Đột phá: Trung Quốc phát minh robot siêu nhỏ trị viêm xoang mà không cần kháng sinh
Đội quân robot tí hon chui vào mũi có thể là bước đột phá mới giúp điều trị viêm xoang không cần kháng sinh.
Nghẹt mũi tưởng chừng chỉ là một phiền toái nhỏ, nhưng với người mắc viêm xoang hoặc nhiễm trùng mũi mãn tính, đó là nỗi khổ không thể diễn tả. Khi thuốc xịt hay kháng sinh chỉ mang lại hiệu quả hạn chế, một nhóm nhà khoa học Trung Quốc đã đưa ra một giải pháp táo bạo: dùng đội quân robot siêu nhỏ chui vào mũi để tiêu diệt vi khuẩn và làm sạch xoang.
![]() |
Nghẹt mũi tưởng chừng chỉ là một phiền toái nhỏ, nhưng với người mắc viêm xoang hoặc nhiễm trùng mũi mãn tính, đó là nỗi khổ không thể diễn tả. |
Ý tưởng này nghe như bước ra từ phim viễn tưởng, nhưng thực tế đang dần được hiện thực hóa. Theo nghiên cứu đăng trên tạp chí Science Robotics, các nhà khoa học từ Đại học Trung Quốc ở Hồng Kông cùng nhiều viện nghiên cứu khác đã phát triển một loại microbot có thể được tiêm vào mũi, rồi dẫn đường bằng từ trường để đến đúng vị trí trong khoang xoang.
Khác với những robot y học truyền thống thường mang theo kháng sinh, loại microbot này sử dụng cơ chế xúc tác đặc biệt. Khi được chiếu sáng, vật liệu chế tạo robot sinh ra các dạng oxy phản ứng có khả năng tiêu diệt vi khuẩn và phá hủy màng sinh học bảo vệ của chúng. Cơ chế này được ví như một ngọn súng phun lửa mini thiêu rụi vi sinh vật tại chỗ.
Lợi thế của công nghệ này không chỉ nằm ở tính hiệu quả mà còn ở ba điểm then chốt: không xâm lấn, không dùng kháng sinh và ít nguy cơ tạo kháng thuốc. Đây là điều đặc biệt quan trọng trong bối cảnh y học hiện đại đang đối mặt với khủng hoảng kháng kháng sinh toàn cầu.
Hiện tại, công nghệ này mới chỉ được thử nghiệm thành công trên mô hình động vật như lợn và thỏ. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu tin rằng công nghệ này có tiềm năng ứng dụng rộng rãi. Một ưu điểm nổi bật là khả năng điều hướng chính xác tới vùng cần điều trị, vượt trội so với thuốc uống hay thuốc tiêm vốn phân tán khắp cơ thể.
Tuy nhiên, rào cản lớn nhất có thể lại nằm ở tâm lý người sử dụng. Viễn cảnh tiêm robot vào mũi vẫn khiến nhiều người e ngại. Dù vậy, theo Giáo sư Sylvain Martel tại Canada, nếu công nghệ thực sự hiệu quả, công chúng sẽ sớm vượt qua nỗi sợ này.
Công nghệ microbot không hoàn toàn mới. Trong những năm gần đây, các nhà khoa học đã phát triển nhiều robot siêu nhỏ để thực hiện những nhiệm vụ y học phức tạp như tiêu diệt tế bào ung thư hay khai thông mạch máu. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải đảm bảo những robot này hoạt động chính xác, có thể thu hồi hoàn toàn hoặc tự phân hủy sinh học mà không gây hại.
Nếu mọi thử nghiệm diễn ra suôn sẻ, công nghệ này sẽ cần thêm từ năm đến mười năm nữa để được đưa vào ứng dụng lâm sàng. Tiềm năng của nó không dừng lại ở viêm xoang mà còn có thể mở rộng sang các bệnh nhiễm trùng mủ khó chữa khác như nhiễm trùng đường tiết niệu, ruột hoặc các ổ áp xe sâu trong cơ thể.
>> Khoa học Trung Quốc vừa làm được điều mà cả thế giới tưởng bất khả thi
Không còn là viễn tưởng, trận bóng đá robot tại Trung Quốc khiến thế giới sửng sốt
Pháp vượt Trung Quốc, lập kỷ lục mới trong cuộc đua chinh phục năng lượng sạch