Tài chính Ngân hàng

NIM co hẹp, tín dụng phân hóa: Ngân hàng nào sẽ ‘sống sót’ tốt nhất trong bối cảnh bão thuế quan và cạnh tranh?

Trường Thanh 07/05/2025 0:12

Trong cơn gió ngược từ thuế đối ứng Mỹ và áp lực chi phí vốn gia tăng, hệ thống ngân hàng Việt Nam đang đứng trước vòng sàng lọc khắc nghiệt nhất kể từ đại dịch.

Ngay từ các Đại hội đồng cổ đông thường niên đầu năm, không khí thận trọng bao trùm nhiều ngân hàng, phản ánh sự dè dặt trước các biến số bên ngoài. Theo Trung tâm Phân tích và Tư vấn Đầu tư – Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI (SSI Research), các ngân hàng thương mại cổ phần vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận trước thuế trung bình khoảng 17%. Những đơn vị như VPBank (+26%), Techcombank (+14,4%) và STB (+15,2%) thể hiện sự lạc quan thận trọng, trong khi Vietcombank chỉ đặt kế hoạch tăng trưởng 3,5%, phản ánh chiến lược “đi chậm mà chắc”.

Tuy vậy, ảnh hưởng của thuế đối ứng từ Mỹ vẫn được nhận định là mối quan ngại lớn nhất, đặc biệt nếu chi phí xuất khẩu vượt qua mức biên lợi nhuận trung bình 10% hiện tại. TPBank là một trong số ít tổ chức thẳng thắn cảnh báo khả năng nhiều doanh nghiệp xuất khẩu phải co cụm nếu thuế tăng cao hơn dự kiến. Tỷ lệ dư nợ trực tiếp cho các doanh nghiệp xuất sang Mỹ tuy chỉ chiếm 0,6% đến 1,9% tổng dư nợ tại hầu hết ngân hàng, song ảnh hưởng lan tỏa gián tiếp tới tiêu dùng và đầu tư trong nước được đánh giá là khó tránh khỏi.

NIM co hẹp, tín dụng phân hóa: Ngân hàng nào sẽ ‘sống sót’ tốt nhất trong bối cảnh bão thuế quan và cạnh tranh?
Dư nợ liên quan đến khách hàng xuất khẩu sang Mỹ tại các ngân hàng thương mại. Nguồn: Đại hội cổ đông và Báo cáo tài chính ngân hàng, SSI Research.

Lợi nhuận suy yếu, NIM bị ép chặt

Diễn biến thu hẹp biên lãi thuần (NIM) được đánh giá là hiện tượng phổ biến trong quý I/2025, đặc biệt tại các ngân hàng thương mại cổ phần quy mô vừa và lớn. Theo SSI Research, nguyên nhân chính đến từ các gói vay ưu đãi 5,5% – 6% kéo dài ba năm của nhóm ngân hàng quốc doanh, vốn hấp dẫn hơn hẳn so với mức 8% – 10% của nhóm cổ phần. Hệ quả là các ngân hàng buộc phải giảm lãi vay để giữ chân khách hàng, qua đó xói mòn biên lợi nhuận.

Techcombank là một trong những ngân hàng chịu ảnh hưởng rõ nhất, khi NIM giảm mạnh còn 3,57%, mất tới 79 điểm cơ bản so với cùng kỳ.Tại MSB, NIM cũng chỉ đạt 3,5%, thấp hơn 50 điểm cơ bản.

Lợi nhuận trước thuế của Techcombank giảm 7,2%, ACB giảm 6%, trong khi MSB nhích nhẹ 8% nhờ tăng trưởng tín dụng tốt. Mặt khác, thu nhập ngoài lãi – nguồn thu ngày càng quan trọng – cũng giảm sút tại nhiều ngân hàng.

Techcombank ghi nhận non-NII giảm 12%, còn MSB đưa ra cảnh báo nếu xuất khẩu các ngành như gỗ, dệt may, cá tra bị siết thêm thuế, khoảng 2,34% dư nợ – tương đương 427 tỷ đồng – có thể biến thành nợ xấu.

Rủi ro nợ xấu không chỉ đến từ doanh nghiệp xuất khẩu, mà còn từ các khoản vay mua nhà. Với thị trường bất động sản thứ cấp còn ảm đạm, các khoản vay đầu cơ ngày càng dễ rơi vào trạng thái suy giảm thanh khoản.

Riêng tại Techcombank, các khoản cho vay mua nhà chiếm tới 62,5% tổng nợ xấu – tương đương 4.900 tỷ đồng – và đã tăng 24% so với quý trước. Trong khi đó, ACB vẫn giữ tỷ lệ nợ xấu ở mức an toàn 1,5% nhờ xóa 990 tỷ đồng nợ trong quý.

Tự vệ bằng vốn, đa ngành hóa để giảm sốc

Để đối phó với những cú sốc từ bên ngoài, nhiều ngân hàng đã củng cố bộ đệm vốn và đẩy mạnh chiến lược phát triển hệ sinh thái đa ngành. Vietcombank đề xuất chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 27,7% từ lợi nhuận giữ lại năm 2024, đồng thời duy trì kế hoạch phát hành riêng lẻ 6,5% vốn điều lệ. Trong khi đó, BIDV đang triển khai kế hoạch tăng vốn từ 70.200 tỷ lên 91.900 tỷ đồng qua ba giai đoạn, gồm phát hành từ quỹ dự trữ, cổ tức cổ phiếu và chào bán riêng lẻ.

MBB cũng theo đuổi chiến lược tăng vốn, với mục tiêu đạt 81.400 tỷ đồng vốn điều lệ cuối năm 2025, cùng kế hoạch phát hành cổ phiếu ESOP, chia cổ tức 35% và mua lại cổ phiếu quỹ. Ngân sách công nghệ của MBB dành tới 80% cho bảo mật, cho thấy ngân hàng ưu tiên số hóa bền vững trong giai đoạn bất ổn.

Cùng lúc, mô hình tập đoàn tài chính đang được nhiều ngân hàng theo đuổi. VPBank mở rộng chuỗi giá trị với ngân hàng mẹ, công ty tài chính (FeCredit), công ty chứng khoán (VPBankS), bảo hiểm (OPES), và sẽ bổ sung công ty quản lý quỹ, bảo hiểm nhân thọ trong năm nay. MSB cũng chuẩn bị chi 300–500 tỷ đồng để mua lại công ty chứng khoán và quản lý quỹ, đồng thời đang đàm phán thoái vốn TNEX với mức định giá kỳ vọng 130 triệu USD. STB đầu tư khoảng 1.500 tỷ đồng để sở hữu trên 50% một công ty chứng khoán, hướng đến việc trở thành tập đoàn tài chính toàn diện.

Sống sót nhờ chọn lọc chiến lược

Trong bối cảnh đầy bất ổn, chỉ những ngân hàng có chiến lược định vị rõ ràng, kiểm soát rủi ro hiệu quả và đa dạng hóa nguồn thu mới có thể bứt phá. Theo SSI Research, các tổ chức sở hữu vốn mạnh, chi phí huy động thấp và chất lượng tài sản tốt sẽ chiếm ưu thế trong năm 2025. Thực tế, ACB duy trì nợ xấu ổn định ở mức 1,5%, MBB ở 1,65%, MSB ở 1,9%, cho thấy khả năng kiểm soát rủi ro tốt trong bối cảnh kinh tế biến động.

VPBank dù gặp rủi ro từ khoản vay liên quan đến Novaland – với 70% chưa có tiến triển pháp lý – vẫn đặt mục tiêu LNTT tăng 26%, cao nhất ngành. Điều này cho thấy sự tự tin vào hệ sinh thái bán lẻ, SME và khách hàng FDI mà ngân hàng đang xây dựng. Techcombank kiên định với mục tiêu LNTT 14,4%, dù phải đối mặt với biên lợi nhuận giảm và rủi ro cho vay mua nhà. STB cũng gây bất ngờ với mức tăng trưởng lợi nhuận quý I/2025 lên tới 38,5%, dù nợ xấu tăng nhẹ lên 2,2%.

Cuối cùng, các yếu tố sống còn của ngành ngân hàng năm 2025 không chỉ là khả năng sinh lời, mà là sự thích nghi với thay đổi, đa dạng hóa rủi ro, tối ưu cấu trúc vốn và lựa chọn đúng phân khúc khách hàng. Trong cuộc sàng lọc quy mô lớn đang diễn ra, những ngân hàng biết đi đúng hướng sẽ không chỉ sống sót mà còn có thể vươn lên mạnh mẽ.

>> Tỷ giá, trái phiếu, chứng khoán: Việt Nam đang bước qua ‘màn sương’ ra sao?

Lễ công bố Báo cáo sức khỏe thương hiệu Ngân hàng Việt Nam 2024 & Hội thảo 'Tối ưu hiệu quả Marketing ngành Ngân hàng'

Đua Top sinh lời: Đâu là ứng viên quán quân ROE ngành ngân hàng 2025?

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/nim-co-hep-tin-dung-phan-hoa-ngan-hang-nao-se-song-sot-tot-nhat-trong-boi-canh-bao-thue-quan-va-canh-tranh-288808.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    NIM co hẹp, tín dụng phân hóa: Ngân hàng nào sẽ ‘sống sót’ tốt nhất trong bối cảnh bão thuế quan và cạnh tranh?
    POWERED BY ONECMS & INTECH