Tài chính Ngân hàng

Nợ xấu gia tăng, ngân hàng trầy trật thanh lý tài sản đảm bảo

Linh Nhi 30/08/2023 09:14

Hầu hết nợ xấu tại các ngân hàng đều có chiều hướng tăng lên trong thời gian qua, song hoạt động phát mại tài sản không còn thuận lợi như trước.

Nợ xấu gia tăng trong bối cảnh chính sách tái cơ cấu nợ mới của Ngân hàng Nhà nước đã được triển khai từ tháng 4. Điều đó cho thấy những thách thức mà nền kinh tế và hệ thống ngân hàng đang phải đối mặt. Ngoài nguy cơ nợ xấu phình to, các ngân hàng còn đối mặt với thách thức do xử lý nợ đang gặp nhiều vướng mắc.

Nửa đầu năm nay, các nhà băng ráo riết thực hiện thanh lý tài sản đảm bảo để thu hồi nợ trong bối cảnh tỷ lệ nợ quá hạn, nợ xấu tăng cao.

Giữa tháng 8, Agribank rao bán hàng loạt dự án bất động sản, khách sạn tại khu du lịch. Khoản nợ lớn nhất nhà băng rao bán đợt này có giá khởi điểm hơn 1.100 tỷ đồng, của CTCP khách sạn Bến Du thuyền (Marina Hotel).

Hay tại VietinBank, mới đây ngân hàng này thông báo danh sách gần 400 tài sản bảo đảm cần xử lý, trong đó có nhiều khách sạn 4-5 sao, tòa nhà văn phòng quy mô hàng trăm tỷ đồng.

Nhiều ngân hàng khác cũng đang dồn dập bán đấu giá hàng trăm tài sản đảm bảo của các khoản nợ xấu. Tuy nhiên, việc thanh lý tài sản khá khó khăn. Rất nhiều khoản nợ, tài sản đảm bảo giá trị lớn liên quan tới bất động sản được rao bán hàng chục lần vẫn "ế".

Trong một năm qua, gần 13.000 tỷ đồng nợ xấu đã được xử lý nhưng chỉ có khoảng 10% trong số đó được mua bán theo giá thị trường. Nợ xấu tại các ngân hàng thương mại được dự báo còn gia tăng nếu phần thanh lý tài sản không được xử lý.

Nợ xấu gia tăng, ngân hàng trầy trật thanh lý tài sản đảm bảo

Tài sản không dễ thanh lý

Liên quan đến chuyện ngân hàng “ế” khi thanh lý tài sản bảo đảm, các chuyên gia cho rằng, ngoài nguyên nhân do thị trường bất động sản đóng băng thì còn do thị trường mua bán nợ xấu ở Việt Nam vẫn chưa được định hình và còn nhiều hạn chế.

Trước tình trạng ngân hàng liên tục phát mãi tài sản, PGS (HN:PGS).TS. Đinh Trọng Thịnh - Chuyên gia kinh tế đánh giá, tình trạng các ngân hàng rao bán tài sản đảm bảo nhưng mãi không bán được là vấn đề từ trước đến nay. Đương nhiên, trước tình hình nợ xấu, ngân hàng phải có khoản dự phòng để xử lý, bên cạnh đó cũng phải xử lý các bất động sản.

“Thực ra, tài sản đảm bảo gắn liền với đất xử lý cực kỳ khó. Quyền sở hữu đất đai có cơ chế xử lý rất nhập nhằng, không rõ ràng. Thế nên việc rao bán bất động sản là tài sản đảm bảo là một trong những vấn đề khó khăn. Thêm vào đó, rất nhiều bất động sản trước đây được định giá quá cao, đến thời điểm hiện tại, có khi giá đã sụt giảm 5-7% và các ngân hàng rao bán với giá cũ, rao bán giảm dần mãi chẳng ai mua. Chưa kể, có những bất động sản giá trị quá lớn hoặc những bất động sản khó bán nếu chủ đầu tư không mua. Thế nên đây là chuyện không đơn giản” - ông Thịnh chia sẻ.

Giá Bitcoin vọt lên hơn 28.000 USD, lập đỉnh 2 tuần

Lãi suất, tín dụng không phải là vấn đề nóng nhất của các doanh nghiệp bất động sản

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/no-xau-gia-tang-ngan-hang-tray-trat-thanh-ly-tai-san-dam-bao-198672.html
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Nợ xấu gia tăng, ngân hàng trầy trật thanh lý tài sản đảm bảo
POWERED BY ONECMS & INTECH