Những doanh nghiệp “chuyển nhà” sang HoSE năm ngoái giờ ra sao?

01-01-2023 01:28|Hồ Nga

Ngôi nhà Sở GDCK Thành phố Hồ Chí Minh được xem là đích đến mơ ước của nhiều doanh nghiệp.

Đầu xuân năm mới, nhắc chuyện nhà mới. Trên sàn chứng khoán Việt Nam năm 2022 cũng chứng kiến không ít câu chuyện "chuyển nhà" – là việc chứng khoán một doanh nghiệp chuyển sàn giao dịch.

Thông thường, công cuộc chuyển nhà có thể là những doanh nghiệp đang giao dịch trên Upcom chuyển lên niêm yết trên HNX hoặc HoSE. Hoặc những doanh nghiệp đang niêm yết trên HNX chuyển sang sân chơi mới, niêm yết trên HoSE, trong năm 2022 không chứng kiến cảnh doanh nghiệp nào “chuyển” niêm yết từ HoSE sang HNX. Cũng có thể có những doanh nghiệp “chuyển ngược” từ những sàn niêm yết như HNX, HoSE về giao dịch trên Upcom.

Ngôi nhà Sở GDCK Thành phố Hồ Chí Minh được xem là đích đến mơ ước của nhiều doanh nghiệp. Phần lớn các doanh nghiệp đó đều cho rằng HoSE là sân chơi lớn hơn, giúp doanh nghiệp và các nhà đầu tư có nhiều cơ hội hơn.

EVF của EVN Finance mang theo sứ mệnh “xông đất” sàn HoSE

Công ty tài chính cổ phần điện lực (EVN Finance – mã chứng khoán EVF) là doanh nghiệp đầu tiên chuyển nhà sang cư trú tại HoSE. EVN Finance đưa 304.707.628 cổ phiếu từ Upcom chuyển sang niêm yết trên HoSE với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 19.050 đồng/cổ phiếu. Ngày giao dịch đầu tiên 12/1/2022.

EVN Finance được thành lập từ tháng 5/2008 với nhiệm vụ là đầu mối thu xếp vốn, quản trị vốn cho các dự án điện thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các đơn vị thành viên, đồng thời cung cấp các sản phẩm dịch vụ tài chính chuyên nghiệp cho các đơn vị trong ngành điện và các đơn vị thuộc các thành phần kinh tế khác... Công ty có vốn điều lệ ban đầu 2.500 tỷ đồng. EVN Finance đưa cổ phiếu lên giao dịch trên Upcom từ tháng 8/2018.

Mang trong mình “sứ mệnh” của cổ phiếu xông đất sàn HoSE năm 2022 nhưng hành trình của cổ phiếu EVF trên HoSE không được như ý. EVN giảm điểm mấy phiên, và lần đầu tiên xuống dưới mệnh giá vào giữa tháng 5/2022. Sau đó EVF có mấy nhịp điều chỉnh tăng/giảm nhưng đã duy trì giao dịch dưới mệnh giá từ tháng 10 đến nay.

Những doanh nghiệp “chuyển nhà” sang HoSE năm ngoái giờ ra sao?

Chuyển nhà sang sân chơi mới HoSE, EVN Finance lập tức lên kế hoạch tăng vốn ngay kỳ Đại hội cổ đông thường niên năm 2022 với dự kiến phát hành cổ phiếu trả cổ tức, phát hành cổ phiếu ESOP và chào bán cho cổ đông hiện hữu nhằm tăng vốn điều lệ lên trên 7.000 tỷ đồng. Tuy vậy đến nay sau 2 đợt phát hành cổ phiếu trả cổ tức, vốn điểu lệ công ty đang ở mức 3.510 tỷ đồng. Kế hoạch chào bán cổ phiếu tỷ lệ 1:1 cho cổ đông hiện hữu chưa thực hiện được.

Tình hình kinh doanh, tính về lợi nhuận, lãi sau thuế 9 tháng đầu năm 2022 đạt 243 tỷ đồng, gần như đi ngang so với số lãi gần 238 tỷ đồng đạt được 9 tháng đầu năm ngoái.

Một trong những nguyên nhân khiến lãi không tăng dù thu nhập lãi thuần tăng mạnh, do công ty ghi nhận khoản lỗ hơn 36 tỷ đồng từ mua bán chứng khoán đầu tư, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi khoản này hơn 85 tỷ đồng.

Những doanh nghiệp “chuyển nhà” sang HoSE năm ngoái giờ ra sao?

Giao thông Đèo Cả (HHV): Cổ phiếu mất 65% giá trị, lỡ nhịp tăng vốn "khủng"

Cũng trong tháng 1/2022 CTCP Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả (mã chứng khoán HHV) đưa 267.384.090 cổ phiếu lên niêm yết và giao dịch phiên đầu tiên tại HOSE với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 25.660 đồng/cổ phiếu. Trước đó cổ phiếu HHV đã đăng ký giao dịch trên Upcom từ cuối năm 2015.

Những ngày cuối giao dịch trên Upcom của HHV khá “huy hoàng” khi tăng điểm cả 3 phiên cuối cùng, khối lượng giao dịch tăng đột biến lên hàng chục triệu, trong đó có phiên ngày 5/1 gần 18 triệu cổ phiếu khớp lệnh.

Tuy vậy khi chuyển nhà sang HoSE, diễn biến giá không được như ý, giảm ngay một chuỗi những ngày đầu tiên. HHV cũng không thể lấy lại mức đỉnh của phiên đầu lên HoSE suốt cả năm sau đó. Sau nhiều nhịp tăng/giảm thì hiện tại HHV đang giao dịch quanh vùng giá 9.000 đồng/cổ phiếu, mất đi 65% giá trị so với ngày chào sàn.

Những doanh nghiệp “chuyển nhà” sang HoSE năm ngoái giờ ra sao?

Năm 2022 Giao thông Đèo Cả cũng theo đuổi kế hoạch tăng vốn lên gấp đôi bằng cách phát hành hơn 267 triệu cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu. Nhưng tình hình không thuận lợi, đặc biệt những diễn biến liên quan thị trường bất động sản vừa qua, kèm theo giá cổ phiếu HHV giảm mạnh khiến việc tăng vốn bị “lỡ nhịp”, chỉ hơn 40 triệu cổ phiếu được bán ra, công ty tăng vốn điều lệ lên trên 3.000 tỷ đồng.

Những tín hiệu tích cực gần đây cho thấy năm 2023 có thể sẽ khởi sắc hơn khi những ngày cuối năm 2022 Giao thông Đèo Cả và các đơn vị liên danh: CTCP Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả (HHV) - Tập đoàn Đèo Cả - Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Dacinco thông báo vừa tổ chức ký gói thầu XL1 thi công đoạn Km0+000 - Km30+000 dự án thành phần đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025, tổng giá trị gói thầu 3.800 tỷ đồng.

Về tình hình kinh doanh, doanh thu 9 tháng đầu năm 2022 của Giao thông Đèo Cả đạt 1.478 tỷ đồng, tăng 18,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế tăng trưởng gần 10% lên 240 tỷ đồng.

Những doanh nghiệp “chuyển nhà” sang HoSE năm ngoái giờ ra sao?

Genco 3 (PGV) nổ phát súng chào sàn HoSE đầu tiên sau Tết Nguyên đán

Ngày 10/2/2022 EVN Genco3 đưa 1.123.468.046 cổ phiếu PGV chuyển sàn sang niêm yết trên HoSE với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 39.480 đồng/cổ phiếu. Trước đó EVN Genco 3 đăng ký giao dịch tại sàn Upcom từ đầu năm 2018.

EVN GENCO 3 được thành lập tháng 06/2012 trên cơ sở tổ chức sắp xếp lại Công ty TNHH một thành viên Nhiệt điện Phú Mỹ, các công ty phát điện hạch toán phụ thuộc, các ban quản lý dự án nguồn điện và tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại một số công ty phát điện thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Về tình hình kinh doanh, năm 2018 công ty bất ngờ báo lỗ 853 tỷ đồng. Còn những năm sau đó đều lãi lớn, trong đó năm 2021 lãi sau thuế gần 3.200 tỷ đồng. Báo cáo ghi nhận 9 tháng đầu năm 2022 vừa qua doanh thu thuần tăng đến 21,1% so với cùng kỳ, lên 34.931 tỷ đồng. Tuy vậy gánh năng chi phí lãi vay khiến số lãi sau thuế giảm gần 32% xuống mức 1.736 tỷ đồng.

Những doanh nghiệp “chuyển nhà” sang HoSE năm ngoái giờ ra sao?

Diễn biến giá cổ phiếu PGV trên HoSE không thuận lợi, giảm mạnh theo đà giảm của thị trường chứng khoán năm 2022 vừa qua. Từ mức giá chào sàn gần 34.500 đồng/cổ phiếu ngày chào sàn, và đóng cửa phiên giao dịch cuối năm ở mức 18.100 đồng/cổ phiếu, tương ứng giảm gần nửa sau gần 1 năm chuyển sàn.

Những doanh nghiệp “chuyển nhà” sang HoSE năm ngoái giờ ra sao?

Cổ phiếu một doanh nghiệp “họ” Viettel có nhiều biến động khi chuyển nhà

Đầu xuân năm mới âm lịch 2022, sau Genco3 thì Tổng công ty Công trình Viettel (mã chứng khoán CTR) là doanh nghiệp tiếp theo chuyển sàn sang HoSE. Gần 93 triệu cổ phiếu CTR chuyển từ Upcom sang HoSE với thông báo giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 23/2/2022Đ với giá 85.400 đồng/cổ phiếu khiến nhiều nhà đầu tư chú ý hơn đển cổ phiếu này. Trước khi “chuyển nhà”, CTR đã có 4 năm giao dịch trên Upcom.

Chỉ 1 tháng sau ngày chuyển sàn, CTR vượt mốc 100.000 đồng/cổ phiếu (giá chưa điều chỉnh), ngồi “mâm” những cổ phiếu có thị giá 3 chữ số. Tuy vậy, “mâm” này cũng chỉ ngồi được 1 tháng, CTR giảm mạnh về dưới 70.000 đồng/cổ phiếu vào giữa tháng 5.

Sau những biến động lớn ban đầu, sau đó CTR vẫn có những nhịp tăng/giảm mạnh, trong đó đợt giảm mạnh nhất giữa tháng 11 vừa qua, về quanh vùng giá 35.000 đồng/cổ phiếu. Hiện tại CTR đang giao dịch quanh mức 50.700 đồng/cổ phiếu, vốn hoá thị trường rơi vào khoảng 5.800 tỷ đồng. Công ty cũng đã tiến hành tăng vốn lên 1.144 tỷ đồng.

Những doanh nghiệp “chuyển nhà” sang HoSE năm ngoái giờ ra sao?

Về tình hình kinh doanh, doanh thu 9 tháng đầu năm 2022 của công ty đạt 6.830 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế tăng trưởng 30,6% lên 320 tỷ đồng, hoàn thành 78% chỉ tiêu lợi nhuận được giao cho cả năm.

Những doanh nghiệp “chuyển nhà” sang HoSE năm ngoái giờ ra sao?

VietBrand – một doanh nghiệp "khá đặc biệt"

CTCP Đầu tư Nhãn Hiệu Việt (VietBrand – mã chứng khoán ABR) vốn là một doanh nghiệp ngành gỗ tại Gia Lai với tên gọi quen thuộc ban đầu là Gỗ Kiến An. Chỉ 1 năm sau công ty lại dấn bước vào ngành thời trang với thương hiệu Journey Men Style. Năm 2014 công ty lại định hướng kinh doanh theo mô hình tập trung đầu tư vào các nhãn hiệu mới, có vị thế trên thị trường. Cũng trong năm này, Công ty đầu tư lĩnh vực truyền thông số hoá, lĩnh vực khá mới nhưng là kênh hỗ trợ cho việc phát triển hệ thống bán lẻ và là kênh truyền thông hữu hiệu cho việc phát triển nhãn hiệu của Công ty. Năm 2015, đổi tên thành Công ty Cổ phần Đầu tư Nhãn Hiệu Việt (Vietbrand) và thành lập Công ty Công nghiệp May và Giày da Phước Bình tại cụm Công Nghiệp Phước Bình tỉnh Đồng Nai chuyên sản xuất giày da, may mặc cho Vietbrand với nhãn hàng giày da hiệu Journey Men Style và Umen.

VietBrand đưa cổ phiếu lên sàn Upcom từ tháng 6/2018. Suốt 3 năm trên sàn Upcom cổ phiếu ABR không có nhiều giao dịch nhưng công ty vẫn quyết “ra biển lớn”, niêm yết trên HoSE. Tuy thanh khoản có gia tăng so với thời giao dịch trên Upcom nhưng không nhiều, còn giá cổ phiếu thì vẫn giảm và hiện đang ở dưới thị giá.

Không quá nổi bật trong ngành, tình hình kinh doanh của công ty cũng không có bước đột phá. Doanh thu 9 tháng đầu năm đạt hơn 51 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế tăng trưởng 8% lên trên 14 tỷ đồng.

Những doanh nghiệp “chuyển nhà” sang HoSE năm ngoái giờ ra sao?

Quý 1/2022 cũng là những tháng đầu năm huy hoàng của thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2022. Vn-Index vượt đỉnh lịch sử. Quý 1 cũng là quý mà nhiều tỉnh thành trên cả nước đang trọng trạng thái giãn cách, phong toả do dịch bệnh Covid-19 bùng phát. Do vậy việc các doanh nghiệp mới niêm yết, đăng ký giao dịch trên các sàn chứng khoán không nhiều như các năm trước cũng không khiến các nhà đầu tư thấy lạ.

Tuy vậy những tháng sau đó việc các doanh nghiệp chuyển sàn cũng không nhiều. Nguyên nhân có thể do thị trường có nhiều thông tin tác động, đặc biệt các tin tức liên quan đến việc huy động tiền qua kênh trái phiếu. Nguyên 2 quý giữa năm 2022 sàn HoSe không đón thêm tân binh.

Gỗ An Cường (ACG) mang sứ mệnh “chốt sổ chuyển sàn năm 2022”

Dù quý cuối năm vẫn có những thông tin về những cổ phiếu nộp hồ sơ chuyển sàn niêm yết sang HoSE, nhưng hiện tất cả đang chưa thực hiện trong năm 2022. Sàn HoSE trong 2 quý giữa năm cũng không có thêm thành viên mới, đến tháng 10/2022 kết nạp thêm Gỗ An Cường (ACG) với gần 136 triệu cổ phiếu. Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 67.300 đồng/cổ phiếu. Gỗ An Cường màng theo sứ mệnh “chốt sổ” chuyển nhà sang HoSE của năm 2022.

Ngay khi ACG lên sàn cũng là lúc thị trường chứng khoán rơi vào giao đoạn giảm điểm mạnh do ảnh hưởng từ các vụ phát hành trái phiếu vi phạm quy định. Cổ phiếu ACG “rơi” về vùng giá 35.400 đồng/cổ phiếu kết phiên giao dịch cuối cùng năm 2022, mất đi 47% giá trị sau 3 tháng chuyển sàn. Vốn hoá thị trường đạt khoảng 4.800 tỷ đồng.

Tại Đại hội cổ đông bất thường vừa họp mấy ngày trước, ông Lê Đức Nghĩa – Chủ tịch HĐQT của Gỗ An Cường – hé lộ thông tin, dù các doanh nghiệp gỗ nói chung trên địa bàn đang gặp khó khăn, nhưng công ty vẫn ghi nhận mức tăng trưởng 35-40% so với năm trước đó, nhà máy đang hoạt động với công suất tối đa.

Lãnh đạo công ty cho biết An Cường đã chủ động giảm tỷ trọng doanh thu từ các dự án bất động sản, từ mức 30-40% trong năm 2219-2020 đến còn 10% năm 2022 vừa qua nên nhóm này không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của công ty.

Chia sẻ về tình hình kinh doanh năm 2022, ông Lê Đức Nghĩa cho biết lợi nhuận sẽ đạt 600 tỷ đồng – tăng trưởng 35, 40% so với năm 2021. Ông Nghĩa kỳ vọng con số thực tế sẽ cao hơn 600 tỷ. Đây là con số cao nhất 5 năm qua của công ty. Đây cũng có thể là tín hiệu tốt cho nhà đầu tư khi “nhìn” vào cổ phiếu ACG trong năm 2023.

Những doanh nghiệp “chuyển nhà” sang HoSE năm ngoái giờ ra sao?

Thay cho lời kết

Năm 2022 khép lại với rất nhiều sự kiện đáng nhớ với tất cả nhà đầu tư. Năm 2022 cũng có rất nhiều kỷ lục được tạo ra trên sàn chứng khoán, ví dụ như chỉ số Vn-Index vượt đỉnh, ví dụ như số cổ phiếu giao dịch trong phiên vượt đỉnh, ví dụ như năm có nhiều phiên hơn 1 tỷ cổ phiếu được giao dịch…

Năm 2023 đã sắp đến. Với những nỗ lực thanh lọc thị trường những tháng cuối năm 2022, thì nhà đầu tư hoàn toàn có quyền nghỉ ngơi những ngày Tết này, và kỳ vọng vào một năm 2023 thuận lợi hơn.

Hai ngân hàng cùng ‘chuyển nhà’, hé lộ chiến lược mới

Công ty chứng khoán báo lãi quý kỷ lục trước ngày 'chuyển nhà' sang HoSE

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/nhung-doanh-nghiep-chuyen-nha-sang-hose-nam-ngoai-gio-ra-sao-164529.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Những doanh nghiệp “chuyển nhà” sang HoSE năm ngoái giờ ra sao?
    POWERED BY ONECMS & INTECH