TS Nguyễn Đình Cung: ‘Việt Nam cần đẩy mạnh năng lực nội tại, không nên quá phụ thuộc vào FDI’
TS Nguyễn Đình Cung cho rằng nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) dồi dào nhưng không vì vậy mà quá phụ thuộc vào doanh nghiệp FDI, cần tư duy theo hướng sản xuất toàn cầu, đẩy mạnh năng lực nội tại.
Khu vực FDI hiện vẫn là đầu tàu dẫn dắt xuất khẩu của Việt Nam
Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, quy mô vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam đã tăng trưởng mạnh từ con số 428,5 triệu USD năm 1991 lên mức 22,4 tỷ USD năm 2022. Số dự án FDI cũng tăng từ 152 dự án FDI đăng ký mới trong năm 1991 lên 2.036 dự án được cấp phép năm 2022. Luỹ kế nguồn vốn FDI Việt Nam thu hút được cũng lên tới gần 438,7 tỷ USD.
TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM). |
Cụ thể, nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19/21 ngành kinh tế quốc dân ở Việt Nam, tập trung nhiều nhất ở lĩnh vực công nghiệp chế biến - chế tạo với 15.960 dự án còn hiệu lực, chiếm 43,91% tổng số dự án được cấp phép, tương đương 261,4 tỷ USD chiếm 59,34% tổng vốn FDI đăng ký. Tiếp đó là lĩnh vực bất động sản, sản xuất và phân phối điện, xây dựng, nông nghiệp, khai khoáng...
>> Lộ diện 11 tỉnh thành gia nhập 'câu lạc bộ' hút tỷ USD vốn FDI
TS. Nguyễn Quốc Việt Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) - Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội nhận định, khu vực doanh nghiệp FDI với sự góp mặt của nhiều tập đoàn đa quốc gia đã góp phần đưa Việt Nam từng bước tham gia chuỗi sản xuất toàn cầu, nâng cao năng lực sản xuất cho các doanh nghiệp trong nước.
"Sự xuất hiện của các doanh nghiệp FDI không những là mắt xích quan trọng, mà còn tạo đòn bẩy để Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Điều này đã được thể hiện khi khu vực FDI luôn là đầu tàu dẫn dắt xuất khẩu của Việt Nam trong những năm qua", ông Việt cho biết
>>Bất ngờ một tỉnh có hơn 1.000 doanh nghiệp thành lập mới, tổng vốn đăng ký gần 8.400 tỷ
Đặc biệt, tỷ trọng khu vực FDI trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước đã tăng đáng kể. Con số này vào năm 1997 là 30% và tăng lên 65% giai đoạn 2011-2015. Đến giai đoạn 2016-2020, các doanh nghiệp FDI đóng góp 71% tổng kim ngạch xuất khẩu và trong năm 2022, đạt tới 73,7%.
Liên kết giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp FDI còn yếu
Tuy nhiên, ở chiều hướng ngược lại, TS. Trần Thị Mai Thành, Khoa Kinh tế và Kinh doanh quốc tế, Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội dẫn các kết quả từ báo cáo lại cho thấy sự liên kết giữa doanh nghiệp FDI và các doanh nghiệp nội địa của Việt Nam vẫn rất yếu, đặc biệt là khả năng cung ứng đầu vào cho các doanh nghiệp đa quốc gia.
Đến cuối năm 2021, Việt Nam mới chỉ có khoảng hơn 300 doanh nghiệp thuần Việt là nhà cung cấp cho các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam. Trong khi 90% doanh nghiệp FDI tại các nước như Trung Quốc, Malaysia và Thái Lan sử dụng nguồn đầu vào trong nước thì ở Việt Nam con số này chỉ khoảng 60%.
>>Rót gần 6 tỷ USD - đây là quốc gia được Việt Nam đầu tư nhiều tiền nhất
Thêm vào đó, Việt Nam vẫn chủ yếu tham gia vào những mắt xích có giá trị gia tăng thấp nhất trong chuỗi giá trị toàn cầu, đa phần thâm dụng lao động và yêu cầu kỹ thuật thấp. Lý do được nhiều nhà phân tích đưa ra là phần lớn doanh nghiệp trong nước vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu để trở thành nhà cung cấp cho các doanh nghiệp FDI nên khó khăn trong việc tham gia liên kết. Do đó, các doanh nghiệp FDI hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao thường có xu hướng nhập hàng hóa đầu vào từ nước xuất xứ của mình.
Cũng theo TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), Việt Nam cần thay đổi cách tiếp cận khi nói đến phát triển công nghiệp phụ trợ, tham gia vào chuỗi liên kết với doanh nghiệp FDI.
“Thay vì nghĩ rằng khi doanh nghiệp FDI vào và sẽ hỗ trợ, liên kết với doanh nghiệp Việt Nam, cần tư duy theo hướng sản xuất toàn cầu. Ví dụ như Thái Lan sản xuất phụ tùng ô tô quy mô lớn và các quốc gia đều phải mua của họ”, TS. Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh.
Theo đó, Việt Nam cần đẩy mạnh năng lực nội tại, làm ngành cung ứng cho tất cả, không chỉ phụ thuộc vào các doanh nghiệp FDI, như thế thì quy mô sẽ rất nhỏ.
Về công nghiệp phụ trợ mà cụ thể là ngành sản xuất lắp ráp ô tô, lãnh đạo Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho hay, ngành này không phát triển mạnh mẽ được như xe máy hay dòng xe thương mại do phụ thuộc nặng nề vào phụ tùng, linh kiện nhập khẩu.
>>Việt Nam áp thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024: Cần chính sách ưu đãi đầu tư mới
Một số bộ phận đơn giản và thâm dụng lao động như ghế ô tô tuy đã được sản xuất trong nước nhưng các phụ tùng, linh kiện phức tạp như động cơ và hộp số thường được nhập khẩu từ các chi nhánh của công ty mẹ hoặc từ các nhà cung cấp nước ngoài. Hiện tỷ lệ nội địa hoá chỉ chiếm khoảng từ 10 - 20% đối với sản phẩm ô tô, thấp hơn nhiều so với mức 45% của Thái Lan.
Chuyên gia VEPR cho hay ngành công nghiệp ô tô Việt Nam ra đời muộn, tham gia chủ yếu vào phân khúc thấp của chuỗi giá trị, phụ thuộc lớn vào sự phân công sản xuất của các tập đoàn ô tô toàn cầu; chưa làm chủ được các công nghệ cốt lõi như động cơ, hệ thống điều khiển, hệ thống truyền động.
Ngoài ra, các chính sách ưu đãi về thuế, trong đó có thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt, còn chưa đủ hấp dẫn để thực sự khuyến khích doanh nghiệp mở rộng đầu tư sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước. Đây chính là một trong những nút thắt, ảnh hưởng đến sự phát triển ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam.
>>Đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam thực sự trở thành trục "xương sống"