NÚT START GẮN TRONG TIM và 1.900 chiếc bánh chưng mùa bão lũ của Bếp Nam Dương
Bài viết nằm trong tuyến bài tôn vinh những doanh nghiệp không đặt lợi nhuận lên hàng đầu, mà còn gắn với trách nhiệm xã hội, cộng đồng.
1.900 là số lượng bánh chưng bếp Nam Dương và nhóm “cộng đồng phát triển tâm thức Anh Thư - TP Hồ Chí Minh” gói chỉ trong chưa đầy 1 tuần lễ. Tin bão lũ dồn dập đổ về cũng là khi bếp Nam Dương bấm nút start, khởi động chiến dịch 1.900 chiếc bánh chưng để hỗ trợ đồng bào bão lũ.
Chị bắt đầu nghĩ đến gói bánh chưng để ủng hộ đồng bào bão lũ từ lúc nào?
Từ những bản tin đầu tiên về bão lũ. Khi nghe tin bão ập vào và có thể ảnh hưởng sâu rộng đến nhiều tỉnh miền Bắc, bếp Nam Dương đã bấm nút khởi động dự án.
Vì sao chị lại chuẩn bị được sớm như thế?
Nói thì khá hoa mỹ nhưng thực tế, tại Nam Dương, nút start được chúng tôi gắn sẵn trong tim. Nam Dương thành lập từ 2014, và đến bây giờ, số lần mà bếp thực hiện những chương trình thiện nguyện không đếm được: bão lũ Miền Trung năm 2020 bếp Nam dương sản xuất 7.000 bánh 1 tuần, đại dịch Covid-19 Hải Dương 5.000 bánh 1 tuần…, nhiều lắm, chúng tôi cũng không lưu lại.
Sự chuẩn bị sớm của chúng tôi đến từ kinh nghiệm. Nếu bão có thể ảnh hưởng sâu rộng đến miền Bắc nghĩa là, bếp của chúng tôi cũng có thể bị ảnh hưởng do vô vàn yếu tố khác nhau. Nếu không có sự chuẩn bị sớm, cùng với kinh nghiệm làm bánh chưng cho vùng lũ, chúng tôi sẽ khó lòng chuẩn bị đầy đủ được nguyên liệu từ lá dong, nếp, đậu, thịt để có thể gói những chiếc bánh chưng.
Không ai muốn rủi ro xảy đến với mình hay đồng bào mình cả. Tuy vậy, chúng ta đã có những cơn bão trong lịch sử, có những lần cứu trợ đồng bào ở các vùng miền khác nhau nên kinh nghiệm cho những Bếp như Bếp Nam Dương để có thể nhanh chóng hỗ trợ bà con là điều đã “ghi sẵn” trong trái tim của những người làm bếp như chúng tôi.
Bếp Nam Dương có trụ sở chính tại số 158 Thảo Nguyên - Ecopark Văn Giang , Hưng Yên. Và bạn cũng biết, khi bão đổ bộ vào miền xanh cũng là khi nhiều cây cối bị đổ xuống chặn nhiều dòng xe lưu thông. Chuẩn bị sớm giúp Nam Dương có nguyên liệu cho hành trình thiện nguyện của mình.
Vì sao Nam Dương không tặng tiền mà chọn con đường vất vả hơn để thiện nguyện?
Câu hỏi này rất nhiều người cũng đã hỏi tôi đặc biệt là sau các đợt mưa lũ trước. Khi thành lập Bếp Nam Dương từ nhiều năm trước, tôi đã chọn con đường cho Nam Dương không chỉ là một nơi cung cấp thực phẩm mà còn là một nơi kết nối yêu thương, nơi chúng tôi có thể góp phần nhỏ bé vào việc xây dựng cộng đồng. Tôi yêu Bếp và luôn tâm niệm rằng Bếp không chỉ là nơi để nấu nướng mà còn là nơi để chia sẻ và lan tỏa những giá trị tích cực. Chúng tôi luôn mong muốn rằng mỗi món ăn được gửi đi từ Bếp Nam Dương đều phải chứa đựng tình cảm và sự chăm chút từ những người làm.
Tôi không cho rằng tặng tiền thì đỡ vất vả hơn tặng bánh. Người tặng tiền cũng phải lao động vất vả để tạo ra tiền. Người làm bánh cũng vất vả để tạo ra thành phẩm. Món quà nào gửi đi cũng đều trân quý như nhau.
Vì sao lại là bánh chưng mà không phải loại thực phẩm nào khác?
Bánh chưng là một món ăn truyền thống của người Việt Nam. Bánh chưng mang trong mình nhiều ý nghĩa sâu sắc về văn hóa, lịch sử và tinh thần đoàn kết của dân tộc. Bánh chưng thể hiện lòng biết ơn của con người đối với trời đất. Bánh chưng được làm từ gạo nếp, đậu xanh, thịt lợn, là những sản vật tiêu biểu của nền nông nghiệp lúa nước. Đây là cách người Việt tôn vinh và gìn giữ truyền thống nông nghiệp của dân tộc, cũng như thể hiện sự trân trọng đối với những sản vật mà thiên nhiên ban tặng.
Chúng tôi muốn gói bánh chưng để cầu mong rằng khi bão lũ qua đi, thiên nhiên sẽ tiếp tục ưu ái cho chúng ta những sản vật mà chúng ta đã và đang trân trọng.
Hơn nữa, cá nhân tôi rất thích không khí gói bánh chưng khi nhiều người cùng làm các công đoạn trong không khí ấm cúng. Quá trình gói bánh, nấu bánh kéo dài, tạo nên những khoảnh khắc sum vầy, ấm áp. Tặng bánh đi cũng là tặng chút ấm áp của bếp lửa hồng mà Nam Dương đã đỏ lửa đêm ngày từ ngày bão lũ xảy ra.
Tính đến bây giờ, Bếp Nam Dương gói được bao nhiêu chiếc bánh chưng thiện nguyện?
1.900 chiếc.
Những nguyên liệu mà Bếp Nam Dương phải chuẩn bị trong thời gian rất ngắn để làm nên 1.900 chiếc bánh đó như thế nào?
Khó nhất là lá dong. Để làm được 1.900 chiếc bánh chưng, bếp cần 8.000 - 10.000 lá dong, nếp, đậu xanh, thịt… trong đó, hé lộ thêm, thịt để làm những chiếc bánh này là thịt sinh học Revofood. Gạo nếp nương đậu xanh Doxaco, và các gia vị thực dưỡng như nước tương Nhật, dấm mơ muối lâu năm, muối biển xuất nhật, dầu cái, hạt tiêu, hành… thì khá tiện.
Điều gì đã thúc đẩy chị và gia đình quyết định huy động lực lượng để làm 1.900 chiếc bánh chưng chỉ trong 5 ngày sau cơn bão Yagi?
Khi cơn bão Yagi đi qua, chúng tôi thấy hình ảnh bà con vùng bão lũ phải đối mặt với những khó khăn chồng chất. Điều này đã thúc đẩy tôi và gia đình cùng nhau làm điều gì đó thiết thực. Thực ra, thiên tai xảy ra bất ngờ nhưng chúng tôi không quá lúng túng trong các quyết định hành động. Trước đây, Bếp Nam Dương cũng từng nhiều lần hành động.
Khi nhóm MTQ Anh Thư báo bếp sản xuất bánh chưng để tặng bà con vùng lũ, Nam Dương có chia sẻ là giờ lũ đã đi qua, tặng bánh chưng không còn phù hợp nữa. Nhưng do cộng đồng của chị Anh Thư và Nam Dương cùng học khoa học tâm thức, khi mình ra quyết định quyên góp tiền làm bánh chưng tặng cho bà con thì mình phải làm bánh chưng. Lúc đó, Nam Dương nhận nhiệm vụ sản xuất bánh và có ý sẽ trao tặng cho các đoàn đi thiện nguyện giúp bà con tái thiết sau lũ.
Thật may mắn, khi Nam Dương đang trăn trở làm sao để tặng số bánh 1.900 chiếc đến bà con cho có ý nghĩa thì giải pháp xuất hiện: Nam Dương quyết định sản xuất bánh tặng cho các đoàn có uy tín bán gây quỹ để mua nhu yếu phẩm, vật dụng cần thiết cho bà con vùng lũ tái thiết cuộc sống. Và rồi các nhóm thiện nguyện lần lượt được Nam Dương trao gửi những chiếc “Bánh Chưng yêu Thương” để lan tỏa tới cộng đồng cung tay cùng các đoàn làm việc thiện như: nhóm Ecorun, nhóm ca sỹ Thái Thùy Linh , cửa Hàng TPS Xanh Sẫm, cửa hàng TPS ecofood, của Hàng TPS Tomato, nhóm Nguyễn Dung THA56 Thảo Nguyên, …
Tại sao chị lại quyết định gửi bánh chưng cho các đoàn làm từ thiện để họ bán lấy tiền mặt thay vì trực tiếp gửi đến bà con vùng lũ?
Như tôi đã nói ở trên, tôi không cho rằng tặng tiền thì đỡ vất vả hơn tặng bánh. Bão lũ xảy ra khiến đường xá nhiều vùng bị cô lập. Những chiếc bánh chưng của tôi nếu cố gắng đưa đến bà con vào những ngày cao điểm của các chuyến xe cứu trợ thì có thể không kịp phân phát đến tay người dân. Lúc này, Bếp Nam Dương nghĩ rằng, thay vì rủi ro này, tốt hơn là để các đoàn làm từ thiện bán lấy tiền mặt để giúp bà con phục hồi cuộc sống sau bão.
Quyết định này đến từ thực tế tại vùng lũ. Sau bão, đường sá bị sạt lở, nước lũ chia cắt các khu vực, nên việc chuyển bánh trực tiếp đến bà con gặp rất nhiều khó khăn. Hơn nữa, có nhiều trường hợp thực phẩm cứu trợ không đến được tay người dân mà phải tập kết lâu ngày, dẫn đến nguy cơ hư hỏng.
Sao bếp không tự mình trao đi, tích thiện cho mình?
Chúng tôi không nghĩ cũng không tính toán nhiều như thế (cười). Điều duy nhất chúng tôi mong muốn là chút công sức của mình đến được với đồng bào còn con đường nào để đến được đích đều đáng quý trọng.
1.900 chiếc bánh mà Bếp Nam Dương đại diện tặng các đoàn thiện nguyện cũng không hoàn toàn 100% của Bếp Nam Dương. Khi bếp bấm nút start thì nhóm bạn của tôi đồng hành, gom góp kinh phí cùng bếp làm bánh để cứu trợ. Nhóm bạn gom được cho 1.600 chiếc, Nam Dương đóng góp thêm 300 chiếc.
Cũng như Bếp Nam Dương, các mạnh thường quân đó nhận ra rằng chuyển bánh đi đến vùng lũ thời điểm 1-3 ngày ngay sau lũ có thể dẫn đến nguy cơ bánh bị hư hỏng do không phát kịp. Các mạnh thường quân đó cũng đồng tình với Nam Dương rằng bánh vẫn gói nhưng sẽ tặng cho các đoàn thiện nguyện bán để họ có thêm ngân sách đi thiện nguyện. Chúng tôi tự bán sẽ không thể nhiều bằng hàng trăm người thuộc các đoàn thiện nguyện đem bán.
Phản hồi từ các đoàn làm từ thiện về sáng kiến này của Nam Dương như thế nào?
Gọi là sáng kiến sẽ là hơi quá. Trong mất mát đau thương của đồng bào vùng lũ, mỗi một nguồn cả tài chính, vật phẩm… các đoàn làm từ thiện huy động được đều đáng quý trọng.
Trong số 1.900 chiếc bánh gói ghém vì đồng bào lần này có nhiều đoàn từ thiện là Nam Dương tự đề xuất khi thấy họ lên chương trình, nhiều đoàn chủ động đề xuất chúng tôi hỗ trợ.
Cuối cùng, điều quan trọng nhất mà tất cả chúng ta đều muốn đó là: 1.900 chiếc bánh đã được cộng đồng mua, ủng hộ và bà con bão lũ có tiền để tái thiết cuộc sống vốn đang rất khó khăn.