Xã hội

Những người cô kiên trì 'cắm bản', mang con chữ về thắp sáng nụ cười trẻ thơ

Linh Chi 19/11/2024 - 13:53

Vượt qua những con đường ngoằn nghèo đầy bùn lầy vào mùa mưa, sỏi đá gập ghềnh vào ngày nắng, các cô vẫn luôn nở nụ cười, hạnh phúc vì mang được con chữ về với các con ở bản làng.

Ông cha ta có câu: “Muốn sang thì bắc cầu Kiều / Muốn con hay chữ thì yêu kính thầy.”

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng luôn đánh giá cao vị trí, vai trò của nghề giáo: “Nhiệm vụ thầy giáo rất vẻ vang, vì nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục… Không có giáo dục thì không nói gì đến kinh tế, văn hóa".

Hay Thủ tướng Phạm Văn Đồng khẳng định: “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong những nghề sáng tạo vì nó đã sáng tạo ra những con người sáng tạo".

Những lời khẳng định đó đã cho thấy trong mọi thời đại, mọi xã hội, vị trí, vai trò của người thầy luôn được đề cao, coi trọng và không hề thay đổi.

Đảm nhận công việc như một người đưa tin, tôi đã đi qua nhiều vùng miền, trò chuyện cùng nhiều người làm các ngành nghề khác nhau nhưng có lẽ cuộc trò chuyện khó quên nhất chính là câu chuyện của những người thầy, người cô "cắm bản", đưa con chữ về với bản làng.

Những người cô tận tâm với nghề

Một ngày mùa đông lạnh giá, giáp Tết Nguyên đán, tôi có chuyến công tác lên Mường Khương - Lào Cai. Sau khoảng 5 tiếng di chuyển từ Hà Nội bằng xe khách, tôi đã đến thăm hai điểm trường Cốc Lầy và Bồ Lũng, thuộc xã Lùng Vai, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai.

Huyện Mường Khương là một trong những huyện nghèo, giáp biên giới của tỉnh Lào Cai. Vì thế, những ngôi trường ở đây cũng thật khác biệt so với trường ở vùng đồng bằng nơi tôi từng theo học. Trường ở đây chỉ đơn giản là ngôi nhà cấp 4, được chia thành 2, 3 phòng học nhỏ là nơi học tập của cả các em học sinh mầm non và tiểu học với cơ sở vật chất đơn sơ.

Những người cô kiên trì 'cắm bản', mang con chữ về thắp sáng nụ cười trẻ thơ - ảnh 1
Điểm trường ở Mường Khương - Lào Cai. Ảnh: ĐH

Có những điểm trường rất xa, đường đi lại vất vả, ngày mưa, các con phải lội bùn lầy đến trường. Có em nhỏ phải đi bộ 12 - 17km mới đến được lớp. Ngày mùa, bố mẹ phải đi làm, không có ai trông em, có bạn còn cõng luôn cả em cùng đi học. Em bé ngủ say trên lưng chị, gương mặt ngây thơ như đang mơ về một ngày bản làng phát triển, con đường đến trường sẽ bớt gập ghềnh.

Dù trong ngày đông rét mướt nhưng các con ăn mặc rất phong phanh, đơn giản. Có em nhỏ chỉ mặc chiếc áo sơ mi cũ, quần đùi, đi dép tổ ong. Có bé lại mặc bộ váy truyền thống của dân tộc mình. Ông Vàng Việt Trung – Phó Chủ tịch xã Lùng Vai tâm sự rằng ở đây điều kiện sống của người dân rất khó khăn. Họ sống chủ yếu dựa vào nương rẫy nên chỉ mong đủ ăn là mừng. Các con không được uống sữa nên dù học lớp 3, lớp 4 vẫn nhỏ con, gầy gò: "Hôm nay là ngày các con mặc quần áo đẹp nhất vì ngày hôm trước các cô đã dặn dò có bộ nào đẹp nhất, lành nhất thì mặc để chào đón các cô chú, còn ngày thường có bạn còn chẳng có áo, quần để mặc. Mùa đông vùng cao lạnh buốt nhưng các con cũng chỉ mặc chiếc áo sơ mi mỏng hoặc quần đã cũ, rách", ông nói.

Những người cô kiên trì 'cắm bản', mang con chữ về thắp sáng nụ cười trẻ thơ - ảnh 2
Những người cô kiên trì 'cắm bản', mang con chữ về thắp sáng nụ cười trẻ thơ - ảnh 3
Các con mặc đơn sơ trong ngày đông lạnh giá. Ảnh: ĐH

Cô Trần Thị Bình - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lùng Vai cũng khiến nhiều người nhói lòng vì những chia sẻ chân thành: "Trường có 1 điểm trường chính và 4 điểm trường lẻ, hơn 200 học sinh và 29 cán bộ giáo viên. Ở trường có khoảng 20 học sinh bán trú không thuộc danh sách hỗ trợ của nhà nước nên lãnh đạo cùng nhà trường đã kết nối với dự án Nuôi em, mỗi suất hỗ trợ ăn trưa trị giá khoảng 8.500 đồng. Các cô vừa là cô giáo vừa là mẹ. Ngoài dạy chữ, dạy kỹ năng sống, các cô đảm nhận nhiều vai trò khác như xây dựng trường, công tác vệ sinh, trồng rau trồng hoa, tăng gia sản xuất, nấu nướng... Các con còn hạn chế về ngôn ngữ, có nhiều bạn không nói được tiếng Việt. Ở trường hiện tại có 2 bạn học sinh gặp hoàn cảnh rất éo le, một bạn bị bệnh hiểm nghèo, một bạn mẹ mất còn bố bị bệnh nặng".

Ở trường chính nhiều học sinh hơn, với các điểm trường có khi chỉ 6 học sinh, 2 cô giáo, điều kiện dạy và học, sinh hoạt vô cùng khó khăn nhưng các cô vẫn tâm huyết, nỗ lực “cắm bản”, vận động phụ huynh và các con đến trường để học lấy con chữ.

Lúc đến trường cô giáo như mẹ hiền

Như ở Mường Khương - Lào Cai, các con ở xã Keng Đu - huyện Kỳ Sơn - tỉnh Nghệ An cũng học tập trong điều kiện thiếu thốn về vật chất. Là xã nghèo, vùng sâu vùng xa nhất của huyện Kỳ Sơn nên chặng đường đến đây không hề dễ dàng. Có những đoạn đường rất xấu, dốc, ngày mưa đường sạt lở, bùn lầy. Chặng đường từ Hà Nội về Kỳ Sơn chỉ 500 km nhưng phải đi hơn 10 tiếng đồng hồ. Để vào bản, xe ô tô không đi được nên phải nhờ người dân địa phương đèo bằng xe máy thêm mấy chục cây số. Nhìn cảnh núi non trùng điệp bao phủ lấy những ngôi trường đơn sơ, nhỏ bé, ai nấy không khỏi nhói lòng. Điểm trường Huồi Phó chỉ là ngôi nhà rất nhỏ, điểm trường Khe Linh chưa có sóng điện thoại, đường đi vào rất khó khăn.

Những người cô kiên trì 'cắm bản', mang con chữ về thắp sáng nụ cười trẻ thơ - ảnh 4
Đường vào điểm trường ở xã Keng Đu. Ảnh: Lê Tuấn

Cô Trần Thị Lan - Hiệu trưởng Trường Mầm non Keng Đu không giấu được xúc động khi tâm sự về nghề. Toàn trường có 370 học sinh, 95% là người dân tộc Khơ Mú, 37 cán bộ giáo viên. Trường có 9 điểm trường và mỗi điểm trường có 1-2 cán bộ, giáo viên. Có những điểm trường ở bản xa nên có khi chỉ có 7 - 10 trẻ.

Người dân ở đây chủ yếu là người dân tộc thiểu số nên chưa quan tâm đến việc học. Có những em phải ở nhà trông em cho bố mẹ đi làm. Có những em bố mẹ đi làm xa, ở nhà với ông bà nên không có ai đưa đi học. Vì thế, trước đây, khi vào năm học mới hay sau Tết Nguyên đán, các cô phải chia nhau đến từng nhà vận động bố mẹ cho con đi học.

Những người cô kiên trì 'cắm bản', mang con chữ về thắp sáng nụ cười trẻ thơ - ảnh 5
Điểm trường ở Keng Đu. Ảnh: Lê Tuấn

Để đến trường, các con cũng phải cố gắng rất nhiều vì có bé phải đi bộ hàng chục cây số đường núi. Chưa kể những ngày mưa gió, đường sạt lở, bùn lầy. Vì thế, khi nhìn những đứa trẻ không ngừng vươn lên, các thầy cô cũng tự nhủ phải nỗ lực hơn nữa để “bám bản”, đồng hành cùng các con.

Theo cô Lan chia sẻ, ở trường hiện tại có một học sinh có hoàn cảnh rất đặc biệt. Mẹ là cô giáo lên “cắm bản”, lúc sinh con không may qua đời. Sau đó một thời gian, bố lấy vợ mới nên em ở với bà nội. “Thương con, tôi nhận con làm con nuôi, nuôi sữa con từ lúc sinh ra đến nay, cũng đã 3 năm", cô kể.

Những người cô kiên trì 'cắm bản', mang con chữ về thắp sáng nụ cười trẻ thơ - ảnh 6
Điểm trường chỉ là ngôi nhà cấp 4 đơn sơ. Ảnh: Lê Tuấn

Có lẽ những hình ảnh các em cõng nhau, trèo đèo, lội suối, băng rừng, đi bộ nhiều cây số để đến trường không còn là điều xa lạ bởi thường xuyên được chia sẻ trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Thế nhưng, phải khi đến tận nơi, thấy tận mắt, nghe tận tai câu chuyện về những đứa trẻ vùng cao mới càng thấu hiểu, càng thương thêm. Những đôi mắt ngây thơ, đôi tay nhỏ bé nhưng đã có nghị lực phi thường, vượt khó vượt khổ để đến trường mang theo ước mơ bắt đầu ươm mầm.

>>Cô giáo Nghệ An: ‘Muốn tôn vinh nhà giáo, xin đừng miễn học phí cho con chúng tôi’

Lời chúc ngày 20/11 cho cô giáo ngắn gọn, ý nghĩa nhất 2024

Vụ cô giáo ở Hà Nội bị đối tượng xăm trổ đeo bám: Trường bị kết luận mắc hàng loạt sai phạm

Theo Thị trường tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/kien-thuc/nhung-nguoi-co-kien-tri-cam-ban-mang-con-chu-ve-thap-sang-nu-cuoi-tre-tho-130597.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Những người cô kiên trì 'cắm bản', mang con chữ về thắp sáng nụ cười trẻ thơ
    POWERED BY ONECMS & INTECH