UBCKNN sẽ phối hợp với các bộ ngành, các tổ chức quốc tế trong việc gỡ vướng liên quan đến nâng hạng TTCK. Đây được coi là mục tiêu trọng tâm để thu hút dòng vốn ngoại tiếp tục chảy vào thị trường.
Nhiều điểm sáng nửa cuối năm
Trong 6 tháng đầu năm 2023, nền kinh tế Việt Nam có rất nhiều khó khăn trong bối cảnh kinh tế thế giới còn bất ổn. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán (TTCK) trong nước đã có những điểm sáng tích cực sau thời gian giảm điểm từ tháng 4/2022.
Theo đó, kết thúc phiên giao dịch tháng 6/2023, chỉ số VN-Index đạt tỷ lệ tăng 14,1% so với cuối năm 2022, chỉ số của HNX-Index cũng tăng 10,7% và chỉ số trên thị trường Upcom tăng 20%.
Về mức vốn hóa thị trường, theo số liệu của chúng tôi thống kê trên cả ba thị trường đến cuối tháng 6 là 4.810 tỷ đồng, tăng 8%. Còn về thanh khoản, trong quý 1, thanh khoản chưa thực sự được cải thiện nhưng bước sang quý 2, chúng ta đều thấy mức thanh khoản có dấu hiệu tăng, giá trị giao dịch bình quân khoảng 13.729 tỷ đồng một phiên.
Một số liệu nữa cũng là điểm sáng, đó là số lượng tài khoản mở mới của nhà đầu tư tham gia vào TTCK Việt Nam tăng mạnh, đến cuối tháng 6 có 7,31 triệu tài khoản và tăng 6% so với cuối năm 2022.
Ngoài ra trong nửa đầu năm, chúng tôi cũng ghi nhận số liệu mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài với cổ phiếu chứng chỉ quỹ khoảng 3.344 tỷ đồng và bán ròng đối với trái phiếu là 4.818 tỷ đồng. Hoạt động mua ròng diễn ra chủ yếu từ tháng 1 đến tháng 3, còn hoạt động bán ròng diễn ra chủ yếu từ tháng 4 đến tháng 6.
Nguyên nhân xuất phát từ chính sách tiền tệ thắt chặt của các Ngân hàng Trung ương lớn trên thế giới, chính sách về tăng lãi suất, bất ổn địa chính trị, chiến tranh Nga - Ukrain kéo dài, dẫn tới một số nền kinh tế có nguy cơ suy thoái. Điều này tác động đến nhà đầu tư nước ngoài, khiến họ rút tiền ra khỏi các thị trường cận biên để chuyển sang thị trường mới nổi. Riêng dòng tiền của các nhà đầu tư chứng khoán trong nước cũng một phần phụ thuộc vào những yếu tố liên quan đến chính sách tiền tệ của các nước.
Chúng tôi cho rằng, TTCK Việt Nam vẫn có những điểm sáng để thu hút nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường trong giai đoạn cuối năm nay. Cụ thể, những nỗ lực của Đảng và Chính phủ trong việc đưa ra nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho khu vực doanh nghiệp, các ngành nghề, lĩnh vực như bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, giải ngân đầu tư công, hoặc các chính sách giải ngân về gói nhà ở xã hội...
Tôi nghĩ đó là những yếu tố rất tích cực giúp doanh nghiệp Việt Nam có thể kích thích hoạt động sản xuất kinh doanh, từ đó thu hút được sự tham gia của các nhà đầu tư trên thị trường bao gồm cả nhà đầu tư nước ngoài.
Đặc biệt, chúng ta cũng có nền tảng kinh tế vĩ mô tương đối tốt, cân đối lớn trong tầm kiểm soát. Trong thời gian tới, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) sẽ tiếp tục nỗ lực đưa ra các giải pháp để tháo gỡ vướng mắc trong việc nâng hạng thị trường. Đây cũng là một vấn đề trọng tâm, nhằm tạo niềm tin cho nhà đầu tư nước ngoài khi tham gia TTCK Việt Nam.
Cùng với đó, Ngân hàng Trung ương các nước đã giảm tốc độ tăng lãi suất, thì áp lực lên tỷ giá đã giảm. Từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có 4 lần hạ lãi suất điều hành, qua đó các ngân hàng thương mại cũng đều giảm lãi suất huy động và lãi suất cho vay. Đây là một tác động tích cực tới hoạt động huy động vốn của các doanh nghiệp trong nền kinh tế, cũng như tác động ngay đến tính thanh khoản của TTCK trong giai đoạn tới.
Nỗ lực hút dòng vốn ngoại
Với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước trực tiếp trong lĩnh vực chứng khoán, nhiệm vụ trọng tâm của chúng tôi là làm sao để TTCK hoạt động một cách liên tục, thông suốt, đảm bảo tính minh bạch, công bằng, ổn định và đảm bảo quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư.
Thứ nhất, chúng tôi đã trình Bộ Tài chính, Chính phủ để ban hành chiến lược phát triển TTCK đến năm 2030, trong đó nêu ra những mục tiêu cũng như các nhóm giải pháp để thực hiện các mục tiêu theo từng giai đoạn. Trên cơ sở đó, UBCKNN cũng triển khai đồng bộ các giải pháp, hoàn thiện các văn bản pháp lý. Chúng tôi đã tiến hành rà soát việc thực thi Luật chứng khoán và các văn bản hướng dẫn, sửa đổi bổ sung trong trường hợp cần thiết, để phù hợp với tình hình hiện tại.
Thứ hai, UBCKNN vẫn tiếp tục tăng cường công tác quản lý, thanh tra giám sát đối với thị trường, đặc biệt là quản lý giám sát các công ty chứng khoán là cấp giám sát tuyến 1. Qua đó, các nhà đầu tư có thể tiếp cận thông tin minh bạch và đảm bảo quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư. Đồng thời, chúng tôi sẽ đưa vào những sản phẩm mới, đáp ứng các nhu cầu về giao dịch của nhà đầu tư, cũng như thúc đẩy thị trường phát triển bền vững.
Thứ ba, là tăng cường công tác truyền thông. Trong thời gian vừa qua, có rất nhiều thông tin chưa thực sự đúng, ảnh hưởng lớn đến thị trường, do đó, việc tăng cường công tác tuyên truyền chính sách, thông tin chính thống sẽ đảm bảo nhà đầu tư có thể tiếp cận thông tin chính xác, đầy đủ.
Trong ngày 19/7, chúng tôi bắt đầu triển khai hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trên cơ sở pháp lý, vật chất, kỹ thuật được hoàn tất. Với quyết tâm của Bộ Tài chính, UBCKNN, các Trung tâm lưu ký và các thành viên, thì đây sẽ là một mảng để đảm bảo quyền lợi cho nhà giao dịch, nhà đầu tư chuyên nghiệp, các nhà đầu tư chiến lược có thể tham gia giao dịch thứ cấp đối với trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.
Thứ tư, một nhiệm vụ nữa mà chúng tôi đã đề cập là giải pháp phối hợp với các bộ ngành, các tổ chức quốc tế trong việc gỡ vướng mắc liên quan đến nâng hạng TTCK. Chúng tôi đặt ra đây là một mục tiêu trọng tâm để thu hút dòng vốn nước ngoài tiếp tục chảy vào TTCK Việt Nam.
Luật Chứng khoán sửa đổi 2024: Bước tiến mới trong việc bảo vệ nhà đầu tư
Hợp nhất Bộ Tài Chính và Bộ KHĐT: Giảm 22 đầu mối so với hiện tại