA của Epson có ưu điểm nhỏ gọn phục vụ nhu cầu tự động hóa cho dây chuyền sản xuất của trong các nhà máy. Giải pháp robot của chúng tôi phù hợp với tất cả các nhà máy vì nó mang lại năng suất và hiệu quả. Robot Epson có 3 thế mạnh là tốc độ cao, linh hoạt và độ chính xác cao. Chính Epson là minh chứng rõ ràng cho điều này khi những robot của chúng tôi đã tham gia lắp ráp đồng hồ Senko cần độ chính xác rất cao”.
Tại Triển lãm VIAF 2023 ở Bắc Ninh diễn ra từ ngày 8-10/11/2023 vừa qua, Epson đã giới thiệu 4 sản phẩm robot công nghiệp là T3-B, T6-B, LS3-B và VT6L đến các doanh nghiệp tại thị trường miền Bắc.
Đại diện Epson cho hay, đối với dòng Robot T3 -B có bộ điều khiển tích hợp để tiết kiệm không gian, cấu hình linh hoạt và dễ dàng thiết lập.
Robot T6-B cung cấp phạm vi chuyển động lớn, dễ xử lý lỗi, có khả năng cắt giảm mức tiêu thụ năng lượng hơn 50%.
Robot LS3-B sở hữu thiết kế cánh tay đơn giản, phù hợp với các loại nhiệm vụ gắp thả và lắp ráp.
Ngoài ra, Epson còn đưa ra dòng Robot VT6 với hệ thống camera là mẫu robot 6 trục sở hữu nhiều tính năng tân tiến của Epson như phần mềm phát triển Epson RC+ mạnh mẽ và hệ thống camera có độ chính xác cao.
Tại Việt Nam có nhiều nhà máy truyền thống đang tìm cách chuyển sang tự động hóa để nâng cao năng suất và hướng đến nhà máy thông minh.
Ông Vivekanand Patil cho hay, Epson cũng sẽ nhắm đến các đối tượng này để phục vụ. Epson cũng đã đưa ra nhiều giải pháp để đáp ứng cho các nhà máy của Việt Nam chứ không chỉ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Khách hàng không chỉ mua robot mà còn có các hệ thống tích hợp trong dây truyền hoàn chỉnh cho nhà máy thông minh.
Epson có các đối tác có thể đem giải pháp toàn trình xây dựng nhà máy thông minh cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Hiện Epson đang tập trung vào các nhà máy sản xuất, lắp ráp linh kiện điện tử tại Việt Nam. Các nhà máy này đang sử dụng rất nhiều robot để cho các dây truyền tự động hóa.
Ngoài các nhà máy điện tử, ô tô vẫn còn nhiều lĩnh khác tiềm năng cần tự động hóa như đóng gói, dược phẩm…
“Sắp tới các nhà mạng của Việt Nam sẽ triển khai thương mại hóa 5G. Đây sẽ là nền tảng kết nối cho các nhà máy thông minh. Điều này cũng sẽ thúc đẩy lĩnh vực tự động hóa của các nhà máy, các khu công nghiệp. Đây chính là cơ hội cho các nhà cung cấp giải pháp robot và tự động hóa”, ông Vivekanand Patil nói.