Thế giới số giờ đây đã là một phần không thể tách rời khỏi cuộc sống của chúng ta. Câu hỏi là: Làm thế nào để bảo vệ được người dùng trên không gian số? Làm thế nào lấy lại niềm tin số?
Đảm bảo an toàn số ở mức cơ bản để bảo vệ cho mọi người dùng viễn thông, Internet là bước tiến căn bản để tạo ra niềm tin số. Phải có niềm tin số thì mới có chuyển đổi số. Làm gì để người dân củng cố niềm tin số, VietNamNet xin giới thiệu tuyến bài viết phản ánh về vấn đề này.
Bài 1: Khi người dùng sợ nghe điện thoại và ngại tham gia môi trường số
Bài 2: Cần một giải pháp từ nhà mạng để chặn từ gốc
Bài 3: Muốn tạo niềm tin số cần phải làm một cách thống nhất
Chắc chắn, những người tổ chức concert Black Pink vừa qua phải đối diện với một thách thức hiếm khi xảy ra ở những thị trường khác – vé giả. Bất cứ thứ gì đang lên cơn sốt đều có thể bị làm giả bằng cách này hay cách khác. Nhưng từ khi người ta phát minh ra vé điện tử bằng QR Code gửi qua email, nó có thể được nhân bản để bán cho nhiều nạn nhân khác nhau, vé giả trở thành một vấn nạn khó chữa. Công nghệ số, bên cạnh sự tiện lợi, hữu dụng, lộ diện mặt trái xấu xí của nó - sự lừa đảo và gian lận.
Mỗi khi tổ chức Đại hội Sales & Marketing VSMCamp thường niên, chúng tôi lại bị đặt câu hỏi: Chúng ta sẽ làm gì nếu ai đó sẽ show vé QR Code giả? Thậm chí ngay cả khi hệ thống của chúng ta phát hiện có vé trùng lặp thì phản ứng của chúng ta là gì? Thật lòng mà nói, chúng tôi tin là với những sự kiện mang tính chuyên môn như vậy, chắc không có nhiều người bỏ công làm giả vé, nên thường tặc lưỡi cho qua. Nhưng với những chương trình giải trí thương mại, có giá trị cao thì lại khác.
Công nghệ ngày càng phát triển, càng thông minh, thì kẻ xấu càng có nhiều công cụ để lừa đảo, trục lợi và gây bất ổn xã hội. Những cú điện thoại lừa đảo, tống tiền giờ đây được hỗ trợ thêm công nghệ AI, deep fake, để giả giọng, thậm chí giả cả khuôn mặt nạn nhân qua video call. Từ chỗ niềm tin được đặt một cách mù quáng, tự nhiên vào mỗi người quen biết, bây giờ người dùng tỏ ra dè dặt, e ngại, thậm chí nghi ngờ bất cứ một đề nghị giúp đỡ nào qua chat Zalo hay là tin nhắn Messenger. Tất cả mọi đường link gửi đến bạn đều có thể tiềm tàng là nguy cơ xâm phạm dữ liệu bí mật cá nhân hoặc ít nhất là những con virus tấn công thiết bị cá nhân của bạn.
Trên TikTok có những video rất buồn cười, về những cuộc hẹn qua mạng. Khi gặp nhau rồi, cả hai đều không nhận ra nhau, vì ảnh đại diện của họ đã được tân trang, nâng cấp bằng những ứng dụng chụp hình 360 độ. Thậm chí họ chẳng ngần ngại mượn ảnh của những nam thanh nữ tú nào khác để làm giả vẻ đẹp của mình. Trò đùa nhảm nhí đó, ngày nay còn được nâng lên thành những bằng chứng hình ảnh hoặc video giả mạo, gắn khuôn mặt nạn nhân vào những bối cảnh bịa đặt hoàn toàn. Chúng ta hoàn toàn có thể bị rơi vào những vụ scandal ngớ ngẩn từ những bức hình hay đoạn video nhoè nhoẹt ấy mà chưa kịp hiểu chúng ở đâu ra.
Kinh khủng hơn, những kẻ tung fake news còn lấp hình ảnh chỗ này, cắt ghép, dán vào bối cảnh khác, tạo ra những bằng chứng giả dối từng tạo nên những cơn địa chấn trên mạng xã hội. Bức ảnh cá chết hàng loạt trên bãi biển ở Vũng Áng gây chấn động nhất, được sử dụng nhiều nhất, kể cả trên báo chí, thực ra được chôm từ Flickr, do tác giả Gerald Simmons chụp vụ cá chết tại hồ Mona, bang Michigan, Hoa Kỳ, ngày 2/4/2008. Đoạn video quay cảnh người Trung Quốc tràn qua cửa khẩu Lạng Sơn để tránh Covid-19, thực ra đã được quay từ cách đó 2 năm, một hình ảnh bình thường của giao thương vùng biên, nhưng nó đã khiến cho không ít người Việt Nam hoảng sợ tột độ trong những ngày đầu của đại dịch.
Trên thực tế, cũng có những vấn đề thật sự đáng quan tâm. Dữ liệu cá nhân, nhất là những thông tin về hành vi của chúng ta đang được thu thập, phân tích từ hàng trăm, hàng ngàn ứng dụng trên điện thoại di động. Trong khi cho phép các ứng dụng này sử dụng cookie thu thập dữ liệu hành vi của chúng ta, từ các ứng dụng gọi xe, ship đồ ăn, ứng dụng công việc hàng ngày, kiểm soát sức khoẻ, giấc ngủ, và cả ứng dụng tài chính… công nghệ đã có đủ khả năng tạo ra một phiên bản số gần như hoàn hảo của mỗi con người. Điều tích cực là thế giới số sẽ có cơ sở dữ liệu để phục vụ chúng ta đúng hơn, chuẩn hơn, nhanh hơn, nhưng điều tiêu cực là ai đó với động cơ không trong sáng có thể sử dụng nó để trục lợi.
Thế giới số giờ đây đã là một phần không thể tách rời khỏi cuộc sống của chúng ta. Câu hỏi là: Làm thế nào để bảo vệ được người dùng trên không gian số? Làm thế nào lấy lại niềm tin số?
Nghị định 13/2023/NĐ-CP của Chính phủ về bảo vệ dữ liệu cá nhân vừa mới ban hành quy định khá rõ về quyền, nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân đối với việc cho phép, hạn chế và sử dụng dữ liệu. Đây có thể là một văn bản xác lập hành lang pháp lý cụ thể đầu tiên của Việt Nam. Tuy vậy, điều quan trọng là xã hội và mỗi người sẽ phải làm gì sau khi Nghị định 13 ra đời?
Đối với nhà nước, chắc chắn sẽ cần những công cụ hết sức đơn giản, dễ dàng và thuận lợi để các tổ chức và người dân bị xâm phạm dữ liệu, nghi ngờ bị lừa đảo có thể báo cáo, tố giác hoặc tìm kiếm sự trợ giúp nhanh chóng. Các mạng điện thoại di động có công cụ báo cáo số điện thoại spam nhưng không phải lúc nào cũng hoạt động. Người dùng vẫn không thể chủ động báo cáo các số điện thoại làm phiền, nếu nhà mạng không nghi ngờ và hỏi người dùng. Các tài khoản nhắn tin spam, khủng bố trên mạng xã hội vẫn không có cách nào tố cáo được một cách dễ dàng, nếu người dân không có quan hệ cá nhân với cơ quan chức trách.
Chúng ta cũng chờ đợi một chính sách xử phạt thật sự nghiêm minh, có sức răn đe mạnh mẽ đối với hành vi lừa đảo, vu khống, tấn công cá nhân trên mạng xã hội cũng như mạng viễn thông. Một chính sách quyết liệt với chế tài đủ mạnh để ngăn chặn các hành vi chia sẻ bất hợp pháp dữ liệu cá nhân của người dùng, bảo vệ quyền lợi người dùng khi bị xâm phạm cũng là một trong những giải pháp quan trọng lấy lại niềm tin số.
Đối với các tổ chức thu thập, sử dụng dữ liệu cá nhân, cần minh bạch các quy định và cam kết đối với người dùng, cũng như sẵn sàng tạo điều kiện thanh tra khi có dấu hiệu nghi ngờ tiết lộ bí mật. Việc khai thác dữ liệu phải được sự đồng ý của người dùng và có chia sẻ lợi ích. Sự sòng phẳng và minh bạch trong thoả thuận dân sự giữa tổ chức sử dụng dữ liệu cá nhân và người dùng là nền tảng giữ gìn, duy trì niềm tin.
Với người sử dụng, điều cốt lõi là phải có ý thức bảo vệ dữ liệu cá nhân của chính mình và người thân trong gia đình. Mỗi nền tảng số đều có những tuyên bố trách nhiệm và thoả thuận về thu thập và sử dụng dữ liệu cá nhân. Đó là những điều cần nghiên cứu nghiêm túc trước khi sử dụng. Hạn chế cung cấp dữ liệu nếu không có niềm tin tuyệt đối vào các dịch vụ mình tham gia.
Mặt khác, ý thức cẩn trọng, biết đặt nghi vấn, khi người khác hoặc các công cụ số tiếp cận mình là một kỹ năng rất cần thiết và phải tự đào tạo trong quá trình trải nghiệm. Thông thường, chúng ta chỉ nên sử dụng các dịch vụ và nền tảng số có độ tin cậy cao, chính thống, có tư cách rõ ràng, dễ tiếp cận, dễ kiểm soát.
Cuộc sống số đòi hỏi sự giao thoa, chia sẻ dữ liệu. Nếu tuyệt đối đóng cửa với thế giới số, chúng ta sẽ có nguy cơ bị loại trừ trong tiến trình phát triển của xã hội. Nhưng nếu dễ dãi, quá dễ dàng chia sẻ thông tin cá nhân thì lại trở thành con mồi ngon cho những loại tội phạm công nghệ số. Sự tỉnh táo và cân bằng là điều mỗi người chúng ta sẽ cần, khi môi trường vật lý và môi trường số hoà quyện.
Lê Quốc Vinh, Chủ tịch Le Group of Companies
Bài 5: Công Thức Lòng Tin và An Toàn Số