Giá cao su trên thị trường tiếp tục đà tăng mạnh trong bối cảnh nguồn cung cao su toàn cầu suy yếu. Các cổ phiếu ngành cao su đều ghi nhận diễn biến tích cực trong thời gian qua.
Trên Sàn giao dịch Osaka (OSE) của Nhật Bản, giá cao su kỳ hạn tháng 8/2024 kết thúc phiên thứ Hai (18/3) tăng 12,9 yen lên 362,9 yen/kg, mức đóng cửa cao nhất kể từ ngày 22/9/2011. Luỹ kế so với đầu năm 2024, giá hợp đồng tương lai cao su này đã tăng gần 50%
Giá cao su tiếp tục lên mạnh kể từ đầu năm trong bối cảnh nguồn nhu cầu cao su từ Trung Quốc tăng mạnh trong khi nguồn cung lại suy yếu.
Theo CTCP Chứng khoán VNDirect, nhu cầu mạnh mẽ từ các nhà sản xuất lốp xe Trung Quốc đang thúc đẩy sản lượng tiêu thụ. Cụ thể, doanh số bán xe năng lượng mới được dự báo tăng 20% svck đạt 11,5 triệu chiếc vào năm 2024 khi Trung Quốc tăng cường nhập khẩu cao su để đáp ứng nhu cầu sản xuất lốp xe.
Nguồn: VNDirect |
Về nguồn cung cao su trên toàn cầu, VNDirect dự báo mưa lớn tại Thái Lan - quốc gia sản xuất cao su lớn nhất thế giới - trong mùa cao điểm có thể khiến nước này không tích đủ sản lượng cao su trong năm 2024. Việc nguồn cung thiếu hụt cùng giá dầu duy trì ở mức cao (83 USD/thùng) trong năm 2024 sẽ hỗ trợ giá cao su duy trì ở mức cao.
Cũng theo VNDirect, cao su tự nhiên của Việt Nam được sử dụng chủ yếu để xuất khẩu (trực tiếp và gián tiếp). Do đó thị trường cao su toàn cầu phục hồi trở lại sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất cao su trong nước.
Trong năm 2024, ngành cao su Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu 3,3 - 3,5 tỷ USD tăng 15% so với năm 2023. Trong 2 tháng đầu năm, xuất khẩu cao su Việt Nam lần lượt đạt 320.000 tấn và 458 triệu USD tăng 20,4% về khối lượng và tăng 24,5% về giá trị cùng kỳ năm 2023.
Theo Hiệp hội Cao su Việt Nam khu vực Đông Nam Bộ là nơi trồng nhiều cây cao su nhất cả nước (60% diện tích). Trong khu vực này Bình Phước là địa phương có vùng trồng cao su lớn nhất, tiếp đến là Bình Dương và Tây Ninh. Đây cũng là khu vực cho năng suất mủ cao su cao nhất (đạt sản lượng 1,8 tấn/ha/năm). Các doanh nghiệp cao su nổi bật ở khu vực này có thể kể đến Cao su Đồng Phú (DPR), Cao su Tây Ninh (TRC), Cao su Phước Hòa (PHR)…
Khu vực Tây Nguyên là nơi có vùng trồng cao thứ hai và năng suất cũng đứng thứ hai (1,4 tấn/ha/năm). Doanh nghiệp cao su nổi bật khu vực này có thể kể đến Cao su Đăk-Lăk (DRI).
Các khu vực khác trồng cao su như Tây Bắc Bộ, duyên hải miền Trung có năng suất trung bình đạt 1,2 tấn/ha/năm.
Trong năm 2023, hầu hết các doanh nghiệp cao su ở Việt Nam báo lãi sau thuế giảm so với năm 2022 như Tập đoàn Cao su Việt Nam (GVR -27,7%), Cao su Đồng Phú (DPR -14%), Cao su Đà Nẵng (DRC -20%)… Nền kết quả kinh doanh thấp năm này có thể trở thành đòn bẩy tăng trưởng mạnh cho năm 2024 trong bối cảnh ngành cao su đang được hưởng lợi từ nhiều yếu tố vĩ mô trên thế giới.
Cổ phiếu GVR là một trong những mã VN30 tăng mạnh nhất kể từ đầu năm 2024 |
Thực tế từ đầu năm đến nay, các cổ phiếu ngành cao su đã có mức tăng ấn tượng phản ánh kỳ vọng tăng trưởng tích cực trên như GVR (+50%), DPR (+25%), DRI (+90%), DRC (+50%)…
>> 82.000 lệnh đặt bán, gần 25% vốn DIC Corp (DIG) được sang tay sau 2 phiên