Những công trình mang ánh sáng bị lãng quên trên 'dòng sông bóng tối' chảy ngược từ Việt Nam sang Campuchia
Đến nay, công trình chỉ còn lại dấu tích là một bờ đập dài hơn 60m, quanh năm tuôn dòng thác trắng xóa.
Con thác Dray H'Linh được đặt tên theo một truyền thuyết về nàng H'Linh xinh đẹp. Đây là con thác thơ mộng và hùng vĩ thuộc diện đẹp nhất trên dòng Sêrêpôk.
Thế nhưng ngày nay, con thác này lại được ít người biết đến do đã bị chặn dòng để xây dựng nhà máy thủy điện Đray H'Linh 1 từ những năm 80 của thế kỷ XX. Do đó, dòng chảy đã bị thay đổi, mùa khô nước chảy qua thác rất ít. Khu vực thác Dray H'Linh cũng nằm trong vòng bảo vệ nghiêm ngặt của nhà máy thủy điện.
Nhà máy thủy điện Đray H'Linh, sau gọi là Đray H'Linh 1, có công suất lắp máy 12MW với 3 tổ máy, xây dựng tại vùng đất xã Hòa Phú, khởi công tháng 4/1984, hoàn thành tháng 10/1989. Công trình thuộc nhóm tự xây dựng đầu tiên, có vai trò cung cấp mạch nguồn quý giá cho sự phát triển của Đắk Lắk trong những năm đầu thống nhất đất nước.
Ít người biết được, ở khu vực thác này còn có một nhà máy thủy điện đã được xây dựng gần 70 năm vẫn chạy tốt. Bên cạnh công trình mới xây từ năm 1984, thủy điện Dray Ling đã âm thầm phát điện trước gần 30 năm.
Nhà máy được xây bằng đá, ghi rõ tên và năm xây dựng. Công trình do người Pháp thực hiện, toàn bộ thiết bị được nhập từ Pháp, công suất lắp đặt đáp ứng cung cấp 20% nhu cầu điện năng của thị xã Buôn Ma Thuột lúc đó.
Thông tin trên máy cho thấy, thủy điện này hoạt động với cột nước chỉ 13,5m. Đường ống áp lực cung cấp nước cho tourbin, chỉ là một đoạn ngắn. Sau gần 70 năm được xây dựng, những công trình phụ trợ ở thủy điện Dray Ling đã xuống cấp nghiêm trọng.
Ngoài ra, ở Buôn Ma Thuột còn có thủy điện Ea Nao. Công trình do một triệu phú người Pháp tên là Bourgery đầu tư xây dựng trong hai năm 1932-1933 và được xem là nhà máy thủy điện tư nhân đầu tiên tại Đắk Lắk.
Đến nay, sau hơn 90 năm, nhà máy chỉ còn là tàn tích. Các bức tường vững chãi, cửa chính, cửa sổ mái vòm nhà đèn xưa vẫn còn đó bên dòng suối lởm chởm đá. Con đập tràn với mặt đập hẹp dài hơn 60m, chỉ đủ cho một người đi; những ống dẫn nước vào tua-bin xưa chỉ còn trong phim ảnh.
Cả Dray H'Linh, Dray Ling và Ea Nao đều hàm chứa giá trị lớn về văn hóa, lịch sử, kinh tế, du lịch, nhưng vì được ít người biết đến nên phần lớn trong những giá trị này vẫn đang "ngủ yên".
Sêrêpôk là cái tên gợi lên những câu chuyện huyền thoại, truyền thuyết đầy mê hoặc của vùng đất Tây Nguyên. Dòng sông này không chỉ nổi tiếng bởi vẻ đẹp hùng vĩ mà còn bởi một đặc điểm vô cùng độc đáo: nó chảy ngược từ Đông sang Tây, trái ngược với quy luật thông thường của các con sông khác.
Thay vì xuôi dòng về phía Đông và hòa mình vào biển cả, Sêrêpôk hiên ngang chảy ngược lên thượng nguồn, len lỏi qua những thung lũng, những cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn trước khi đổ về dòng Tonlé Sap (Biển Hồ) của nước bạn Campuchia, rồi xuôi theo dòng Mê Kông ra biển. Hành trình của nó trải dài 315km, len lỏi qua hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông, góp phần tạo nên bức tranh thiên nhiên Tây Nguyên thêm phần kỳ vĩ và thơ mộng.
Sêrêpôk là dòng sông lớn thứ hai của Tây Nguyên, chỉ sau Sê San ở Gia Lai - Kon Tum. Diện tích lưu vực sông lên đến 30.100km2, là nơi sinh sống của hệ sinh thái đa dạng và phong phú.
Dòng nước trong xanh, uốn lượn như dải lụa mềm mại, tô điểm thêm cho cảnh quan nơi đây thêm phần huyền ảo và bí ẩn. Sêrêpôk là nguồn cảm hứng cho những bài ca, điệu múa, những tác phẩm nghệ thuật độc đáo, góp phần làm phong phú thêm kho tàng văn hóa của dân tộc.
Dòng sông không chỉ có vẻ đẹp mơ màng, mang đến những nguồn tài nguyên thủy hải sản phong phú, mang đến ánh sáng điện năng với rất nhiều các nhà máy thủy điện cắt ngang dòng sông mà nó còn được gọi bằng một cái tên rất hãi hùng, nhuốm màu thần bí, “dòng sông bóng tối” hay “dòng sông ma”. Nguyên nhân chính là bởi từ trước đến nay, nó đã cướp đi không biết bao nhiêu mạng người, nhất là về mùa mưa.