Xã hội

Loạt doanh nhân nổi tiếng xuất thân từ Bình Định: Người đàn ông quyền lực đứng sau bà Nguyễn Phương Hằng, bầu Đức, 'đại gia đi tu' Lê Phước Vũ

Vĩ Hạ 13/10/2024 07:30

Là một vùng quê nghèo, khắc nghiệt nhưng Bình Định là nơi đã sinh ra nhiều doanh nhân thành đạt, nổi tiếng với sự quyết liệt trên thương trường.

Ông Dũng "lò vôi", người đàn ông bên cạnh bà Nguyễn Phương Hằng

Ông Huỳnh Uy Dũng, thường được biết đến với biệt danh Dũng "lò vôi", là người sáng lập Khu du lịch Đại Nam nổi tiếng và nhiều khu công nghiệp lớn tại Bình Dương. Thời gian gần đây, tên tuổi ông còn được nhiều người biết đến khi là chồng của bà Nguyễn Phương Hằng.

Ông Dũng

Ông Dũng "lò vôi" và bà Nguyễn Phương Hằng. Ảnh: Sưu tầm

Sinh năm 1961 tại Tuy Phước, Bình Định, ông Dũng có tên khai sinh là Huỳnh Phi Dũng. Tuy nhiên, ông đã đổi tên thành Huỳnh Uy Dũng với hy vọng cuộc đời bớt sóng gió và gian truân.

Đúng như biệt danh Dũng "lò vôi", sự nghiệp của ông bắt đầu từ những chiếc lò vôi. Sau đó, ông trở thành người tiên phong trong việc xây dựng mô hình khu công nghiệp hiện đại đầu tiên tại Bình Dương, đồng thời sở hữu nhiều bất động sản và tài sản lớn như Khu công nghiệp Sóng Thần 2, Sóng Thần 3, Khu đô thị Trung tâm hành chính huyện Dĩ An, Khu dân cư Sóng Thần, Khu đô thị thương mại dịch vụ Sóng Thần...

Tuy nhiên, dự án mang tính biểu tượng nhất của ông chính là Khu du lịch kết hợp tâm linh Lạc Cảnh Đại Nam Văn Hiến (gọi tắt là Đại Nam). Với quy mô lên đến 450ha và tổng kinh phí đầu tư 6.000 tỷ đồng, Đại Nam đã giúp ông Huỳnh Uy Dũng trở thành một trong những tên tuổi nổi bật nhất không chỉ tại Bình Dương mà trên toàn quốc.

Ông Huỳnh Uy Dũng được đánh giá là một trong những người giàu nhất Việt Nam. Theo các công ty kiểm toán, khối tài sản của ông có thể lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng nếu cổ phần hóa. Tuy nhiên, ông Dũng nhiều lần khẳng định trên truyền thông rằng mình không quá chú trọng đến tiền bạc, vì với ông, tiền bạc chỉ là vật ngoài thân.

Ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai

Bầu Đức sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, đông anh em ở Bình Định. Ảnh: Sưu tầm

Bầu Đức sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, đông anh em ở Bình Định. Ảnh: Sưu tầm

Ông Đoàn Nguyên Đức sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, đông anh em tại An Nhơn, Bình Định. Chứng kiến mẹ vất vả làm ruộng, nuôi 9 người con bằng những bữa cơm độn sắn, độn khoai, từ nhỏ, ông Đức đã ấp ủ ước mơ duy nhất: có tiền để đi học, học giỏi, đậu đại học và có một nghề nghiệp ổn định để thoát khỏi cuộc sống nghèo khó.

Năm 1982, ông Đức khăn gói vào TP. HCM thi đại học, nhưng không may, ông bị trượt. Trở về quê, ông vẫn đều đặn sáng dắt trâu ra đồng, chiều về tranh thủ học bài. Tuy nhiên, dù cố gắng, cả 4 lần dự thi đại học sau đó, ông đều không đạt kết quả như mong đợi.

Ở tuổi 22, không tiền, không bằng cấp, ông Đoàn Nguyên Đức quyết định rời quê hương, thử sức với nhiều nghề để nuôi sống bản thân, tích lũy kinh nghiệm và tìm hướng đi riêng.

Sau một thời gian làm thuê, ông tích góp được một khoản tiền và vào năm 1990, ông mở một phân xưởng nhỏ chuyên đóng bàn ghế học sinh tại quê nhà. Ông tự tay cưa, bào, đục đẽo để làm ra từng chiếc bàn.

Từ việc sản xuất bàn ghế học sinh, ông Đức dần mở rộng sang sản xuất đồ nội thất và sau đó phát triển sang nhiều lĩnh vực khác, nổi bật nhất là bất động sản, hình thành nên Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai.

Cho đến bây giờ, khi nhìn lại, ông Đức chia sẻ: "Mỗi lần về thăm quê, tôi lại thấy hình ảnh mình ngày xưa, đang dắt trâu ra đồng chuẩn bị cày trên thửa ruộng sắp vào mùa".

Ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen

Ông Lê Phước Vũ đã phải trải qua nhiều khó khăn, thất bại trước khi xây dựng lên Tập đoàn Hoa Sen. Ảnh: Sưu tầm

Ông Lê Phước Vũ đã phải trải qua nhiều khó khăn, thất bại trước khi xây dựng lên Tập đoàn Hoa Sen. Ảnh: Sưu tầm

Xuất thân từ một gia đình nghèo tại Bình Định, ông Lê Phước Vũ đã phải mưu sinh bằng nhiều công việc trong khi theo học tại Trường Trung cấp Giao thông. Dù vậy, ông vẫn đạt thành tích học tập xuất sắc và được giữ lại trường làm giảng viên sau khi tốt nghiệp. Tuy nhiên, ông đã từ chối cơ hội này vì mức đãi ngộ không đủ để ông hỗ trợ gia đình.

Sau khi ra trường, ông cùng gia đình quyết định vào Nam tìm kiếm cơ hội. Hai năm đầu, ông làm việc cho một công ty vận tải ở Tây Ninh, chạy tuyến Sài Gòn – Vinh, nhưng cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn. Với hy vọng thay đổi cuộc sống, ông cùng vợ chuyển lên Buôn Ma Thuột để thử lập nghiệp, nhưng sau chỉ hai tháng, họ đành phải từ bỏ vì không tìm được hướng đi khả quan.

Trở lại Sài Gòn, ông được mời làm Quản đốc tại Công ty Gỗ Đức Thành. Trong thời gian này, ông tình cờ gặp một Giám đốc của công ty thép nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam và được gợi ý thử sức trong lĩnh vực kinh doanh. Năm 1994, với chỉ 2 chỉ vàng trong tay, ông Lê Phước Vũ bắt đầu khởi nghiệp với một cửa hàng nhỏ chuyên bán tôn.

Đến năm 1997, khi nhận thấy cửa hàng không còn kinh doanh hiệu quả, ông quyết định chuyển hướng sang sản xuất bằng việc mở một xưởng cán tôn. Ban đầu, ông gặp rất nhiều khó khăn, phải mua máy móc trả góp và cạnh tranh gay gắt với các công ty khác, thậm chí, nhiều lúc xưởng của ông đứng trên bờ vực phá sản.

Tuy nhiên, nhờ nỗ lực không ngừng, xưởng của ông Vũ dần dần thu hút khách hàng, công việc kinh doanh ngày càng thuận lợi. Thấy được tiềm năng phát triển, ông quyết định mở rộng quy mô, thành lập thêm các xưởng cán tôn khác. Trong quá trình này, ông không ngừng học hỏi các công nghệ sản xuất mới và tìm hiểu về quản trị kinh doanh, cũng như tìm cách tiếp cận nhiều nguồn vốn khác nhau.

Năm 2001, Lê Phước Vũ thành lập Công ty Cổ phần Hoa Sen với số vốn ban đầu 30 tỷ đồng và 22 nhân viên. Từ một công ty nhỏ, giờ đây Hoa Sen đã trở thành một trong những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn mạnh tại Việt Nam.

Bà Trần Thị Hường, người đưa Hoa hậu Hoàn Vũ về Việt Nam

Bà Trần Thị Hường nổi tiếng như một điển hình đi lên từ bàn tay trắng. Ảnh: Sưu tầm

Bà Trần Thị Hường nổi tiếng như một điển hình đi lên từ bàn tay trắng. Ảnh: Sưu tầm

Doanh nhân Trần Thị Hường (1936-2017), còn được biết đến với biệt danh Tư Hường, quê gốc tại huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định. Bà từng là một trong những người giàu có và quyền lực nhất Việt Nam, nhà kinh doanh xuất sắc trong lĩnh vực bất động sản và ngân hàng.

Thời trẻ, sau khi kết hôn, bà có 10 người con, trong đó có 3 con trai. Làm thuê và buôn bán nhỏ nhưng nhờ năng động, trước ngày đất nước thống nhất, bà tích lũy được một số vốn, cơ sở để khởi nghiệp kinh doanh sau này.

Từ đầu những năm 90, bà Hường đã nổi tiếng với hai phi vụ thu lời hàng chục triệu USD, số tiền quá lớn vào thời đó. Đó là phi vụ bà đầu tư xây nhà máy bia ở Khánh Hòa. Bà góp 45% vốn, phần còn lại là chính quyền địa phương góp bằng đất đai. Vài năm sau, bà bán lại cho hãng San Miguel với giá 24 triệu USD, lãi 5 triệu USD từ thương vụ này.

Không lâu sau, bà xây dựng nhà máy Sài Gòn Cola ở Thủ Đức, TP. HCM sau đó chuyển nhượng lại cho Coca Cola với giá 15 triệu USD. Tùy theo vốn góp, mỗi người con bà Tư Hường lãi 1-2 triệu USD. Sau đó, bằng chiến lược trên, bà thu lời triệu đô bằng cách bán và xây dựng nhà máy nước tăng lực Lipovitan (khoảng 17 triệu USD).

Sau này, bà là Chủ tịch Tập đoàn Hoàn Cầu và chủ Ngân hàng Nam Á. Hoàn Cầu chính một trong những đơn vị đã mang cuộc thi Hoa hậu Hoàn Vũ thế giới đến Việt Nam và mời được ca sĩ Lady Gaga đến biểu diễn.

>> Doanh nhân tỷ USD và động lực chính sách

‘Bà trùm’ thẩm mỹ Mailisa phải nhập viện cấp cứu sau chuyến đi từ thiện tại Cao Bằng, doanh nhân Hoàng Kim Khánh tiết lộ nguyên nhân khiến ai cũng phải cảm phục

Doanh nhân 41 tuổi trở thành Lãnh sự Danh dự người Việt Nam trẻ tuổi nhất, nắm trong tay chuỗi rạp phim hơn 1.000 tỷ đồng

Theo Chất lượng và Cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/loat-doanh-nhan-noi-tieng-xuat-than-tu-binh-dinh-nguoi-dan-ong-quyen-luc-dung-sau-ba-nguyen-phuong-hang-bau-duc-dai-gia-di-tu-le-phuoc-vu-d136106.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Loạt doanh nhân nổi tiếng xuất thân từ Bình Định: Người đàn ông quyền lực đứng sau bà Nguyễn Phương Hằng, bầu Đức, 'đại gia đi tu' Lê Phước Vũ
POWERED BY ONECMS & INTECH