Phan Thiết trước cuộc sáp nhập Lâm Đồng thành tỉnh rộng nhất Việt Nam
Không chỉ đạt được nhiều kết quả tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, thủ phủ của tỉnh Bình Thuận còn phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực du lịch, trở thành điểm đến hấp dẫn với doanh thu khoảng 16.000 tỷ đồng/năm.



Không chỉ đạt được nhiều kết quả tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, thủ phủ của tỉnh Bình Thuận, còn có sự phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực du lịch, trở thành điểm đến hấp dẫn với doanh thu khoảng 16 nghìn tỷ đồng/năm.

Phan Thiết là tỉnh lỵ, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa và khoa học kỹ thuật của tỉnh Bình Thuận, là đô thị duyên hải cực Nam Trung Bộ, thuộc khu vực Nam Trung Bộ. Theo quy hoạch phát triển đến năm 2025, nơi đây sẽ là đô thị cấp vùng Đông Nam Bộ.
Với diện tích tự nhiên 206,45km², bờ biển trải dài 57,40km, Phan Thiết mang một vẻ đẹp đầy quyến rũ, kết hợp hài hòa giữa thiên nhiên, văn hóa và nhịp sống ven biển đặc trưng. Không ồn ào, náo nhiệt như các thành phố lớn, sự thanh bình, tự nhiên và đậm chất địa phương lại là điểm khiến nhiều du khách mê mẩn nơi này.
Trong ảnh, sông Cà Ty giữa lòng thành phố là tài sản quý mà thiên nhiên ban tặng, tạo nên vẻ đẹp, sự hài hòa giữa thiên nhiên và con người.

Dù ngày càng phát triển, Phan Thiết vẫn giữ được vẻ bình dị, thân thiện. Những khu phố hiện đại, các khách sạn cao tầng nằm hòa quyện bên những mái nhà truyền thống, bến cá tấp nập và ngư dân cần mẫn, tạo nên một đô thị ven biển vừa năng động, vừa giàu bản sắc.

Khi vừa vào trung tâm thành phố, người dân và du khách dễ dàng gặp một trong những tuyến đường huyết mạch kết nối cây cầu Trần Hưng Đạo bắc qua sông Cà Ty. Xung quanh là các địa điểm quan trọng như chợ Phan Thiết, khu vực hành chính, bến tàu cá và các tuyến đường dẫn ra quốc lộ 1A.

Nhìn về phía bờ biển, kế bên cầu Trần Hưng Đạo là bến thuyền, nơi neo đậu tự phát của ngư dân vùng biển. Khu vực này có nhiều thuyền thúng, thuyền nhỏ, và tàu cá dập dềnh trên sông, đặc biệt vào các buổi sáng hoặc chiều. Ngư dân thường thả lưới ngay trên sông Cà Ty để đánh bắt tôm, cua, cá, ghẹ, hoặc câu tôm càng xanh.

Điểm nhấn của thành phố là cây cầu Lê Hồng Phong bắc qua sông Cà Ty. Cầu kết nối các tuyến đường chính như Trưng Trắc và Nguyễn Thị Minh Khai, tạo thành trục giao thông quan trọng trong nội đô. Cầu có nguồn gốc từ cây cầu Quan xưa kia, một phần của đường quan lộ cổ đi qua Phan Thiết. Tên gọi "cầu Quan" bắt nguồn từ việc cây cầu nằm trên tuyến đường quan trọng, nơi có cửa tấn và trạm quan báo trong thời kỳ phong kiến.

Nằm ngay gần đầu cầu Lê Hồng Phong là nhiều trụ sở cơ quan nhà nước, trong đó có văn phòng Tỉnh ủy Bình Thuận (số 4 đường Bà Triệu, phường Phú Trinh).

Ngay gần cây cầu biểu tượng là Trung tâm Hội nghị tỉnh Bình Thuận, tọa lạc tại số 4 đường Hải Thượng Lãn Ông. Nơi đây thường xuyên được lựa chọn làm địa điểm tổ chức các hội nghị quan trọng của tỉnh, như hội nghị tổng kết thực hiện các nghị quyết của Bộ Chính trị và các sự kiện chính trị - xã hội khác.

Chen giữa các tòa nhà này ở ngay bên bờ sông là tháp nước Phan Thiết (hay còn gọi là lầu nước), một công trình kiến trúc mang đậm dấu ấn lịch sử và văn hóa, được xem như biểu tượng của thành phố. Được khởi công xây dựng vào năm 1928 và hoàn thành năm 1934, công trình có sự kết hợp hài hòa giữa phong cách kiến trúc phương Tây và yếu tố văn hóa truyền thống Việt Nam.

Phan Thiết là một trong những đô thị ở phía Nam được quy hoạch bài bản. Trong đó, tuyến đường Lê Duẩn - trục giao thông quan trọng nối trung tâm thành phố, quốc lộ 1A với các khu vực ngoại ô và các huyện lân cận. Từ đây còn dẫn đến các địa điểm như Mũi Né, Hàm Tiến, hay hướng đi về Bàu Trắng, Bắc Bình, những khu vực nổi tiếng với du lịch sinh thái, biển và đồi cát.

Vòng xoay Tượng đài Chiến thắng nằm trên trục đường Lê Duẩn, Nguyễn Tất Thành giao với Trần Hưng Đạo thuộc khu vực phường Phú Trinh và Bình Hưng là một điểm nhấn ấn tượng ở cửa ngõ ra vào Phan Thiết. Công trình được xây dựng ngay sau giải phóng năm 1975 để kỷ niệm chiến thắng lịch sử và tinh thần đoàn kết của nhân dân Việt Nam.

Nằm trên đường Thủ Khoa Huân, gần trục huyết mạch Lê Duẩn là trụ sở Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Thuận. Công trình được đầu tư xây dựng mới nhằm đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa và nâng cao chất lượng hoạt động của lực lượng vũ trang địa phương. Trong đó khối nhà Sở chỉ huy gồm một tòa nhà 5 tầng, một tòa nhà 3 tầng và một khối nhà 11 gian.

Bên bờ biển, tượng đài Lý Thường Kiệt nằm ở giao lộ Lê Lợi - Mậu Thân, xung quanh là hàng loạt dự án nghỉ dưỡng phục vụ phát triển du lịch. Trong năm 2024, Phan Thiết đã ghi nhận sự phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực du lịch, trở thành điểm đến hấp dẫn cho cả du khách trong nước và quốc tế. Thành phố đã đón khoảng 6,8 triệu lượt khách, tăng 10% so với năm 2023. Doanh thu của ngành ước tính đạt khoảng 16.000 tỷ đồng.

Năm 2024, Phan Thiết còn đạt được nhiều kết quả tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển chung của tỉnh.
Năm 2025, Phan Thiết sẽ mở rộng thêm gần 94km², nâng tổng diện tích lên khoảng 305km². Dân số dự kiến tăng từ gần 260.000 người lên hơn 334.000 người, sau khi tiếp nhận một phần diện tích và dân số từ các huyện Hàm Thuận Bắc và Hàm Thuận Nam. Sau sáp nhập, số lượng đơn vị hành chính cấp xã của Phan Thiết sẽ giảm từ 18 xuống còn 15, bao gồm 11 phường và 4 xã.
Ngày 12/4/2025, Ban chấp hành Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết số 60-NQ/TW Hội nghị Trung ương 11 khóa XIII đã đồng ý chủ trương tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp: Cấp tỉnh (tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương), cấp xã (xã, phường, đặc khu). Theo tinh thần Nghị quyết 60, 3 tỉnh Bình Thuận, Lâm Đồng, Đắk Nông sẽ sáp nhập thành một tỉnh, dự kiến lấy tên là tỉnh Lâm Đồng với trung tâm hành chính - chính trị của tỉnh mới tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.
Tỉnh Lâm Đồng sau khi sáp nhập sẽ là tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước với 24.233,1km²; Quy mô dân số khoảng: 3.324.400 người. Việc sáp nhập 3 tỉnh thành, tỉnh Lâm Đồng (mới) mở ra cơ hội phát triển đột phá, bền vững trên mọi mặt kinh tế – xã hội, nâng cao chất lượng đời sống và khẳng định vị thế chiến lược của vùng Nam Trung bộ - Tây Nguyên.