Nhận định chứng khoán 8 - 11/4: 'Nín thở' chờ tin đàm phán thuế quan
Thị trường chứng khoán trải qua tuần giao dịch đầy biến động khi áp lực từ chính sách thuế của Mỹ khiến VN-Index rung lắc mạnh. Dù lực cầu bắt đáy xuất hiện, các công ty chứng khoán vẫn thận trọng và nghiêng về kịch bản điều chỉnh ngắn hạn.
![]() |
Tổng hợp nhận định từ các công ty chứng khoán |
Chứng khoán SSI: Tích cực - VN-Index có thể hồi lên 1.220 - 1.230 điểm
VN-Index đóng cửa phiên 4/4 tại 1.210,7 điểm, giảm 19,2 điểm (-1,56%). Khối lượng khớp lệnh đạt 1,8 tỷ cổ phiếu. Đà giảm của VN-Index chững lại đáng kể khi lực cầu giá thấp đẩy mạnh nhập cuộc. Vùng hỗ trợ quan trọng 1.180 - 1.200 điểm đang phát huy vai trò nâng đỡ, nhất là khi độ rộng trong phiên đã thu hẹp về vùng thấp nhất một năm. Các nhịp rung lắc kiểm định lại khu vực trên sẽ cung cấp tín hiệu tin cậy hơn về khả năng cân bằng ngắn hạn và định hình xu hướng sắp tới. Trong kịch bản hồi phục, vùng kháng cự tiếp theo của chỉ số được xác định tại 1.220 - 1.230 điểm.
Chứng khoán Asean: Trung lập
Tuần vừa qua, thị trường giảm điểm mạnh sau thông tin về thuế quan của Tổng thống Donald Trump, đồng thời khối lượng giao dịch giảm mạnh so với tuần trước đó, cho thấy sự bán tháo là rất lớn. Các chỉ báo xu hướng như EMA đã chuyển sang tiêu cực khi chỉ số đang nằm dưới các đường EMA 20 và EMA 50. Đồng thời, động lượng thị trường giảm mạnh khi các chỉ báo như MACD và RSI đều hướng xuống và tiến đến vùng quá bán.
Kịch bản khả quan (xác suất 65%): Thị trường có thể hồi phục trở lại sau đà bán tháo mạnh trước đó, khi mà rất nhiều mã cổ phiếu đã về vùng định giá hấp dẫn.
Kịch bản kém khả quan (xác suất 35%): Trong trường hợp Việt Nam không thể đàm phán thuế quan, thị trường có thể tiếp tục điều chỉnh sâu hơn về các mốc hỗ trợ 1.150 điểm và 1.000 điểm.
Chứng khoán TPS: Trung lập
Trong phiên hôm nay, thị trường tiếp tục mở cửa trong sự hoảng loạn của nhà đầu tư. Đợt bán tháo cổ phiếu đầu phiên đã khiến chỉ số VN-Index và VN30 lần lượt chạm mức hỗ trợ dài hạn tại quanh 1.166 điểm và 1.228 điểm. Nhờ vào lực cầu tốt, thị trường đã thu hẹp đáng kể đà giảm trong phiên, đặc biệt là nhóm cổ phiếu VN30. TPS nhận thấy lực cầu xuất hiện một cách có chọn lọc khi đổ dồn về nhóm cổ phiếu họ Vingroup và một số cổ phiếu không bị ảnh hưởng bởi chính sách thuế quan từ Mỹ như VNM, FPT và nhóm ngân hàng.
Mặc dù lực cầu tốt đã giúp thị trường thu hẹp đáng kể đà giảm trong phiên hôm nay, từ mức thấp nhất 1.158 lên mức 1.211 điểm, theo quán tính, chỉ số có khả năng hồi về mức 1.228 điểm ở phiên giao dịch tiếp theo. Tuy nhiên, TPS cũng không loại trừ khả năng đây là mức phục hồi kỹ thuật trong ngắn hạn và chỉ số vẫn có khả năng kiểm định lại mức hỗ trợ dài hạn quanh 1.166 điểm.
Chứng khoán BSC: Tiêu cực - nhà đầu tư cần quản trị rủi ro
Mỹ công bố áp thuế đối ứng 46% lên hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam. Giá trị xuất khẩu của Việt Nam ghi nhận theo Hải quan Hoa Kỳ là 141 tỷ USD năm 2024, trong đó 138 tỷ USD nằm trong diện chịu thuế sau khi trừ đi các hàng hóa miễn thuế. Ngành điện, thiết bị điện; máy và thiết bị cơ khí; đồ nội thất; quần áo và giày dép bị ảnh hưởng lớn nhất theo quy mô. Mức thuế đối ứng được công bố là mức trần, và các quốc gia có thể đàm phán. Tuy nhiên, mức thuế cao và phương pháp tính gây bất ngờ, nằm ngoài dự báo. Đoàn Phó Thủ tướng sẽ thăm Hoa Kỳ từ ngày 6 - 14/4, mở ra kênh đối thoại và hiểu biết giữa hai quốc gia, sau khi Bộ trưởng Công Thương đã gửi công hàm đề nghị Hoa Kỳ tạm hoãn quyết định áp thuế.
Thuế quan mới đang tạo ra rủi ro cho nền kinh tế và thị trường chứng khoán. Quá trình đàm phán thuế quan cần thời gian, điều này nhắc nhở nhà đầu tư cần chú ý hơn đến quản trị rủi ro, hạn chế sử dụng margin trong quá trình thị trường xác lập lại vùng đáy.
Chứng khoán KB: Tiêu cực - thị trường vẫn có thể tiếp tục đi xuống
Quán tính giảm điểm tiếp tục kéo dài sang đầu phiên 4/4 trước khi lực cầu bắt đáy xuất hiện, giúp VN-Index lấy lại phần lớn số điểm đã mất trong phiên. Diễn biến này giúp hình thành một nến xanh, đóng cửa ở mốc cao nhất phiên, đi kèm khối lượng giao dịch lớn và nghiêng về chiều hướng tích lũy. Mặc dù vậy, có một sự phân hóa mạnh giữa các cổ phiếu, với số mã giảm sàn vẫn tương đối cao, thể hiện sự thiếu đồng thuận giữa các nhóm. Điều này một mặt cho thấy đà hồi phục chưa thực sự bền vững và nhiều khả năng mới chỉ mang tính ngắn hạn, nhưng mặt khác cũng để ngỏ cơ hội hồi phục luân phiên cho các dòng trễ nhịp, giúp hãm lại đà rơi của chỉ số chung trong trường hợp tiếp tục đi xuống trong tuần sau.
>> Cơ hội cho NĐT cầm tiền, MBS Research gợi ý danh mục cổ phiếu hấp dẫn để 'bắt đáy'
Đường sắt cao tốc Bắc - Nam 67 tỷ USD sắp chọn nhà thầu, 'vua đào hầm' Đèo Cả âm thầm hành động
Quảng Ngãi dồn lực hỗ trợ đưa 'cú đấm thép' 85.000 tỷ đồng của Hòa Phát vào hoạt động