Sau hơn 20 năm đi biển, chị đã trở thành nữ thuyền trưởng đầu tiên của Việt Nam theo cách mà không nhiều người có thể hình dung được.
Tình yêu hay sự sắp đặt của số phận
Bà Nguyễn Thị Hồng (70 tuổi) đã đi qua "hải trình cuộc đời" đầy thăng trầm. Cha của bà là một chủ đóng tàu có tiếng ở Mỹ Tho thế nên ngay từ khi còn nhỏ, bà được đi theo cha lênh đênh sông nước. Kể từ đó, tình yêu của bà với biển chớm nở lúc nào không hay.
Năm 1982, bà Hồng tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Tiền Giang, kết thúc đời sinh viên văn khoa hay mơ mộng với tấm bằng loại ưu và được nhà trường giữ lại làm cán bộ phòng tổ chức. Sáu tháng sau, bà vào biên chế, cuộc sống viên chức cứ lặng lẽ trôi qua. Thế nhưng, đối với một cô gái yêu biển và ưa phiêu lưu thì cuộc sống như vậy là quá nhàm chán.
Trước lời mời của người cô ruột, một chủ tàu buôn cá cơm miệt Kiên Giang, bà không hề đắn đo mà nhận lời liền, chấp nhận bỏ công việc ngày làm 8 tiếng để đi theo tiếng gọi của biển cả, của muối mặn và những cơn gió lồng lộng mà trong lành. Một cuộc sống lênh đênh với biển của nữ thuyền trưởng đầu tiên đã bắt đầu đơn giản như thế.
Ban đầu, bà Nguyễn Thị Hồng cùng cô ruột của mình xuôi ngược vùng biển Kiên Giang thu mua cá cơm và tham gia nghề phụ máy. Sau đó, bà lên thành phố học cùng lúc 2 bằng máy trưởng hạng nhì và hạng ba. Chưa chịu dừng lại, bà tiếp tục gởi đơn sang Trường Trung học nghiệp vụ Thủy sản 3 xin học lớp thuyền trưởng trong sự ngỡ ngàng của nhiều người. Bởi từ trước đến nay chưa có phụ nữ nào học thuyền trưởng và cô gái Nguyễn Thị Hồng, với trình độ cao đẳng, không quá khó lấy bằng loại giỏi để trở thành nữ thuyền trưởng đầu tiên ở Việt Nam.
Con tàu TG 2032 chuyên buôn cá cơm do bà lái có tải trọng 60 - 70 tấn, 6 thủy thủ, một bà chủ buôn già và một chú chó Nhật có tên Becky. Bình quân mỗi năm, khoảng mười cơn bão lớn nhỏ ập tới mũi tàu và bà đều vượt qua tất cả.
Ký ức bão Linda
Ngày 24/01/1998, Nguyễn Thị Hồng được kết nạp vào Câu lạc bộ thuyền trưởng và trở thành nữ thuyền trưởng đầu tiên của Việt Nam. Sau đó ít lâu, bà Hồng được Bộ Thủy sản cấp bằng thuyền trưởng hạng 5. Đến háng 4/2000, bà đã được Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động nhờ những nỗ lực quên mình cứu người trong mưa bão của cơn bão Linda năm 1997.
“Gần 20 năm cầm lái con tàu TG 2032 chưa bao giờ tôi gặp một cơn bão nào kinh hoàng đến thế, đáng sợ đến thế” - Bà bắt đầu ký ức bão Linda bằng một câu nói như vậy, gần 7 năm đã trôi qua mà nỗi ám ảnh của một cơn bão vẫn chưa tan biến trong trí nhớ người đàn bà của biển.
Mùng 1/11/1997, đài báo có áp thấp nhiệt đới, trời vẫn yên, biển vẫn lặng. Mỗi năm những ngư dân vùng biển miền Tây phải đối phó không dưới ba cơn bão, đã có áp thấp nghĩa là không sớm thì muộn bão sẽ về. Các tàu thuyền kéo lưới, nhổ neo chạy vào đất liền hay núp vào các hòn đảo nhỏ.
Sau khi nghe tin có bão, nữ thuyền trưởng Hồng đã quyết định cho tàu neo bên hòn Nại Sơn, huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang để “núp”. Thường thì các thuyền trưởng sẽ cho tàu “núp” ở phía nam hòn đảo nếu là gió hướng bắc, và ngược lại, cũng có những khi trời đổi gió, khi ấy ngư dân đành phó mặc sinh mạng mình cho may rủi, cho biển cả và tay lái của người thuyền trưởng.
Thế nhưng cơn bão số 5 hay còn gọi là cơn bão Linda đã điên cuồng phá tan sự bình tĩnh ấy. Một cơn bão mạnh đến nỗi một bà lão ngư dân hơn 90 tuổi ở hòn Nại Sơn đã phải thốt lên rằng “bà đến ở hòn Nại Sơn này từ khi chưa có người ở, đây là cơn bão mà bà chưa từng thấy trong đời”.
Ngày hôm sau, bão đến kéo theo sóng cuộn, gió giật. Nhiều chiếc tàu không kịp kéo neo lên phải dùng dao chặt cả neo để tháo chạy mà vẫn không kịp. Đến đêm, bão vẫn mạnh, mang từng cột nước khổng lồ quật vào những con tàu. Từ trên con tàu loi nhoi trên lưng sóng, bà Hồng cố căng mắt nhìn ra bốn phía, không thấy bóng dáng một chiếc tàu thuyền nào thế nhưng bà lại nghe tiếng kêu cứu từ mặt biển cất lên vô vọng lẫn trong tiếng gào thét của sóng dữ.
Vừa giữ chặt vô lăng con tàu TG 2032, bà Hồng vừa lệnh cho những thủy thủ trên tàu quăng phao xuống biển cứu người. Các thủy thủ đã phải đổ xuống biển hàng chục tấn cá trên tàu để cứu 34 mạng người. Suốt đêm đó, thuyền trưởng Hồng vừa phải căng mắt theo dõi hướng gió, vừa dùng hết sức bình sinh, cả tay lẫn chân để điều khiển con tàu, cả tàu và người đều rệu rã. Cuối cùng chiếc tàu cũng vượt qua được đêm bão kinh hoàng đó.
Sau đó, thuyền trưởng Hồng quyết định cho tàu mở đường máu chạy khỏi vùng tâm bão. Chiếc tàu và gần 40 con người thoát nạn.
Tự cho mình là người có tinh thần thép, cứng rắn và thực tế là như vậy, thế nhưng mỗi lần bà kể về cơn bão đó là mỗi lần mắt bà lại rơm rớm. Sau bão, nữ thuyền trưởng rời tàu, cùng các đoàn từ thiện đi cứu trợ khắp các nơi từ đầu miệt Cà Mau đến cuối miệt Kiên Giang. Đến đâu, bà cũng chỉ thấy một màu tang tóc! Biển nuôi đấy và biển cũng sẽ đem sinh mạng những người con của biển đi bất cứ lúc nào.
"Tất cả những con sông rồi cũng chảy ra biển”
Con tàu TG 2032 sau cơn bão bị hư hỏng nặng, bà đành cho tàu về neo ở bến Mỹ Tho để tu sửa và chờ ngày trở về với biển. Nhưng rồi bao đổi thay của cuộc đời khiến bà vẫn phải xa biển cho đến tận bây giờ.
Trải qua nhiều thăng trầm trong công việc, bà Hồng đã tìm được bến đỗ của đời mình, nhưng tình yêu với công việc thuyền trưởng có lẽ sẽ không bao giờ tắt. Bà nghĩ số phận mình rồi cũng sẽ như những dòng sông, một ngày nào đó cũng trở về với biển.
Bà Hồng tâm sự: “Mình bằng lòng với hạnh phúc đang có và sẽ chuyển qua làm công việc kinh doanh với chồng. Mình tin mình sẽ có cuộc sống hạnh phúc bởi mọi sóng gió đã qua. Con thuyền của mình đã tìm được bến bờ hạnh phúc”.
Tuổi trẻ dữ dội của nữ thuyền trưởng Nguyễn Thị Hồng khép lại, nhưng câu chuyện về nữ thuyền trưởng tàu cá vượt qua bão dữ cứu người vẫn được kể lại bằng sự ngưỡng mộ và trân quý của anh em thuyền trưởng các thế hệ sau.