Xã hội

Những doanh nhân giàu nhất Việt Nam đầu thế kỷ 20: Từ ‘ông tổ’ của nhiều ngành nghề đến người hiến tặng hơn 5.000 lượng vàng, tặng nhà máy in tiền cho Chính phủ

Khả Vy 13/10/2024 12:38

Với thành tựu và giá trị để lại, những nhà tư sản dân tộc đến nay vẫn được xem là ngọn cờ đầu trong ngành thương nghiệp nước nhà.

Khái niệm về tỉ phú và người giàu nhất Việt Nam mới chỉ trở nên phổ biến trong khoảng hơn chục năm qua. Tuy nhiên, nếu nhìn lại lịch sử, từ hơn một thế kỷ trước, Việt Nam đã có những doanh nhân giàu “nứt vách”. Họ đã mua lại các hãng đóng tàu của Pháp, thành lập xưởng in, chế tạo sơn nổi tiếng xuất khẩu ra nước ngoài. Không những thế, họ còn là những nhà tư sản dân tộc yêu nước thế kỷ 20.

“Ông tổ ngành sơn Việt” Nguyễn Sơn Hà

Doanh nhân Nguyễn Sơn Hà sinh năm 1894 tại huyện Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây (nay là Hà Nội), trong một gia đình có bảy anh em. Từ nhỏ, ông đã học chữ Nho và chữ Quốc ngữ, năm 14 tuổi, sau khi cha qua đời, gia đình rơi vào hoàn cảnh khó khăn, buộc ông phải bỏ học để đi làm. Từ đó, trách nhiệm chăm sóc gia đình đặt trên vai ông.

Ông Nguyễn Sơn Hà. Ảnh: Internet

Ông Nguyễn Sơn Hà. Ảnh: Internet

Nguyễn Sơn Hà bắt đầu sự nghiệp tại một hãng buôn của Pháp, nhưng do lương thấp, ông đã chuyển sang làm cho hãng sơn dầu Sauvage Cottu ở Hải Phòng. Tại đây, ông đã nỗ lực học hỏi về quy trình sản xuất sơn, bắt đầu từ phương pháp thủ công và dần dần tiếp cận kỹ thuật hiện đại. Với quyết tâm tự lập và làm giàu, ông nung nấu ý chí xây dựng một hãng sơn dầu mang thương hiệu Việt Nam.

Mỗi khi rảnh rỗi, ông thường tìm đọc những cuốn sách về nghề sơn trong tủ sách của nhà chủ. Vì các sách này viết bằng tiếng Pháp, ông đã tìm thầy học thêm tiếng Pháp vào buổi tối. Sau khi nắm vững bí quyết làm sơn và kinh doanh, Nguyễn Sơn Hà quyết định khởi nghiệp ở tuổi 22, vào năm 1917.

Để có vốn, ông bán chiếc xe đạp của mình và mở một cửa hàng nhỏ chuyên nhận quét vôi, kẻ biển và sơn nhà. Đồng thời, ông cũng bắt đầu chế tạo thử sơn dầu ở Hải Phòng. Cùng với vài anh em trong gia đình, Nguyễn Sơn Hà vừa làm chủ vừa làm thợ.

Gia đình doanh nhân Nguyễn Sơn Hà. Ảnh: Internet

Gia đình doanh nhân Nguyễn Sơn Hà. Ảnh: Internet

Sản phẩm đầu tiên của xưởng mang thương hiệu Résistanco, có nghĩa là “bền chặt” trong tiếng Pháp, nhưng không được người Pháp đánh giá cao. Không nản lòng, ông tiếp tục nghiên cứu và cuối cùng cho ra đời nhiều mẫu sơn hoàn thiện hơn với các tên gọi như Résistanco A và Résistanco B (dùng cho sơn xe đạp), Durolac (sơn ô tô) và Ideal (sơn tường). Chất lượng sơn của ông không thua kém gì sơn Pháp, nhưng giá cả lại thấp hơn nhiều. Khi đã có sản phẩm, ông bắt tay vào tìm kiếm thị trường để người tiêu dùng nhanh chóng biết đến các sản phẩm của mình.

Một góc kho trong khu nhà máy của Nguyễn Sơn Hà. Ảnh: Internet

Một góc kho trong khu nhà máy của Nguyễn Sơn Hà. Ảnh: Internet

Ông được Hãng Descous et Cabaud của Pháp đề nghị làm đại lý phân phối, nhanh chóng đưa sản phẩm sơn Résistanco ra thị trường cả nước, thậm chí bán sang các nước Đông Dương. Mặc dù lúc đó, một số hãng sơn ngoại cố gắng chèn ép "tân binh" sơn Việt Nam, thương hiệu Résistanco của Nguyễn Sơn Hà vẫn vững vàng và phát triển mạnh mẽ.

“Vua tàu thủy” Bạch Thái Bưởi

Khi nhắc đến những người giàu có nhất Việt Nam vào đầu thế kỷ 20, tên tuổi Bạch Thái Bưởi luôn nằm trong danh sách "tứ đại gia" không chỉ của Việt Nam mà còn của cả xứ Đông Dương.

Theo tư liệu của nhà sử học Dương Trung Quốc, Bạch Thái Bưởi sinh năm 1874 trong một gia đình nông dân ở làng Yên Phú, Thanh Trì, Hà Đông (nay là một quận thuộc Hà Nội). Dù gia đình nghèo, ông vẫn được cha mẹ cho học chữ Quốc ngữ và chữ Pháp. Hàng ngày, chàng trai Bạch Thái Bưởi thường đi vớt củi trầm hương trên sông Nhuệ. Số tiền từ việc bán củi trầm hương chính là nguồn vốn đầu tiên để ông khởi nghiệp.

Với khả năng sử dụng tiếng Pháp và kỹ năng tính toán tốt, ông được nhận làm thư ký cho Công sứ Bonnet, một viên chức người Pháp ở phố Tràng Tiền, Hà Nội. Để có cơ hội tiếp xúc với máy móc và học hỏi cách tổ chức, quản lý sản xuất, năm 1894, ông chuyển sang làm việc cho một xưởng thuộc hãng thầu khoán.

Ông Bạch Thái Bưởi. Ảnh: Internet

Ông Bạch Thái Bưởi. Ảnh: Internet

Vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, người Pháp bắt đầu khai thác thuộc địa, mở rộng đường sá và xây dựng cầu cống. Trong khi các nhà buôn ở Hà Nội không nghĩ đến việc hợp tác với người Pháp, Bạch Thái Bưởi đã nhận ra tầm quan trọng của việc kết hợp với họ để học hỏi cách quản lý sản xuất kinh doanh và sử dụng vốn. Ông quyết định hợp tác với người Pháp, trở thành nhà cung cấp nguyên liệu cho dự án xây dựng tuyến đường sắt lớn nhất Đông Dương thời bấy giờ, bắt đầu với cầu Long Biên, dài 3.500m, nối Hà Nội với Gia Lâm. Năm 1902, cầu được khánh thành, cũng là lúc ông đã tích lũy được một số vốn đáng kể.

Từ chỉ có 3 tàu đi thuê khai thác trên 2 tuyến đường thủy, sau 10 năm, công ty của ông đã sở hữu gần 30 tàu lớn nhỏ và sà lan, hoạt động trên hầu hết các tuyến sông miền Bắc, mở rộng ra 17 tuyến hàng hải trong và ngoài nước, đến tận Hồng Kông(Trung Quốc), Nhật Bản, Philippines, Trung Quốc và Singapore. Đặc biệt, ông đã mua lại 6 chiếc tàu của hãng tàu Pháp bị phá sản và đặt tên cho chúng là: Lạc Long, Hồng Bàng, Trưng Trắc, Đinh Tiên Hoàng, Lê Lợi và Hàm Nghi. Việc đặt tên cho các tàu này thể hiện tinh thần tự tôn dân tộc của ông. Trung bình mỗi năm, đoàn tàu của ông chở tới 5.000 chuyến, hơn 1,5 triệu hành khách và 150.000 tấn hàng hóa.

Đỉnh cao trong sự nghiệp kinh doanh vận tải đường thủy của Bạch Thái Bưởi là việc tổ chức đóng tàu Bình Chuẩn thành công với đội ngũ thợ người Việt. Tàu dài 42m, trọng tải 600 tấn, động cơ 400 mã lực, được hạ thủy ngày 7/9/1919 tại Hải Phòng, cập cảng Sài Gòn ngày 17/9/1920. Sự kiện này đã làm nức lòng giới kinh doanh Nam Kỳ, họ đã đúc bảng đồng với dòng chữ: “Tặng tàu Bình Chuẩn, chiếc tàu Việt Nam đầu tiên tại cảng Sài Gòn”.

Cái tên Bạch Thái Bưởi được người đời sau coi là một nhà tư sản dân tộc, một doanh nhân đầy ý chí tự cường và một thương gia lớn với tinh thần tự tôn dân tộc. Ông đã có những đóng góp quan trọng cho ngành hàng hải của nước nhà. Ngày 22/7/1932, sau hơn 20 năm ngang dọc trên thương trường, ông đã qua đời đột ngột tại Hải Phòng vì một cơn đau tim. Từ đó, tên tuổi Bạch Thái Bưởi đã trở thành huyền thoại, đứng bên cạnh những nhà tư sản yêu nước khác của dân tộc vào đầu thế kỷ 20.

Các trường hợp thành công của ông Bạch Thái Bưởi hay ông Nguyễn Sơn Hà có thể nói là những tảng băng lớn đổ vào niềm kiêu hãnh của những nhà tư sản Pháp đang đầu tư làm ăn tại Việt Nam thời bấy giờ trong vị thế đi khai hóa văn minh xứ thuộc địa. Họ không những bị cạnh tranh mà buộc phải bán nhà máy cho người dân tại xứ sở họ đang đô hộ. Việc khôn khéo để vượt qua thủ đoạn chèn ép, bắt nạt của những “ông lớn” đến từ nước ngoài, thành công vượt mặt họ của những thương gia Việt tại thời điểm đó đã là kỳ tích đáng ngưỡng mộ.

Vợ chồng doanh nhân Hà thành hiến tặng hơn 5.000 lượng vàng

Vợ chồng doanh nhân Trịnh Văn Bô và Hoàng Thị Minh Hồ là một gia đình nổi tiếng trong ngành kinh doanh tơ lụa ở phố Hàng Ngang, Hà Nội.

Doanh nhân Hoàng Thị Minh Hồ (sinh năm 1914, tại 21 Hàng Đào, Hoàn Kiếm) lớn lên trong một gia đình quyền quý và giàu có bậc nhất Hà Nội thời bấy giờ. Bà là con gái của Hoàng Đạo Phương, một thương gia và nhà Nho uyên bác.

Doanh nhân Trịnh Văn Bô và vợ - bà Hoàng Thị Minh Hồ. Ảnh: Gia đình cung cấp

Doanh nhân Trịnh Văn Bô và vợ - bà Hoàng Thị Minh Hồ. Ảnh: Gia đình cung cấp

Năm 18 tuổi, bà Minh Hồ kết hôn với ông Trịnh Văn Bô. Sau khi lập gia đình, họ được cha mẹ cho ở riêng tại nhà số 48 Hàng Ngang và kế thừa hiệu buôn tơ lụa Phúc Lợi. Với tài năng bẩm sinh và sự nỗ lực không ngừng nghỉ, bà Hoàng Thị Minh Hồ đã nâng tầm sản nghiệp của gia đình chồng lên một đỉnh cao hiếm có.

Bắt đầu với số vốn 30.000 đồng Đông Dương do mẹ bà cho khi ra ở riêng, vợ chồng ông Trịnh Văn Bô và bà Hoàng Thị Minh Hồ đã trở thành những thương gia nổi tiếng và giàu có ở Hà Thành thời đó.

Năm 1945, Cách mạng Tháng tám diễn ra thành công. Với lòng yêu nước, gia đình bà đã tặng ngôi nhà số 48 Hàng Ngang cho cán bộ cách mạng làm nơi làm việc. Đây cũng chính là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bản Tuyên ngôn độc lập.

Không chỉ vậy, trong "Tuần lễ vàng" do Chính phủ phát động, vợ chồng bà đã không ngần ngại hiến tặng 5.147 lượng vàng. Họ còn là những thành viên quan trọng trong ban vận động "Tuần lễ vàng", khuyến khích giới công thương và nhân dân quyên góp được 20 triệu đồng Đông Dương và 370kg vàng. Trong nạn đói năm 1945, ông bà cũng đã mang tiền đi cứu trợ người dân, phát 1.000 vé cháo cho những người đói.

Vợ chồng doanh nhân Trịnh Văn Bô cùng mẹ tham dự

Vợ chồng doanh nhân Trịnh Văn Bô cùng mẹ tham dự "Tuần lễ vàng" năm 1945. Ảnh: Gia đình cung cấp

Với những đóng góp to lớn cho Cách mạng, vợ chồng ông bà được Chính phủ trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất. Ông Trịnh Văn Bô còn được truy tặng danh hiệu Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu vào năm 2006, cùng với ba doanh nhân nổi tiếng khác là Lương Văn Can, Bạch Thái Bưởi và Nguyễn Sơn Hà. Năm 2019, tên của ông được đặt cho một con đường ở quận Nam Từ Liêm.

Các thương nhân tặng Chính phủ nhà máy in tiền

Ngô Tử Hạ sinh năm 1882 tại làng Quy Hậu, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, trong một gia đình nông dân theo đạo Thiên Chúa. Từ nhỏ, ông đã theo học tại trường dòng, nổi bật với thành tích học tập xuất sắc, luôn đứng đầu lớp. Ông còn thông thạo tiếng Pháp.

Giống như nhiều gia đình nông dân khác ở Kim Sơn thời bấy giờ, ông lập gia đình khá sớm. Năm 17 tuổi, vợ ông qua đời, để lại hai con nhỏ. Để nuôi sống gia đình, ông rời quê lên Hà Nội, làm nhiều nghề khác nhau và gửi tiền về nuôi con. Cuối cùng, ông tìm thấy cơ hội lớn trong nghề in. Ban đầu, ông làm thuê cho một xưởng in bao bì, chủ yếu in vỏ bao thẻ hương. Với sự thông minh và chăm chỉ, cùng khả năng tiếng Pháp, ông đã đọc và áp dụng các tài liệu kỹ thuật, từ đó cải tiến quy trình làm việc và tăng năng suất.

Ông Ngô Tử Hạ. Ảnh: Internet

Ông Ngô Tử Hạ. Ảnh: Internet

Sau vài năm tích lũy, ông đã có đủ tiền mua máy in và mở cơ sở in mang tên Ngô Tử Hạ, tọa lạc gần nhà thờ Hà Nội (số 24 Lý Quốc Sư, Hà Nội ngày nay). Khi kinh tế ổn định, ông kết hôn với một cô gái Hà Thành. Nhờ có sự hỗ trợ từ vợ và gia đình vợ, ông đã nhanh chóng phát triển kinh doanh, mua thêm nhiều máy in hiện đại. Ngô Tử Hạ trở thành người nổi tiếng nhất Đông Dương trong lĩnh vực in ấn và là một trong 300 nhà tư sản giàu có nhất vùng vào thời điểm đó.

Một điều thú vị là những tờ giấy bạc đầu tiên của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mà người dân thường gọi là “đồng bạc cụ Hồ”, đã được in tại nhà in của Ngô Tử Hạ. Những “đồng bạc cụ Hồ” này không chỉ kịp thời đáp ứng nhu cầu chi tiêu của người dân mà còn mang ý nghĩa quan trọng trong việc khẳng định chủ quyền độc lập của quốc gia. Chính phủ đã tin tưởng giao nhiệm vụ này cho nhà in của ông Ngô Tử Hạ.

Sau đó, khi nhu cầu in ấn tiền của Chính phủ ngày càng tăng, một nhà tư sản yêu nước khác, ông Đỗ Đình Thiện (1904 - 1972), vào năm 1946 đã bỏ tiền ra mua lại nhà in của Pháp và tặng lại cho Chính phủ để lập nhà in tiền. Tháng 3/1946, nhà máy in tiền được chuyển về đồn điền Chi Nê, rộng hơn 7.000ha, thuộc gia đình ông Đỗ Đình Thiện ở Hòa Bình.

Ngoài những đóng góp về cơ sở vật chất và tài chính, ông Đỗ Đình Thiện còn tham gia buổi đấu giá bức tranh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh do họa sĩ Nguyễn Sáng vẽ, nhằm gây Quỹ Độc lập Trung ương năm 1945. Ông đã bỏ ra một triệu đồng Đông Dương (tương đương gần 2.000 lạng vàng) để mua bức tranh, sau đó tặng ngay cho Ủy ban Kháng chiến hành chính TP. Hà Nội.

Ông Đỗ Đình Thiện. Ảnh: Internet

Ông Đỗ Đình Thiện. Ảnh: Internet

Tuy sát cánh cùng chính quyền non trẻ và đóng góp một cách vô điều kiện, ông không chọn sống ở thủ đô. Năm 1947, ông bà Đỗ Đình Thiện cùng với mẹ già và bốn người con (đứa nhỏ nhất mới 4 tuổi, đứa lớn nhất 12 tuổi) đã lên Việt Bắc để tham gia cuộc kháng chiến kéo dài 9 năm. Đồn điền Chi Nê mà ông bà sở hữu được giao cho Ban Kinh tài của Đảng quản lý, và ông cũng đóng góp gần nửa cổ phần để xây dựng Việt Nam công thương Ngân hàng, tiền thân của Ngân hàng Quốc gia Việt Nam. Khi kháng chiến kết thúc thắng lợi, gia đình ông trở về thủ đô Hà Nội, sinh sống tại ngôi nhà riêng ở số 76 Nguyễn Du.

Với những thành tựu giá trị để lại, các nhà tư sản dân tộc như Bạch Thái Bưởi, Ngô Tử Hạ, Nguyễn Sơn Hà, Trịnh Văn Bô và Đỗ Đình Thiện được coi là những tấm gương sáng trong ngành thương nghiệp Việt Nam. Họ không chỉ tài ba và yêu nước, mà còn thể hiện lòng tự tôn dân tộc, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế của nước nhà.

>> Danh tính đại gia Việt U80 giàu "nứt vách" từng phải xây hầm giấu vàng, "ông trùm" sân golf, chi nghìn tỷ làm từ thiện được phong anh hùng châu Á

Loạt doanh nhân nổi tiếng xuất thân từ Bình Định: Người đàn ông quyền lực đứng sau bà Nguyễn Phương Hằng, bầu Đức, 'đại gia đi tu' Lê Phước Vũ

Doanh nhân 41 tuổi trở thành Lãnh sự Danh dự người Việt Nam trẻ tuổi nhất, nắm trong tay chuỗi rạp phim hơn 1.000 tỷ đồng

Theo Chất lượng và cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/nhung-doanh-nhan-giau-nhat-viet-nam-dau-the-ky-20-tu-ong-to-cua-nhieu-nganh-nghe-den-nguoi-hien-tang-hon-5000-luong-vang-tang-nha-may-in-tien-cho-chinh-phu-d136114.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Những doanh nhân giàu nhất Việt Nam đầu thế kỷ 20: Từ ‘ông tổ’ của nhiều ngành nghề đến người hiến tặng hơn 5.000 lượng vàng, tặng nhà máy in tiền cho Chính phủ
    POWERED BY ONECMS & INTECH