PGS.TS Nguyễn Thường Lạng: Ông Donald Trump tái đắc cử có thể là chất xúc tác thúc đẩy thương mại Việt - Mỹ
Việc ông Donald Trump tái đắc cử Tổng thống Mỹ dự báo sẽ có tác động sâu rộng đến quan hệ thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Mỹ. PGS.TS Nguyễn Thường Lạng đã có những phân tích chuyên sâu về cơ hội và thách thức mới cho Việt Nam trong bối cảnh này.
Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2024 đã khép lại với chiến thắng thuộc về ông Donald Trump, người vừa vượt qua ngưỡng 270 phiếu đại cử tri cần thiết để trở thành Tổng thống thứ 47 của nước Mỹ, đánh bại ứng cử viên Kamala Harris của đảng Dân chủ. Trước diễn biến này, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn với PGS.TS Nguyễn Thường Lạng, chuyên gia kinh tế quốc tế, giảng viên cao cấp tại Viện Thương mại và Kinh tế Quốc tế, trường Đại học Kinh tế Quốc dân (NEU) để lắng nghe những phân tích chuyên sâu về tác động tiềm năng lên quan hệ thương mại Việt - Mỹ.
PGS.TS Nguyễn Thường Lạng là giảng viên cao cấp tại Viện Thương mại và Kinh tế Quốc tế, trường Đại học Kinh tế Quốc dân (NEU). Ông là chuyên gia giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh tế quốc tế và thương mại, với nhiều nghiên cứu có giá trị và những đóng góp nổi bật trong tư vấn chính sách thương mại của Việt Nam. |
PV: Thưa PGS.TS Nguyễn Thường Lạng, ông đánh giá như thế nào về tác động của việc ông Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đối với quan hệ thương mại Việt - Mỹ trong ngắn hạn và dài hạn? Liệu chiến thắng này có thể tạo ra những xu hướng mới nào cho thương mại và đầu tư giữa hai quốc gia?
PGS.TS Nguyễn Thường Lạng: Việc ông Donald Trump chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ có thể duy trì tốc độ tăng trưởng quan hệ thương mại Việt - Mỹ trong ngắn hạn, nhưng về dài hạn, thương mại và đầu tư giữa hai nước nhiều khả năng sẽ tăng trưởng mạnh. Trong ngắn hạn, hai bên cần giữ vững quan hệ ổn định để tránh gây xáo trộn cho nền kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh cả hai quốc gia đang trên đà phục hồi sau đại dịch. Sự ổn định này giúp nền kinh tế hai bên có thời gian để "hồi phục" sau những tổn thất vừa qua.
Về dài hạn, ông Trump có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc và có khả năng tiếp tục áp đặt các hàng rào bảo hộ như thuế nhập khẩu (hiện vẫn đang duy trì) hoặc những biện pháp phi thuế quan đối với hàng hóa từ Trung Quốc. Nếu hàng rào này càng cao, các nguồn lực sẽ càng có xu hướng dịch chuyển ra khỏi Trung Quốc. Trung Quốc – với tiềm lực vốn đầu tư lớn cùng quy mô doanh nghiệp sản xuất dồi dào – sẽ có xu hướng chuyển hướng đầu tư và sản xuất sang các quốc gia khác để tránh hàng rào bảo hộ này. Việt Nam chắc chắn sẽ là điểm đến hàng đầu mà Trung Quốc lựa chọn nhờ vị trí láng giềng và sự tin cậy về mặt chính trị.
Dòng vốn đầu tư và chuỗi cung ứng từ Trung Quốc vào Mỹ nhiều khả năng sẽ dịch chuyển qua "trạm trung chuyển" Việt Nam. Đây là một cơ hội lớn để Việt Nam đón nhận dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc và các đối tác khác, cũng như mở rộng chuỗi cung ứng nguồn hàng hóa với Trung Quốc. Thực tế cho thấy, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ gần như tương ứng với tốc độ tăng nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc. Khi Trung Quốc tăng cường chuyển dịch nguồn lực sang Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ có thể sẽ tăng lên tương ứng.
Chiến thắng của ông Trump có thể được xem là một chất xúc tác quan trọng để mở rộng quy mô thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, thậm chí có thể hình thành nên một tam giác thương mại đặc biệt giữa Mỹ, Việt Nam và Trung Quốc. Bên cạnh đó, để tăng cường ảnh hưởng tại Đông Nam Á, Mỹ có thể gia tăng đầu tư để tạo thế cân bằng trực tiếp với Trung Quốc. Trong mối quan hệ cạnh tranh này, Việt Nam sẽ có cơ hội hưởng lợi rất lớn.
PV: Ông có thể phân tích chi tiết cách tiếp cận về thương mại quốc tế, đặc biệt là các chính sách bảo hộ của ông Donald Trump? Nếu được thực thi, các chính sách này sẽ ảnh hưởng ra sao đến các ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như thủy sản, dệt may, gỗ và điện tử?
PGS.TS Nguyễn Thường Lạng: Chính sách bảo hộ của ông Donald Trump rất dễ nhận biết và khá rõ ràng, chủ yếu tập trung vào việc áp thuế hoặc các biện pháp bảo hộ thương mại khác. Các chính sách này về cơ bản vẫn phù hợp với nguyên tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và đảm bảo sự công bằng, minh bạch.
Trong vòng 30 năm kể từ khi bình thường hóa quan hệ hai nước, quy mô xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đã tăng trưởng gần như theo cấp số nhân. Điều này đồng nghĩa với việc xuất khẩu của Việt Nam có tác động đáng kể đến các ngành sản xuất thay thế nhập khẩu của Mỹ. Vì vậy, khả năng cao là các biện pháp phòng vệ thương mại như chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ và các biện pháp ngăn chặn lẩn tránh phòng vệ thương mại sẽ được áp dụng nhiều hơn.
Việt Nam có lợi thế so sánh rất lớn với Mỹ ở các mặt hàng chủ lực như thủy sản, dệt may, đồ gỗ và điện tử. Tác động từ việc đẩy mạnh xuất khẩu những mặt hàng này có thể vượt ra ngoài kỳ vọng của Việt Nam, giúp các sản phẩm này thâm nhập sâu hơn vào thị trường Mỹ. Tuy nhiên, do chưa được công nhận là nền kinh tế thị trường, Việt Nam vẫn có nguy cơ bị cáo buộc bán phá giá nếu không có những cơ chế và biện pháp điều chỉnh phù hợp.
PV: Với việc ông Donald Trump tiếp tục chủ trương giảm phụ thuộc vào Trung Quốc trong chuỗi cung ứng toàn cầu, ông nhận định Việt Nam nên làm gì để tận dụng tối đa cơ hội này, đặc biệt là khi các doanh nghiệp Mỹ có thể mở rộng sản xuất tại Việt Nam, giúp Việt Nam nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu?
PGS.TS Nguyễn Thường Lạng: Chủ trương này của ông Donald Trump gắn liền với chiến lược cạnh tranh Mỹ - Trung. Để giảm phụ thuộc vào Trung Quốc, với khoảng 600 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu mỗi năm từ quốc gia này, Mỹ cần đa dạng hóa thị trường và xây dựng các chuỗi cung ứng thay thế nhằm giảm thiểu sự phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc, đồng thời duy trì vai trò lãnh đạo toàn cầu. Trong bối cảnh đó, Mỹ sẽ tìm kiếm các thị trường mới và xây dựng các chuỗi cung ứng thay thế. Việt Nam, với quan hệ đối tác chiến lược toàn diện cùng Hoa Kỳ từ năm 2023, cần củng cố mối quan hệ này một cách thực chất và hiệu quả, đồng thời chủ động kết nối vào chuỗi cung ứng của Mỹ hoặc xây dựng chuỗi cung ứng mới.
Việt Nam có thể nghiên cứu kỹ lưỡng chiến lược làm chủ chuỗi cung ứng của Mỹ để tham gia ở các khâu phù hợp, tùy theo từng loại sản phẩm, công nghệ hoặc dịch vụ. Đặc biệt, hai nước nên chú trọng hợp tác trong các dự án công nghệ cao, chế tạo sản phẩm tinh xảo như công nghiệp hàng không - vũ trụ, y tế, thiết bị tự động, bán dẫn, năng lượng tái tạo và năng lượng xanh. Việt Nam cần tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư của doanh nghiệp Mỹ vào các lĩnh vực này, ưu tiên tổ chức các liên doanh mà hai bên cùng có lợi và phù hợp với năng lực cũng như chiến lược dài hạn của cả hai quốc gia.
Vì vậy, cần có một chiến lược phát triển chuỗi cung ứng chung, đồng bộ, hiệu quả và bền vững, đảm bảo lợi ích đôi bên và cùng phát triển. Sự kết nối giữa doanh nghiệp hai nước, thậm chí là xây dựng mạng lưới liên kết, sẽ là nền tảng để hình thành chuỗi cung ứng mới, đóng vai trò quan trọng cho Việt Nam trên bản đồ chuỗi giá trị toàn cầu.
PV: Nếu ông Donald Trump áp thuế cao lên hàng hóa từ Trung Quốc và một số quốc gia khác, ông đánh giá tác động của chính sách này đến Việt Nam sẽ như thế nào? Đồng thời, liệu Việt Nam có thể thu hút dòng vốn FDI dịch chuyển khỏi Trung Quốc trong bối cảnh này không, và những ngành nào của Việt Nam sẽ hưởng lợi nhiều nhất?
PGS.TS Nguyễn Thường Lạng: Như đã trao đổi, chính sách áp thuế của ông Trump lên hàng xuất khẩu từ Trung Quốc không chỉ là vấn đề thương mại mà còn mang tính kinh tế - chính trị lâu dài. Nếu ông Trump áp thuế cao đối với hàng hóa từ nhiều quốc gia khác, Việt Nam sẽ có thêm cơ hội mở rộng xuất khẩu các mặt hàng chủ lực như dệt may, thủy sản, gỗ và điện tử. Lợi nhuận từ việc tăng trưởng xuất khẩu sang Mỹ có thể thu hút dòng vốn FDI mạnh mẽ, trong đó có cả dòng vốn từ Trung Quốc, để sản xuất và xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ.
Trung Quốc có thế mạnh trong sản xuất các thiết bị năng lượng tái tạo như pin mặt trời, tua-bin gió, thiết bị đường cao tốc, tàu thủy, thép và ô tô điện. Khi đối mặt với rào cản thuế, các doanh nghiệp Trung Quốc có thể chuyển hướng đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực này. Ngoài ra, đầu tư vào sản xuất linh kiện điện tử và nguyên phụ liệu ngành dệt may cũng có xu hướng gia tăng để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. Ngành luyện kim, đặc biệt là thép, cũng sẽ có triển vọng thu hút vốn đầu tư từ xu hướng này.
Đây là cơ hội để Việt Nam chọn lọc những nhà đầu tư có chất lượng cao, chi phí thấp và đáng tin cậy nhất. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam học hỏi, hợp tác và gia tăng năng lực cạnh tranh trong các ngành trên. Có thể nói, đây là thời điểm để Việt Nam nâng cao vị thế quốc gia, tạo động lực mạnh mẽ cho quá trình phát triển, hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và trở thành nước công nghiệp với thu nhập cao vào năm 2045.
PV: Trong bối cảnh toàn cầu đầy biến động, đặc biệt sau đại dịch COVID-19 và căng thẳng địa chính trị, ông đánh giá như thế nào về tầm quan trọng của việc Việt Nam đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và chuỗi cung ứng? Liệu kết quả cuộc bầu cử Mỹ có thể thúc đẩy hay cản trở chiến lược này của Việt Nam?
PGS.TS Nguyễn Thường Lạng: Gần 40 năm đổi mới đã chứng minh rằng chiến lược đa dạng hóa thị trường của Việt Nam là hướng đi đúng đắn, thể hiện tinh thần chủ động, tích cực trong hội nhập. Thậm chí, có thể khẳng định đây là chiến lược tối ưu. Qua nhiều biến động toàn cầu như sự sụp đổ của hệ thống xã hội chủ nghĩa vào năm 1991, khủng hoảng tài chính - tiền tệ châu Á năm 1997, khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và đại dịch COVID-19, Việt Nam đã tích lũy được kinh nghiệm để ứng phó hiệu quả và tự tin vượt qua khó khăn. Chính chiến lược đa dạng hóa đã giúp giảm thiểu đáng kể rủi ro từ biến động thị trường quốc tế đối với xuất - nhập khẩu của Việt Nam.
Việt Nam hiện đã ký và thực hiện 16 hiệp định thương mại tự do, từ đó đẩy mạnh mức độ đa dạng hóa thị trường. Bên cạnh các thị trường truyền thống, nhiều thị trường mới như Trung Đông và châu Phi đang được mở rộng, đồng thời các thị trường hiện có cũng đang được phát triển sâu hơn.
Với quan hệ đối tác chiến lược toàn diện cùng Hoa Kỳ, cùng chính sách đối ngoại “cây tre Việt Nam” mềm mỏng, linh hoạt và uyển chuyển, Việt Nam có thể giảm thiểu hoặc vượt qua những khúc mắc có thể xảy ra. Có thể nói, Việt Nam đang đứng trước cơ hội nâng cấp mức độ đa dạng hóa thị trường lên một tầm cao mới, với quy mô lớn hơn, giá trị cao hơn và chất lượng tốt hơn.
PV: Cuối cùng, ông có lời khuyên nào cho các doanh nghiệp Việt Nam trong việc chuẩn bị và thích ứng với những thay đổi chính sách thương mại của Mỹ sau cuộc bầu cử, đặc biệt là về nâng cao chất lượng sản phẩm, tuân thủ tiêu chuẩn quốc tế và tận dụng các cơ hội thị trường?
PGS.TS Nguyễn Thường Lạng: Nhiệm kỳ của ông Donald Trump gắn liền với kỷ nguyên phát triển và vươn mình của Việt Nam, khi đất nước đang nỗ lực để trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và tiến tới trở thành nước công nghiệp phát triển với thu nhập cao vào năm 2045. Trong bối cảnh đó, sứ mệnh của các doanh nghiệp Việt Nam cần được định hướng theo tầm nhìn mới này.
Doanh nghiệp cần đầu tư đổi mới mô hình kinh doanh, nâng cao khả năng thích ứng và đổi mới sáng tạo, tăng cường tuân thủ các quy định pháp luật, đồng thời đẩy mạnh sự hợp tác và thân thiện với đối tác Mỹ. Đặc biệt, cần có chiến lược mở rộng kết nối và đầu tư với Hoa Kỳ trên các lĩnh vực mà cả hai bên có thế mạnh, tập trung vào các tiêu chuẩn chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển bền vững và kinh doanh có trách nhiệm với phát thải ròng bằng 0.
Các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động xây dựng cơ chế cảnh báo sớm và tích cực để ứng phó với các biện pháp bảo hộ thương mại của Mỹ, đồng thời phát triển chiến lược thâm nhập sâu hơn vào thị trường Hoa Kỳ khi có sự ngăn cản hàng hóa từ các đối tác khác. Việc liên doanh, hợp tác với các đối tác Mỹ chịu tác động trực tiếp từ chính sách bảo hộ sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam học hỏi công nghệ, tiếp cận mô hình kinh doanh mới và thích nghi hiệu quả với hàng rào bảo hộ dưới mọi hình thức.
Bên cạnh đó, các biện pháp kỹ thuật thương mại, tiêu chuẩn vệ sinh, và quy định đầu tư bền vững ngày càng được chú trọng. Các doanh nghiệp cần coi đây là khung tham chiếu chiến lược khi mở rộng hợp tác với Hoa Kỳ. Việc đổi mới mô hình kinh doanh, chú trọng khởi nghiệp sáng tạo, nhất là trong lĩnh vực công nghệ, sẽ giúp thu hút vốn đầu tư từ các quỹ Mỹ. Đồng thời, doanh nghiệp cũng cần nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển thương hiệu mạnh, đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, tận dụng các biện pháp hỗ trợ từ đối tác để mở rộng quy mô, xây dựng đội ngũ doanh nghiệp lớn mạnh, góp phần đưa doanh nhân Việt Nam sánh vai với các doanh nghiệp hàng đầu của Hoa Kỳ.
Chúng tôi xin chân thành cảm ơn PGS.TS Nguyễn Thường Lạng đã dành thời gian chia sẻ những phân tích sâu sắc và giá trị cho độc giả!
>> AFA Capital: Ai sẽ đưa nền kinh tế Mỹ tăng trưởng vượt bậc, bà Harris hay ông Trump?