Là tập đoàn viễn thông tư nhân hàng đầu Malaysia, Time dotCom Berhad (Time) cũng có thương vụ đầu tư thành công ở Việt Nam nhờ rót vốn 12 triệu USD năm 2015 vào CMC Telecom - hiện đang là nhà cung cấp hàng đầu trong giới viễn thông công nghệ Việt.
“Kẻ thách thức" trên thị trường viễn thông Malaysia
Thành lập năm 1996, Time là công ty viễn thông tư nhân hiện đang đứng thứ 2 trên thị trường Malaysia, với giá trị vốn hoá hơn 2 tỷ USD. Là một doanh nghiệp tư nhân, Time hiện được coi là “kẻ thách thức” đối với Telekom Malaysia, doanh nghiệp viễn thông nhà nước Malaysia.
Sau hơn ba thập kỷ phát triển, Time đã xác lập vững chắc vị thế hàng đầu trong lĩnh vực hạ tầng kết nối mạng cả trong và ngoài nước, cung cấp hệ thống cáp quang nội địa và mang đến cho hàng triệu người dân Malaysia đường truyền ổn định với tốc độ băng thông cao.
Tầm ảnh hưởng của Time trong khu vực Đông Nam Á cũng được thể hiện bằng những đóng góp quan trọng vào việc cung cấp băng thông quốc tế thông qua mạng lưới cáp quang kết nối xuyên quốc gia như Singapore, Thái Lan, Việt Nam và Campuchia - nơi mà Time đã thiết lập các điểm kết nối chiến lược (POP).
Với chiến lược kết nối trở thành “cửa ngõ vào châu Á", Time đã mở rộng hơn nữa sự hiện diện toàn cầu bằng việc hợp tác cùng các ông lớn trong lĩnh vực viễn thông quốc tế để phát triển hạ tầng cáp quang biển. Từ năm 2008 Time đã bỏ vốn hàng trăm triệu USD vào tuyến cáp biển quốc tế UNITY, sau đó là FASTER, APG và AAE-1, cho phép kết nối liền mạch châu Á thế giới.
Tận dụng hạ tầng kết nối mạnh mẽ từ việc "kéo cáp", Time tiếp tục đầu tư các trung tâm dữ liệu thông qua công ty con AIMS Group của mình. AIMS hiện đang vận hành các Data Center (DC) với công suất điện hơn 35 megawatt tại Kuala Lumpur (Malaysia), Cyberjaya (Malaysia) và Bangkok (Thái Lan). Trong đó DC tại Kuala Lumpur là điểm đặt Trạm trung chuyển Internet Malaysia (MyIX). DC của AIMS cũng được Cloudscene xếp hạng trong top 10 DC khu vực Châu Á Thái Bình Dương, hiện đang hosting nhiều Hyperscaler, OTT, Tech Giant lớn trên thế giới.
Tháng 4/2023 Time đã ký hợp tác chiến lược với DigitalBridge Group, một tập đoàn chuyên về hạ tầng số hàng đầu thế giới có trụ sở tại Hoa Kỳ. Cú “bắt tay xuyên lục" này sẽ giúp Time mở rộng kết nối, xây dựng hệ sinh thái DC toàn cầu để thâm nhập vào các thị trường mới, cung cấp các giải pháp trung tâm dữ liệu cao cấp.
Bên cạnh đó, Time cũng đang nắm giữ 60% cổ phần tại AVM Cloud Sdn Bhd, một doanh nghiệp chuyên cung cấp dịch vụ điện toán đám mây hàng đầu tại Malaysia và là một trong những nhà cung cấp dịch vụ VMware hàng đầu tại Đông Nam Á. Time đang thể hiện cam kết mạnh mẽ trong việc cung cấp các giải pháp hạ tầng số và công nghệ hiện đại, toàn diện cho khách hàng.
Với tầm nhìn xây dựng một mạng lưới viễn thông công nghệ toàn cầu, Time đặc biệt tập trung vào thị trường ASEAN thông qua việc đầu tư, hợp tác và thiết lập quan hệ đối tác với các nhà cung cấp viễn thông và trung tâm dữ liệu hàng đầu trong khu vực. Sau khi trở thành nhà đầu tư của Công ty TNHH Truyền thông Symphony tại thị trường Thái Lan, Time tiếp tục khẳng định tầm quan trọng của mình trong việc thúc đẩy sự phát triển công nghệ và kết nối trong khu vực với vai trò cổ đông chiến lược của CMC Telecom tại Việt Nam.
Thương vụ triệu USD thành công hiếm hoi của nhà mạng ngoại
Năm 2015, Time chính thức thâu tóm 25% cổ phần của CMC Telecom với tổng trị giá 12 triệu USD. Đây cũng là thương vụ đầu tiên một công ty hạ tầng viễn thông của Việt Nam bán cổ phần cho cổ đông chiến lược nước ngoài.
Chia sẻ về lý do Time lựa chọn đầu tư vào CMC Telecom tại thị trường Việt Nam, đại diện CMC Telecom cho biết: “Hai đơn vị đều là doanh nghiệp tư nhân, hiểu được thách thức của thị trường viễn thông khu vực. Và ngay từ khi thành lập, hai công ty cùng hướng tới đối tượng khách hàng cao cấp, đặc biệt là nhóm khách hàng Tài chính - Ngân hàng là huyết mạch của nền kinh tế quốc gia”.
18 tháng sau khi bắt tay Time dotCom, vào cuối 2016, CMC Telecom đưa vào khai thác tuyến cáp quang biển quốc tế APG. Tuyến cáp quang này có khả năng cung cấp băng thông 54Tb/s, mang lại tốc độ Internet nhanh hơn gần 20 lần so với cáp biển AAG cũ.
Ngay sau khi vận hành tuyến cáp APG, CMC Telecom lập tức triển khai một dự án lớn hơn. Đầu năm 2017, với sự hỗ trợ của Time công ty này đã khởi công dự án đầu tư xây dựng tuyến cáp xuyên Việt (Cross Vietnam Cable System - CVCS) với tổng chiều dài hơn 2.500 km (từ Lạng Sơn đến Tây Ninh) tuyến cáp đi qua 19 tỉnh thành trên cả nước có tổng vốn đầu tư hơn 500 tỷ đồng.
CVCS là tuyến cáp Việt Nam duy nhất kết nối trực tiếp vào mạng lưới cáp đất liền Đông Nam Á (A Grid), chính thức đưa Việt Nam nằm trong mạng lưới khu vực, kết nối qua các quốc gia Malaysia, Singapore, Campuchia và Thái Lan. Đây cũng chính là tuyến cáp giúp các doanh nghiệp Việt không mất liên lạc trong giai đoạn sự cố cáp biển trầm trọng đầu năm vừa qua.
“Time đã và đang xây dựng, mở rộng mạng lưới kết nối để trở thành cửa ngõ của thế giới vào ASEAN, chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với CMC Telecom để sớm đạt được mục tiêu này”, ông Patrick Corso, Giám đốc điều hành của Time cho biết.
Sau khi có hậu thuẫn từ Time với thế mạnh về xây dựng trung tâm dữ liệu tiêu chuẩn quốc tế, CMC Telecom đã xây dựng trung tâm dữ liệu của Việt Nam tiên phong đạt chứng chỉ Uptime Tier III cả về Design và Facility - Data Center Tân Thuận và đưa vào vận hành từ tháng 8/2021. Được đánh giá DC hiện đại và an toàn nhất Việt Nam, Time tiếp tục đặt PoP tại đây để kết nối với hệ sinh thái DC mà AIMS đang sở hữu.
Cũng giống Time mở rộng sang mảng Cloud, CMC Telecom đã trở thành đối tác đầu tiên được các ông lớn như AWS, Google hay Microsoft chọn lựa khi bước vào thị trường Việt, đồng thời tiên phong xây dựng thành công nền tảng Multi-Cloud tại thị trường trong nước. Đơn vị này cũng tự phát triển nền tảng điện toán đám mây CMC Cloud, trở thành dịch vụ Cloud nội địa hàng đầu Việt Nam.
Trong báo cáo thường niên năm 2022 của Time DotCOM, CMC Telecom được nhắc đến như một trong hai đối tác quan trọng của tập đoàn này tại Đông Nam Á, với doanh thu tăng trưởng liên tục. Theo báo cáo tài chính của CMC Telecom, doanh thu công ty tăng từ 830 tỷ năm 2015, lên hơn 300%, đạt 2.500 tỷ vào năm tài chính 2022 và sẽ tiếp tục duy trì tăng trưởng 25 - 30% trong vòng 5 năm tới.
Thúy Ngà
Tập đoàn tài chính hàng đầu Nhật Bản muốn sở hữu 35% cổ phần tại startup của FPT
Động thái mới của FPT trong việc ‘xây thành lũy AI’ tại thị trường quy mô 5,9 tỷ USD