"Dòng sông bóng tối" dài 315km huyền thoại chảy ngược từ Việt Nam sang Campuchia, xuyên qua vườn quốc gia rộng lớn của cả nước
Dòng sông này không theo quy luật từ cội nguồn xuôi dòng đổ ra biển lớn như các dòng sông khác của Việt Nam, mà chảy ngược từ Đông sang Tây.
Sêrêpốk là dòng sông có nhiều huyền thoại, truyền thuyết nhất Tây Nguyên. Không những thế, đây còn là một dòng sông đặc biệt trong hệ thống sông ngòi trên lãnh thổ nước ta, đó là không chảy từ Bắc xuống Nam hay từ Tây sang Đông mà chảy ngược từ Đông sang Tây.
Theo đó, Sêrêpốk là dòng sông hiếm hoi không xuôi dòng sang hướng Đông và đổ ra biển lớn. Người ta biết rằng sông Sê Pon chảy sang Lào, sông Kỳ Cùng chảy sang Trung Quốc... còn sông Sêrêpốk chảy ngược lên hướng thượng nguồn đổ vào Biển Hồ bên đất bạn Campuchia sau đó hợp dòng với sông Mê Kông, xuôi về miền Tây Nam Bộ rồi mới hòa mình vào biển lớn. Dòng sông này có chiều dài tổng cộng là 315km, diện tích lưu vực sông là 30.100km2.
Đây là dòng sông lớn thứ hai trên Tây Nguyên sau sông Sê San ở Gia Lai – Kon Tum. Trên lãnh thổ Việt Nam, Sêrêpốk chảy qua hai tỉnh là Đắk Lắk và Đắk Nông với tổng chiều dài là 125km.
Bắt nguồn từ phía Tây của dãy Trường Sơn rộng lớn, dòng Sêrêpốk được khởi nguồn bởi hai dòng sông nhỏ mang tên sông Bố và sông Mẹ ở xã Quỳnh Ngọc (huyện Krông Ana, tỉnh Đắc Lắk). Ngay từ điểm khơi nguồn, Sêrêpốk đã kỳ lạ bởi dòng sông Bố (mang tên là Krông Anô) thì quanh năm đục ngầu, sóng cuộn ầm ào không ai dám qua lại. Ngược lại, chảy song song với nó là dòng sông Mẹ (mang tên là Krông Ana) thì êm đềm, nước trong xanh ngằn ngặt phẳng lặng như một tấm gương trời soi rọi.
Do được bắt nguồn từ phía Tây của dãy núi Trường Sơn cao vời vợi nên dòng Sêrêpốk không thể nào vượt qua được để đổ về biển Đông như quy luật của hầu hết các dòng sông khác mà phải loanh quanh qua nhiều thung lũng khác nhau ở tỉnh Đắc Lắk, Đắk Nông trước khi đổ về dòng Tonlé Sap (Biển Hồ) của nước bạn Campuchia, rồi xuôi theo dòng Mê Kông ra biển.
Sêrêpốk cũng tự hào là dòng sông chảy qua bạt ngàn rừng xanh của một trong những vườn quốc gia rộng lớn nhất nước ta - Vườn Quốc gia Yok Đôn với diện tích 115.545ha vùng lõi và 133.983ha vùng đệm nằm trên 7 xã, 3 huyện thuộc hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông. Với Sêrêpốk thì chẳng bao giờ một người có thể xuôi dòng từ đầu sông tới cuối bởi sông Sêrêpốk có nhiều thác ghềnh hiểm trở. Người dân nơi đây có thể kể tên vanh vách những thác nước, trong số đó “nàng thơ” Dray Nur là một trong những thác nước lớn hùng vĩ và đẹp nhất nơi đây.
Phần lớn sự kỳ vĩ mà Sêrêpốk có được nhờ vào những thác ghềnh được tạo hóa ban tặng. Thuận theo sự sắp đặt của thiên nhiên, những ghềnh thác lớn nhỏ cứ thế nhấp nhô xen kẽ tạo nên cảnh sắc đẹp mơ màng. Bên cạnh đó, những dòng thác đổ miệt mài suốt ngày đêm, khiến bầu không khí nơi đây trở nên mạnh mẽ và hoành tráng.
Vượt ghềnh thác trên các dòng sông bình thường đã khó, nhưng với con sông chảy ngược này lại càng thử thách gấp bội phần. Tuy nhiên, đây cũng chính là nét đẹp rất riêng của Sêrêpốk. Bên cạnh đó, những vách đá ven bờ hay bên ghềnh thác, được bào mòn theo năm tháng dưới làn nước trắng xóa cùng tàn tích phun trào của dòng dung nham núi lửa Chư Bluk, núi lửa Nâm Gle, núi lửa Băng Mo... khiến du khách ngỡ ngàng và mê đắm.
Sêrêpốk không chỉ có vẻ đẹp mơ màng, mang đến những nguồn tài nguyên thủy hải sản phong phú, mang đến ánh sáng điện năng với rất nhiều các nhà máy thủy điện cắt ngang dòng sông mà nó còn được gọi bằng một cái tên rất hãi hùng, nhuốm màu thần bí, “dòng sông bóng tối” hay “dòng sông ma”.
Nguyên nhân chính là bởi từ trước đến nay, nó đã cướp đi không biết bao nhiêu mạng người, nhất là về mùa mưa. Không tính đến những khu nghĩa trang dành riêng cho người đã bị dòng sông “ăn mất linh hồn” trong truyền thuyết trước kia, chỉ tính riêng vài năm gần đây, có rất nhiều những vụ tai nạn thương tâm đã xảy ra bên dòng sông này.
Theo các nhà nghiên cứu địa lý thì dòng sông này được hợp thành từ 2 dòng sông khác và gặp nhiều thác ghềnh nên nước của dòng sông chảy xiết và trở nên hung dữ, chính vì thế người dân qua lại con sông này dễ bị tai nạn nước cuốn trôi mất xác. Việc cho rằng có con ma nước ở dòng sông này chỉ là cách giải thích của người dân khiến cho suốt bao đời qua, dòng sông này vẫn mang trong mình những huyền thoại bí ẩn.