Cô giáo Nghệ An: ‘Muốn tôn vinh nhà giáo, xin đừng miễn học phí cho con chúng tôi’

Nguyễn Thị Hà 11/10/2024 - 06:59

"Việc miễn học phí cho con giáo viên có thể tạo nếp nghĩ rằng nếu bố mẹ làm trong ngành nghề nào, con cái sẽ được ưu tiên trong lĩnh vực đó, làm lan rộng kiểu sống vun vén cho cá nhân hay một nhóm người, tăng nguy cơ bất bình đẳng trong xã hội".

Ngày 8/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp cho ý kiến lần 2 về dự thảo Luật Nhà giáo.

Theo đó, Bộ GD-ĐT, cơ quan chủ trì soạn thảo, đề xuất miễn học phí với con đẻ và con nuôi hợp pháp của nhà giáo đang công tác. Căn cứ độ tuổi của giáo viên và dự tính độ tuổi con cái họ, mức chi dự kiến khoảng 9.200 tỷ đồng mỗi năm.

Dự thảo này đã thu hút sự quan tâm của dư luận. Một số người đồng tình với đề xuất vì cho rằng lâu nay chúng ta xác định “giáo dục là quốc sách hàng đầu”, cũng nên có những đặc quyền cho giáo viên để động viên tinh thần, giúp họ yên tâm công tác. Ở chiều ngược lại, một số người lại cho rằng có thể hỗ trợ các nhà giáo khó khăn nhưng đưa vào luật và miễn phí cho 100% con nhà giáo thì chưa hợp lý, bởi giáo viên so với những ngành nghề khác không có gì đặc biệt.

VietNamNet xin giới thiệu bài viết của một nữ giáo viên về vấn đề này.

Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ GD-ĐT đã đề xuất miễn học phí cho con đẻ và con nuôi của nhà giáo đang công tác. Có người cho rằng đề xuất này có tính nhân văn, thể hiện sự trân trọng của xã hội dành cho nghề giáo và có tác dụng động viên nhà giáo tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp giáo dục. Song, là một giáo viên đã công tác trong ngành giáo dục 17 năm, tôi hoàn toàn không đồng tình.

Miễn giảm học phí cho một số đối tượng học sinh là một chính sách đúng đắn, ý nghĩa, hỗ trợ thiết thực cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn để các em được đến trường. Đó là học sinh thuộc diện mồ côi cả cha lẫn mẹ, con hộ nghèo, cận nghèo, học sinh tàn tật, ở vùng đặc biệt khó khăn... Nếu con của giáo viên thuộc một trong những trường hợp trên đây đương nhiên được miễn học phí, không cần phải bàn cãi.

Còn việc miễn học phí cho con của tất cả các giáo viên đang công tác, theo tôi, lợi ít, hại nhiều.

co Ha.jpg
Cô giáo trong một tiết dạy học sinh lớp 12 tại Trường THPT Quỳnh Lưu 4, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An.

Thứ nhất, nếu nói về thu nhập, thực tế là trong hệ thống cán bộ công chức, viên chức hưởng lương từ nguồn ngân sách Nhà nước, lương của giáo viên nhìn chung không thấp. Mức sống của đại bộ phận giáo viên cũng đang ở mức trung bình trong xã hội.

Nếu thực tế thu nhập của giáo viên không xứng đáng với công sức lao động hoặc thậm chí không đủ sống so với mặt bằng chung của xã hội, việc cần làm là cải cách chế độ tiền lương cho toàn bộ giáo viên chứ không phải chỉ hướng tới nhóm giáo viên có con đang trong độ tuổi đến trường. Đề xuất miễn học phí cho con em giáo viên là một giải pháp có phần cảm tính và chỉ giải quyết được phần ngọn của vấn đề.

Thứ hai, nếu đề xuất miễn học phí cho con của giáo viên được thực hiện sẽ tạo một tạo nên một nếp nghĩ rằng nếu bố mẹ làm trong ngành nghề nào, con cái sẽ được ưu tiên trong lĩnh vực đó. Không phải ngẫu nhiên trên mạng xã hội, khi bàn về đề xuất này của bộ, có người bình luận: con của bộ đội cũng cần được miễn nghĩa vụ quân sự, con của nhân viên ngân hàng được miễn lãi suất khi vay tiền, con của y bác sĩ được miễn chi phí khám chữa bệnh… Điều này ảnh hưởng rất lớn đến niềm tin và ý chí phấn đấu của thế hệ trẻ.

co Ha2.jpg
Cô giáo Nguyễn Thị Hà và các học trò tại Trường THPT Quỳnh Lưu 4, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An.

Cũng có người lập luận rằng nghề giáo là một nghề cao quý, do đó cần có chế độ đãi ngộ riêng cho giáo viên. Là một giáo viên, tôi vẫn luôn tin rằng sự nghiệp trồng người rất cao quý và giáo viên xứng đáng nhận được sự tôn vinh của xã hội. Tuy nhiên, tôn vinh nghề giáo cao quý không có nghĩa là các nghề khác ít cao quý hơn.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Người đầu bếp, người quét rác cũng như thầy giáo, kĩ sư, nếu làm tròn trách nhiệm thì đều vẻ vang như nhau”. Trong xã hội, bất cứ ngành nghề nào ra đời cũng đều xuất phát từ yêu cầu của xã hội và người lao động làm trong lĩnh vực nào cũng có đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.

Khi coi nghề giáo cũng là một nghề lao động, bình đẳng với các ngành nghề khác, xã hội sẽ thay đổi góc nhìn đối với giáo viên. Thay vì đơn thuần tôn vinh về tinh thần, các nhà quản lí xã hội sẽ tạo điều kiện chăm lo đời sống cho giáo viên để họ nhận được sự đãi ngộ xứng đáng với giá trị mà họ tạo ra cho xã hội. Khi đó, các thầy cô giáo sẽ yên tâm cống hiến hết mình cho nghề.

Nghề giáo là nghề cao quý càng hoàn toàn không hề có nghĩa là bất cứ ai làm giáo viên cũng đều là người cao quý. Để trở thành một người cao quý, ngành nghề mỗi người đang làm chỉ là một điểm khởi đầu và ta phải nỗ lực từng ngày từng giờ. Một người giáo viên chân chính sẽ không bao giờ nghĩ rằng xã hội phải coi trọng, phải tôn vinh mình vì mình làm nghề giáo, mà ngược lại, họ sẽ luôn tâm niệm bản thân cần cố gắng nhiều hơn nữa để xứng đáng với sự tôn trọng của cả xã hội đối với nghề của mình.

Để tạo động lực cho nhà giáo, thay vì miễn học phí cho con giáo viên, tôi hi vọng các nhà quản lí cần có khảo sát toàn diện, khách quan về mức độ làm việc và đóng góp của đội ngũ giáo viên trong tương quan với các ngành nghề khác để xây dựng chế độ chi trả tiền lương xứng đáng.

Nguyễn Thị Hà (Trường THPT Quỳnh Lưu 4, Nghệ An)

Bổ sung 4 dự án luật, 1 dự thảo Nghị quyết vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025

Từ 1/1/2025, 3 trường hợp sau có thể bị tạm hoãn xuất cảnh

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/mien-hoc-phi-cho-con-giao-vien-khien-nha-giao-cang-de-bi-ghet-2330825.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Cô giáo Nghệ An: ‘Muốn tôn vinh nhà giáo, xin đừng miễn học phí cho con chúng tôi’
    POWERED BY ONECMS & INTECH