Xã hội

Phá vỡ khuôn mẫu: Vì sao chúng ta luôn lặp lại những khuôn mẫu thời thơ ấu?

Thái Hà 21/10/2024 09:37

Những tổn thương từ quá khứ, dù là việc bị bỏ bê, lạm dụng hay chịu đựng những nỗi đau của cha mẹ... có thể âm thầm tạo nên những khuôn mẫu tâm lý ảnh hưởng đến cách hành xử của chúng ta trong hiện tại.

Khi nhắc đến "vết thương", nhiều người nghĩ ngay đến những tổn thương thể chất có thể nhìn thấy, chạm vào. Nhưng những vết thương cảm xúc - được hình thành khi trải qua các biến cố đau đớn - lại tồn tại trên phương diện tâm lý và khó chữa lành nếu không được giải quyết. Không để lại dấu vết bên ngoài, nhưng những vết thương này lại có thể quay trở lại, gây ảnh hưởng sâu sắc và lâu dài đến cuộc sống.

Theo Vienna Pharaon - một nhà trị liệu hôn nhân và gia đình, hầu hết mọi người đều mang trong mình một hoặc nhiều vết thương cội nguồn từ thời thơ ấu. Những vết thương này có thể xuất hiện từ thời niên thiếu, hay thậm chí ở giai đoạn trưởng thành. Và chúng ảnh hưởng đến cách chúng ta hành xử, giao tiếp trong các mối quan hệ hiện tại.

Phá vỡ khuôn mẫu: Vì sao chúng ta luôn lặp lại những khuôn mẫu thời thơ ấu? - ảnh 1
Cuốn sách "Phá vỡ khuôn mẫu" của Vienna Pharaon

Trong cuốn sách "Phá vỡ khuôn mẫu" (The Origins of You), tác giả Vienna Pharaon sẽ dẫn dắt bạn đọc khám phá sâu hơn về những vết thương này, từ nguyên nhân hình thành đến cách chúng ảnh hưởng đến cuộc sống hiện tại và cả những thế hệ sau.

Những vết thương cội nguồn

Hành trình chữa lành bắt đầu bằng việc quay trở lại quá khứ, để hiểu rõ hơn về gia đình và môi trường mà chúng ta lớn lên. Gia đình cội nguồn là nơi hình thành những niềm tin, giá trị và căn tính đầu tiên của mỗi người, cũng là nơi ảnh hưởng sâu sắc đến cách chúng ta liên hệ với bản thân, với người khác và với thế giới xung quanh.

Mỗi gia đình đều có những câu chuyện riêng. Dù gia đình bạn có vẻ ổn định hay thường xuyên gặp khó khăn, không có gia đình nào là hoàn hảo. Những câu chuyện cội nguồn này có thể trở thành rào cản, ngăn bạn tiến bước và tạo ra những khuôn mẫu tâm lý lặp lại. Pharaon giải thích rằng, khi đối diện với những tổn thương trong quá khứ, chúng ta có hai cách phản ứng: tiếp tục duy trì vai trò mà chúng ta đã quen thuộc hoặc phản ứng ngược lại. Cả hai cách này đều ảnh hưởng đến cách chúng ta xử lý cảm xúc và hành xử trong các mối quan hệ.

Phá vỡ khuôn mẫu: Vì sao chúng ta luôn lặp lại những khuôn mẫu thời thơ ấu? - ảnh 2
Theo tác giả, hành trình chữa lành không phải là để chỉ trích hay phán xét bất kỳ ai trong quá khứ

Trong "Phá vỡ khuôn mẫu", Pharaon chỉ ra năm vết thương cội nguồn phổ biến nhất: vết thương xứng đáng, vết thương thuộc về, vết thương ưu tiên, vết thương tin tưởng và vết thương an toàn. Để bắt đầu quá trình chữa lành, việc xác định và nhận diện rõ những vết thương này là bước đầu tiên và quan trọng nhất.

Pharaon cũng nhấn mạnh rằng hành trình chữa lành không phải là để chỉ trích hay phán xét bất kỳ ai trong quá khứ, bởi có thể chính những người lớn trong gia đình bạn cũng mang trong mình những vết thương chưa được chữa lành.

Hành trình chữa lành tận gốc

Việc xác định vết thương cội nguồn chỉ là bước khởi đầu. Để thực sự vượt qua tổn thương, bạn cần áp dụng phương pháp Chữa lành tận gốc. Phương pháp này bao gồm bốn bước: nhận diện vết thương, xác định bằng chứng về nó, đối diện với nỗi tiếc thương và thực hiện những thay đổi lâu dài để phá vỡ khuôn mẫu lặp lại trong các mối quan hệ.

Vienna Pharaon chia sẻ: “Cuộc sống của bạn không tìm cách trừng phạt bạn. Nó chỉ muốn được chữa lành. Vết thương của bạn cũng không muốn làm hại bạn; chúng đang níu lấy bạn vì bạn xứng đáng được giải thoát. Hành trình tìm lại chính mình và làm chủ cuộc sống là một hành trình dài, một quá trình đang diễn ra. Nhưng khi nhận ra ảnh hưởng của vết thương cội nguồn và nỗ lực giảm bớt tác động của chúng lên hành vi hôm nay, bạn có thể bắt đầu hành trình chữa lành cần thiết”.

Phá vỡ khuôn mẫu: Vì sao chúng ta luôn lặp lại những khuôn mẫu thời thơ ấu? - ảnh 3
Tác giả Vienna Pharaon. Ảnh: Earwolf

Trong sách, Pharaon không chỉ giải thích lý thuyết mà còn chia sẻ nhiều câu chuyện thực tế từ những người từng trị liệu với cô. Đó là Isabel - người phụ nữ luôn khao khát được ưu tiên do bị cha mẹ bỏ bê, hay Neil - chàng trai đồng tính luôn cảm thấy mình không thuộc về gia đình. Những câu chuyện này giúp chúng ta nhận ra rằng, tổn thương cội nguồn có thể xuất hiện dưới nhiều hình thức khác nhau và ai cũng cần sự chữa lành.

"Phá vỡ khuôn mẫu" của Vienna Pharaon không chỉ là một cuốn sách về tâm lý học mà còn là một hành trình khám phá và chữa lành. Thông qua việc tìm hiểu những tổn thương cội nguồn và học cách vượt qua chúng, mỗi người có thể mở ra một cuộc sống mới, tự do hơn, yêu thương hơn và chân thành hơn.

Về tác giả: Vienna Pharaon là một trong những nhà trị liệu hôn nhân và gia đình hàng đầu tại New York. Với nhiều năm kinh nghiệm, cô đã giúp hàng ngàn người vượt qua những tổn thương tâm lý và xây dựng các mối quan hệ lành mạnh. Cô xuất hiện trên nhiều nền tảng nổi tiếng như The Economist, Vice, Motherly và là diễn giả tại nhiều hội thảo lớn như Peloton, Netflix…

>> Chuyên gia tâm lý tiết lộ những dấu hiệu ngoại tình, cách chữa lành tổn thương

Trải nghiệm vịnh 'chữa lành' ẩn giấu giữa núi rừng Tây Bắc

Ông Hoàng Nam Tiến: GenZ là thế hệ bông tuyết, luôn tự cảm thấy mình bị tổn thương và lúc nào cũng cần phải chữa lành

Theo Thị trường Tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/kien-thuc/pha-vo-khuon-mau-vi-sao-chung-ta-luon-lap-lai-nhung-khuon-mau-thoi-tho-au-128654.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Phá vỡ khuôn mẫu: Vì sao chúng ta luôn lặp lại những khuôn mẫu thời thơ ấu?
    POWERED BY ONECMS & INTECH