OPEC+ sẽ nâng sản lượng thêm 648.000 thùng/ngày trong cả tháng 7 và tháng 8/2022, chấm dứt giai đoạn cắt giảm sản lượng lịch sử của OPEC+ trong thời gian đại dịch hoành hành.
Vào tháng 4/2020, OPEC+ giảm nguồn cung dầu thô đi 10 triệu thùng/ngày. Khi dịch bệnh dần được kiểm soát và các biện pháp phong tỏa được gỡ bỏ, OPEC+ cũng dần nâng sản lượng lên. Trong những tháng gần đây, nguồn cung dầu tăng thêm từ 400.000 thùng/ngày đến 432.000 thùng/ngày mỗi tháng.
Theo kế hoạch công bố trước đây, OPEC+ sẽ chỉ nâng sản lượng thêm 432.000 thùng dầu/ngày trong ba tháng 7, 8 và 9. Có thể thấy, nhóm các quốc gia chi phối nguồn cung dầu toàn cầu này đã quyết định tăng sản xuất mạnh hơn dự báo.
Theo thống kê của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), sản lượng khai thác của OPEC trong tháng 5 đạt gần 29 triệu thùng/ngày. Biểu đồ bên dưới cho thấy nguồn cung hiện nay tương đương với giai đoạn tháng 12/2019 – 1/2020 khi COVID-19 chưa bùng phát.
Giá dầu trên thị trường quốc tế ban đầu sụt giảm nhưng sau khi quyết định của OPEC+ được công bố đã bật tăng. Hợp đồng tương lai dầu thô Brent lúc 22h14 tối 2/6 (theo giờ Việt Nam) là 117,2 USD/thùng, tăng 0,76%. Giá dầu thô WTI tại Mỹ giao tháng 8 cũng tăng lên 116,3 USD/thùng.
Quyết định của OPEC+ được đưa ra trong lúc thế giới đang phải vật lộn với giá nhiên liệu tăng cao. Chính phủ nhiều nước trên thế giới đã kêu gọi các nhà sản xuất dầu nâng sản lượng. Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 1/6 phải thừa nhận rằng ông không có cách nào để hạ giá nhiên liệu trong ngắn hạn.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre hoan nghênh quyết định mạnh tay của OPEC+:
“Chúng tôi ghi nhận vai trò của Saudi Arabia với tư cách là Chủ tịch OPEC+ và nhà sản xuất dầu lớn nhất của khối trong việc đạt được đồng thuận với các nước thành viên”, bà Jean-Pierre nói, sau đó cho biết thêm rằng “Mỹ sẽ dùng tất cả công cụ trong tay để giải quyết áp lực giá nhiên liệu”.
Theo Reuters, động thái tăng cường bơm dầu của Saudi Arabia là dấu hiệu cho thấy chính quyền nước này muốn hâm nóng mối quan hệ với Mỹ. Tổng thống Mỹ Joe Biden có ý định đến thăm Saudi Arabia sau hai năm bất đồng sâu sắc về các vấn đề như nhân quyền, cuộc chiến tranh ở Yemen và hoạt động cung cấp vũ khí của Mỹ cho Saudi Arabia.
Giá nhiên liệu lên cao là nguyên nhân quan trọng khiến Mỹ phải chịu lạm phát phi mã tới hơn 8%, đồng thời làm cho tỷ lệ ủng hộ của dân chúng đối với Tổng thống Joe Biden lao dốc ngay trước cuộc bầu cử quốc hội giữa kỳ. Cho đến nay, ông Biden vẫn không chính thức coi thái tử Mohammed bin Salman là nhà lãnh đạo thực quyền của Saudi Arabia.
Tuy nhiên, sau khi khối OPEC+ do Saudi Arabia dẫn đầu tăng mạnh sản lượng, khả năng ông Biden đến thăm vương quốc vùng Vịnh này và gặp gỡ Thái tử Mohammed bin Salman ngày càng cao hơn.
Về mặt lý thuyết, sản lượng tương lai sẽ cao hơn hiện nay. Tuy nhiên trên thực tế, các nước thành viên OPEC+ đang gặp khó trong việc đáp ứng hạn ngạch sản xuất hiện có. Thêm vào đó, sản lượng 648.000 thùng/ngày mà OPEC+ tăng thêm là chưa đủ để bù đắp hoàn toàn thiệt hại của việc mất đi nguồn cung từ Nga.
Nhiều quốc gia trên khắp thế giới đang đẩy mạnh cấm vận năng lượng của Nga vì cuộc xung đột ở Ukraine, dẫn tới nguy cơ khoảng 1 triệu thùng dầu/ngày của Nga sẽ không thể chảy vào thị trường.
Hôm thứ Hai tuần này (30/5), Liên minh châu Âu đã đồng ý cấm 90% lượng dầu nhập khẩu từ Nga vào cuối năm nay.
Giá xăng trong nước ngày mai có khả năng đi xuống
Nhóm cổ phiếu phân bón, hóa chất đồng loạt tăng sau động thái từ OPEC+