Giữa môi trường đô thị ngột ngạt với khói bụi và ô nhiễm tăng cao, những khoảng xanh khổng lồ như trở thành "lá phổi xanh" của cả thành phố, điều hòa không gian sống cho người dân.
TP. HCM dẫn đầu danh sách các thành phố giàu có nhất cả nước, với quy mô GRDP đạt khoảng 65,5 tỷ USD tính đến cuối năm 2023, chiếm khoảng 15,5% GDP của Việt Nam.
Nền kinh tế của thành phố này được coi là "đầu tàu" của nền kinh tế quốc gia, với sự đa dạng trong các lĩnh vực như nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, khai thác, thuỷ sản, công nghiệp chế biến, tài chính và du lịch.
Với tổng dân số gần 9 triệu người và diện tích 2.095km2, mật độ dân số của TP.HCM ước tính đạt 4.375 người/km2, là thành phố đông dân nhất và có mật độ dân số cao nhất cả nước. Tốc độ đô thị hóa ở đây cũng diễn ra rất nhanh, với tỷ lệ đô thị hóa đạt 77,77% vào năm 2022, theo Bộ Xây dựng.
Với áp lực lớn tới từ lượng dân cư đông đúc, giao thông thường xuyên ùn tắc và các vấn đề ô nhiễm môi trường, TP. HCM đang đối diện với nhiều thách thức khi vừa phải đảm bảo sự phát triển hiện đại cùng việc duy trì một môi trường sống an toàn và lành mạnh.
Theo chuyên trang Đời sống & Pháp luật, ông Đặng Phú Thành, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP. HCM cho biết hiện tỷ lệ diện tích cây xanh đô thị trên đầu người ở thành phố đạt 0,55m2/người. Tuy nhiên, đánh giá từ Bộ Xây dựng cho thấy tỷ lệ diện tích cây xanh công cộng tại TP. HCM thấp nhất so với các đô thị khác trên cả nước, lần lượt xếp sau Hà Nội (2,06 m2/người), Đà Nẵng (2,4 m2/người), và Hải Phòng (3,41 m2/người). Do đó, tỷ lệ diện tích cây xanh công cộng tại Hà Nội cao hơn 3,7 lần so với TP. HCM, Đà Nẵng cao hơn 4,3 lần, và Hải Phòng cao hơn 6,2 lần so với TP. HCM.
Với tình hình trên, việc phát triển các khu vực xanh được lãnh đạo TP. HCM coi là một biện pháp cấp bách và có tính chiến lược.
Cho đến hiện tại, những "lá phổi xanh" khổng lồ xuất hiện trong TP. HCM vẫn đang góp một phần không nhỏ vào việc điều hòa không khí, tạo cảnh quan, điểm đến cho người dân.
1. Thảo Cầm Viên
Đầu tiên, không thể không kể đến một trong những công trình lâu đời nhất nằm ngay tại trung tâm quận 1, đó chính là Thảo Cầm Viên. Công trình này được xây dựng vào ngày 23/3/1864 với tên gọi ban đầu là Vườn Bách Thảo.
Thảo Cầm Viên có thể được coi là một khu rừng giữa lòng thành phố đúng nghĩa. Nơi đây là ngôi nhà của hàng ngàn cá thể các loại động, thực vật. Thảo Cầm Viên cũng là 1 trong 10 vườn thú trên 150 tuổi trên toàn thế giới.
Tại đây, nhiều loài động vật quý như hổ Đông Dương, sư tử, vượn má vàng, voọc bạc, trĩ sao, công xanh, cá sấu... đã xuất hiện, tạo ra một hệ sinh thái đa dạng ngay giữa lòng thành phố. Với diện tích khoảng 17ha rộng lớn được phủ bóng cây xanh, khu vực xung quanh Thảo Cầm Viên trở nên mát mẻ, không khí vào buổi sáng trong lành và buổi trưa dễ chịu nhờ sự bao bọc của hàng trăm cây cổ thụ. Việc một địa điểm như vậy vẫn tồn tại giữa một thành phố có dân số lên đến 9 triệu người thật sự là điều đáng kinh ngạc.
Nhờ không gian xanh mát, không khí trong lành, và sự hiện diện của động vật, Thảo Cầm Viên đã trở thành điểm đến yêu thích của các gia đình và du khách vào cuối tuần. Thảo Cầm Viên cũng thường mở cửa miễn phí một phần của khu vực công viên cho cư dân địa phương tập thể dục, chỉ khu vực vườn bách thú mới yêu cầu vé vào cửa.
2. Công viên Tao Đàn
Công viên Tao Đàn là một trong những công viên đẹp và lớn nhất tại trung tâm quận 1, TP. HCM. Với diện tích rộng lớn hơn 10ha, công viên này có hơn 1.000 cây xanh, trong đó có nhiều loại cây cổ thụ với tuổi đời hàng chục năm như cây dầu, sao, chò,... Người dân TP. HCM ví công viên Tao Đàn như lá phổi xanh giữa lòng đô thị nhộn nhịp.
Ngoài không gian xanh quý giá giữa bộn bề cuộc sống đô thị, đây còn là nơi tập trung nhiều điểm tham quan thú vị, là thiên đường giải trí cho cư dân và là địa điểm lý tưởng để tổ chức các sự kiện, lễ hội, triển lãm lớn.
Không khí trong lành và mát mẻ tại đây thực sự là một liều thuốc lành mạnh sau những ngày sống trong thành phố ồn ào và náo nhiệt.
3. Dinh Độc Lập
Ngay bên cạnh công viên Tao Đàn là Dinh Độc Lập với độ phủ xanh rộng lớn. Bên cạnh việc là một điểm đến di tích lịch sử, Dinh Độc Lập còn sở hữu khoảng 12ha bóng cây xanh. Người dân khi muốn tham quan khu di tích này sẽ phải mua vé với mệnh giá từ 20.000 đồng - 40.000 đồng/người.
Video quay lại toàn cảnh khuôn viên của Dinh Độc Lập
Đặc biệt, TP. HCM có hệ thống cây xanh phong phú không chỉ tại các công viên mà còn được trồng dọc theo nhiều con đường lớn. Các cây cổ thụ với những tán lá rộng lớn giúp giảm nhiệt độ đô thị và tạo ra không gian mát mẻ cho các con đường trong khu vực nội thành.
Theo các nhà khoa học, mỗi cư dân thành thị cần khoảng 7m2 diện tích cây xanh để đảm bảo không khí trong lành. Nhận thức được điều này, các nhà quản lý ở TP.HCM đã thiết lập kế hoạch phát triển các công viên với diện tích khoảng 11.369ha, tương ứng với chỉ tiêu 7 m2/người. Đồng thời, họ cũng sẽ xem xét các khu đất được quy hoạch công viên trong các dự án 1/5000, 1/2000. Dựa vào tính chất của từng khu đất, chính quyền sẽ tiến hành xây dựng hoặc mời đầu tư. Dựa theo các kế hoạch quy hoạch của TP. HCM, diện tích công viên công cộng dự kiến sẽ tăng lên 11.400ha vào năm 2030, với mục tiêu trung bình 7 m2/người dân.
Bà Nguyễn Thị Thanh Vân, Trưởng Ban Đô thị HĐND TP. HCM, đã tiết lộ rằng sẽ đề xuất UBND thành phố chỉ đạo các đơn vị tăng cường hoạt động xã hội hóa và thu hút nguồn lực từ các thành phần kinh tế để thực hiện đề án trồng 1 tỉ cây xanh theo yêu cầu của Chính phủ và kế hoạch trồng 10 triệu cây xanh của thành phố, theo chuyên trang Đời sống & Pháp luật.
Theo đề án trồng 10 triệu cây xanh của TP. HCM, mỗi người dân sẽ được khuyến khích trồng một cây xanh nhằm góp phần vào mục tiêu "vì một Việt Nam xanh". Điều này nhằm tạo ra 10 triệu cây xanh các loại, hỗ trợ bảo vệ môi trường, cải thiện cảnh quan và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Trong kế hoạch này, TP. HCM sẽ trồng hơn 8,34 triệu cây xanh thông qua việc phát triển công viên, mảng xanh, cây xanh ven đường và cây xanh trong các khu công cộng, trường học và khu dân cư. Thành phố cũng khuyến khích các địa phương, đơn vị và cư dân trồng các loại cây mới để đa dạng hóa diện mạo của từng khu vực, tuyến đường.
Ngoài ra, hơn 1,65 triệu cây xanh sẽ được phát triển thông qua các dự án mới về trồng rừng, cải tạo rừng, và chăm sóc rừng trên diện tích 1.140ha, chủ yếu tại các huyện Củ Chi, Bình Chánh và Cần Giờ. Tổng nguồn kinh phí thực hiện cho đề án trồng 10 triệu cây xanh này ước tính là hơn 1.000 tỷ đồng, trong đó có 480 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước và 550 tỷ đồng từ nguồn vận động xã hội hóa.