PGS-TS Đặng Văn Thanh: Việt Nam chưa tận dụng được năng lực công nghệ của doanh nghiệp FDI

16-12-2023 06:22|Khúc Văn

PGS-TS Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam cho rằng ở một số quốc gia FDI được sử dụng để nâng cấp năng lực công nghệ bản địa. Tuy nhiên, Việt Nam chưa tận dụng được năng lực này của khối doanh nghiệp FDI.

FDI hưởng ưu đãi trên mọi phương diện

Theo sách trắng doanh nghiệp Việt Nam 2022, có 22.242 doanh nghiệp FDI. So với khu vực doanh nghiệp tư nhân thì khu vực doanh nghiệp FDI đang được hưởng ưu đãi rất nhiều và trên mọi phương diện.

Tuy nhiên, số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong thời gian 10 năm trở lại đây (2010-2021), tốc độ tăng trưởng luồng tiền chảy ra thuần túy từ các doanh nghiệp FDI tăng 5,1 lần, nhanh hơn khá nhiều so với tốc độ tăng trưởng GDP (là 3,1 lần).

>>Là á khôi cả nước về hút vốn FDI, 'thủ phủ công nghiệp' Bình Dương có gì đặc biệt?

Hiện tượng trên dẫn đến GNI (tổng thu nhập quốc gia) so với GDP (tổng sản phẩm trong nước) giảm từ 97% năm 2010 xuống còn 94,9% năm 2021.

Nghiên cứu cũng nhấn mạnh chính sách thuế đối với các doanh nghiệp FDI vừa ưu đãi về ngành nghề, vừa ưu đãi về lĩnh vực hoạt động, về dự án đầu tư, dự án mở rộng…

Theo thống kê của Tổng cục Thuế, mặc dù thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) phổ biến theo Luật Thuế Thu nhập Doanh nghiệp là 20%, nhưng với ưu đãi miễn, giảm, thì mức thuế suất của các doanh nghiệp FDI thường là 5%-10%. Một số tập đoàn có dự án lớn mức thuế chỉ là 3%-6%. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp FDI có lợi nhuận cao, nhưng nộp thuế lại rất ít.

Số liệu của Bộ Tài chính cũng cho biết doanh thu của khu vực FDI năm 2021 tăng 19% so với năm 2020, lợi nhuận sau thuế tăng đến 29,6% nhưng số nộp Ngân sách Nhà nước chỉ tăng 9,3% so với năm 2020.

>>Đại gia ngoại thâu tóm dự án hơn 13.600 tỷ đồng tại Bình Dương

Như vậy, số nộp NSNN có tốc độ tăng chậm hơn so với tốc độ tăng của nguồn vốn, doanh thu, lợi nhuận sau thuế cho thấy rằng mức đóng góp vào NSNN chưa thực sự tương xứng với mức đầu tư và kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp FDI.

Mức độ thiếu bao trùm trong góc độ này cho thấy: Lợi nhuận trước thuế của các doanh nghiệp FDI cao hơn khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước tới 181% và chiếm tới 48% tổng lợi nhuận doanh nghiệp. Trong khi đó thuế và các khoản nộp ngân sách của khu vực FDI chỉ bằng 81% khu vực ngoài nhà nước.

Theo số liệu phân tích báo cáo tài chính của các doanh nghiệp FDI năm 2021, số lượng doanh nghiệp báo lỗ, chiếm tới 55% và báo lỗ lũy kế còn cao hơn (62% số doanh nghiệp FDI), có xu hướng tăng nhanh (năm 2012 là 44%, năm, 2017 là 52%).

>>TS Nguyễn Đình Cung: ‘Việt Nam cần đẩy mạnh năng lực nội tại, không nên quá phụ thuộc vào FDI’

Nhưng đáng nói, trong khi các doanh nghiệp báo lỗ nhưng vẫn tiếp tục được mở rộng sản xuất, kinh doanh và các số liệu về tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên vốn chủ sở hữu (ROE) bình quân của doanh nghiệp FDI trong một số ngành qua các năm luôn duy trì ở mức rất cao (trên 30%), như: linh kiện điện tử, máy vi tính, thiết bị ngoại vi, sản xuất lắp ráp ô tô, xe máy và xe có động cơ khác.

Không nhiều doanh nghiệp FDI phát triển công nghệ mới tại Việt Nam

PGS-TS Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam (VAA) cho rằng ở một số quốc gia (như Singapore), FDI đặc biệt được sử dụng để nâng cấp năng lực công nghệ bản địa.

"Trong chính sách thương mại, công cụ quan trọng nhất ở Việt Nam là thuế quan đã không được sử dụng một cách hiệu quả để thúc đẩy học hỏi công nghệ như trong một số nước/vùng lãnh thổ như Hàn Quốc, Đài Loan", ông Thanh nêu.

Theo ông Thanh, mức độ lan tỏa công nghệ từ các doanh nghiệp FDI sang các doanh nghiệp Việt Nam thấp. Khả năng liên kết để phát triển công nghệ giữa các doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp FDI khá hạn chế. Không có nhiều doanh nghiệp FDI phát triển công nghệ mới tại Việt Nam.

Tương tự như vậy, các doanh nghiệp FDI không tập trung mạnh vào phát triển các nhà thầu Việt Nam hoặc hỗ trợ kỹ thuật cho các nhà cung cấp địa phương. Lý do đằng sau là sự không đáp ứng và lạc hậu của ngành công nghiệp hỗ trợ.

“Cũng cần nhấn mạnh rằng, nhiều doanh nghiệp FDI thiếu thiện chí và nỗ lực để đầu tư nguồn lực và thời gian cho việc phát triển các nhà cung cấp, nhà thầu địa phương”, ông Thanh nói.

>>Loại hình bất động sản dễ “săn đại bàng” ngoại quốc nhất thị trường Việt

TS Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VERP) đánh giá, dù FDI là nguồn lực quan trọng đóng góp lớn vào tăng trưởng của nền kinh tế, dẫn dắt xuất khẩu của Việt Nam, tạo dựng một hình ảnh mới cho Việt Nam trên bản đồ thương mại toàn cầu… nhưng chưa thể kéo nền kinh tế lên nấc thang giá trị cao hơn.

Cụ thể, việc chuyển giao công nghệ giữa các doanh nghiệp FDl và doanh nghiệp trong nước vẫn còn yếu… Cho tới thời điểm hiện tại, khả năng tham gia cung ứng đầu vào cho doanh nghiệp FDI của các doanh nghiệp nội địa Việt Nam còn hạn chế.

Trong khi 90% doanh nghiệp FDI tại các nước Trung Quốc, Malaysia và Thái Lan sử dụng nguồn đầu vào trong nước thì tại Việt Nam chỉ chiếm khoảng 60% (WB, 2017). Việt Nam chủ yếu tham gia vào những mắt xích có giá trị gia tăng thấp nhất trong chuỗi giá trị toàn cầu, đa phần thâm dụng lao động và yêu cầu kỹ thuật thấp.

Lý giải về điều này, ông Nguyễn Quốc Việt cho rằng đặc điểm của dòng vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đến chủ yếu từ các quốc gia Đông Á, Đông Nam Á. Các doanh nghiệp này tận dụng chính sách ưu đãi về thuế, đất đai, cơ sở hạ tầng và tận dụng nguồn nhân lực, đặc biệt là lao động rẻ và trẻ của Việt Nam.

Do vậy, 10 năm trở lại đây, dù Việt Nam đã huy động được dòng vốn FDI rất đáng kể và đóng góp lớn vào việc xuất khẩu, tạo ra thặng dư thương mại, nhưng Việt Nam cũng phải phụ thuộc rất nhiều vào nhập khẩu, đặc biệt là lĩnh vực công nghệ cao như sản xuất điện thoại, thiết bị máy móc, điện tử viễn thông… Có thể thấy, tỷ lệ nhập khẩu từ các doanh nghiệp trong hệ sinh thái của các doanh nghiệp FDI là rất lớn.

Từ đó dẫn đến giá trị gia tăng của doanh nghiệp Việt Nam vào trong giá trị xuất khẩu hàng hóa, đặc biệt trong ngành công nghiệp chế biến chế tạo là thấp, kém hơn khá nhiều so với các quốc gia khu vực Đông Á, Đông Nam Á.

>>Việt Nam áp thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024: Cần chính sách ưu đãi đầu tư mới

Là á khôi cả nước về hút vốn FDI, 'thủ phủ công nghiệp' Bình Dương có gì đặc biệt?

TS Nguyễn Đình Cung: ‘Việt Nam cần đẩy mạnh năng lực nội tại, không nên quá phụ thuộc vào FDI’

Lộ diện 11 tỉnh thành gia nhập 'câu lạc bộ' hút tỷ USD vốn FDI

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/pgs-ts-dang-van-thanh-viet-nam-chua-tan-dung-duoc-nang-luc-cong-nghe-cua-doanh-nghiep-fdi-215411.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
PGS-TS Đặng Văn Thanh: Việt Nam chưa tận dụng được năng lực công nghệ của doanh nghiệp FDI
POWERED BY ONECMS & INTECH