Mặc dù đã được chế tạo cách đây 2.500 năm nhưng cấu trúc và vẻ ngoài của nó phức tạp đến mức công nghệ hiện đại không thể ‘làm nhá.
Hai chiếc tủ lạnh độc đáo này đã được tìm thấy vào năm 1978 trong lăng mộ của Tăng Hầu Ất - một vị vua chư hầu của nhà Chu thời Chiến Quốc. Vị trí phát hiện chiếc tủ lạnh cách thành phố Tùy Châu, tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc) khoảng 2km về phía Tây Bắc.
Đây được xác định là hai trong số 15.404 cổ vật bao gồm nhiều đồ đồng, vàng, ngọc, đồ gốm, gỗ sơn mài... được khai quật từ khu vực an táng của Tăng Hầu Ất. Chiếc tủ lạnh cổ có hình vuông với kích thước chiều dài và rộng khoảng 63cm, chiều cao của chiếc tủ khoản 63.2cm, toàn bộ được chế tạo bằng đồng với khối lượng khoảng 170kg.
Tại thời điểm được chế tạo, chiếc tủ lạnh cổ được gọi với tên là băng giám. Trong sách "Chu Lễ" cũng từng nhắc đến một đồ vật dùng để đựng thức ăn gọi là băng giám. Vật dụng này được mô tả giống như một chiếc hộp lớn, bên trong trống rỗng, chuyên được sử dụng để đựng thức ăn, giữ cho thức ăn tươi ngon và không bị ôi thiu trong một khoảng thời gian.
Ngay tại thời điểm được phát hiện, cuộc nghiên cứu về ‘chiếc hộp đồng’ đặc biệt này đã được thực hiện, theo các chuyên gia, chiếc băng giám được tìm thấy trong lăng mộ của Tăng Hầu Ất có 2 phần chính. Cụ thể, phần bên trong của chiếc hộp được gọi là giám, là vị trí để chứa đồ ăn, rượu và nước. Phần còn lại được gọi là phẫu, trông như bộ phận trung gian ở bên trong nhưng được đặt cố định và không chạm đáy.
Giữa giám và phẫu có một khoảng hở lớn, Nhiều chuyên gia cho rằng đây chính là nơi để trữ đá lạnh, băng vào mùa hè còn mùa đông để lưu trữ nước nóng. Người xưa có thể cho rượu, đồ ăn hoặc trái cây đặt vào trong phẫu. Bằng cách này, đồ ăn có thể được hâm nóng, trái cây có thể được ướp lạnh…
Sự tối ưu của chiếc băng giám đem lại đã khiến cho vật dụng này trở nên phổ biến hơn vào thời minh. Tuy nhiên, vật liệu để sản xuất băng giám đã có sự thay đổi khi được chế tạo gỗ sưa hoặc gỗ lim thay vì đồng thau như trước, vì thế trọng lượng của nó nhẹ hơn rất nhiều.
Vách tường trong của băng giám được tráng một lớp thiếc, ở dưới đáy có một cái lỗ nhỏ. Hai nắp ở trên, một nắp cố định, một nắp có thể đi động, đặt băng vào bên trong để giữ lạnh. Do có lớp thiếc bảo vệ bên ngoài nên khi đá tan ra, nước không thể ngấm qua gỗ, khi muốn xả nước chỉ cần mở cái lỗ ở bên dưới băng giám ra.
Nhìn chung, chiếc tủ đặc biệt này có một số chức năng tương tự với một chiếc tủ lạnh hiện đại. Tuy nhiên, công nghệ sản xuất hiện nay vẫn chưa thể tìm được giải pháp để tạo ra một chiếc băng giám giống với bản gốc.
Cũng theo các chuyên gia nghiên cứu, chiếc băng giám đồng này được chế tác hoàn toàn thủ công theo hướng tinh xảo và phức tạp với họa tiết hoa văn cầu kỳ nên rất khó để làm giả. Mặt khác, cách đây 2.500 năm, không phải gia đình nào cũng có điều kiện sử dụng bảo vật hiếm có này. Đây là bảo vật có nhiều ưu điểm vượt trội khi vừa có thể phát huy công dụng trong cả mùa đông và mùa hè.
Với các chức năng tương đương nhưng ra đời sớm hơn chiếc tủ lạnh 2.000 năm, sản phẩm này không chỉ được xác định là cổ vật quý mà còn chứng minh cho tài năng và óc sáng tạo vượt bậc của người Trung Quốc.
Hai chiếc băng giám được khai quật từ lăng mộ Tăng Hầu Ất đã được công nhận là Bảo vật Quốc gia. Một cái đang được lưu giữ và trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Hồ Bắc, một cái nằm ở Bảo tàng Quốc gia Trung Quốc.
Không chỉ có băng giám, người Trung Quốc trong quá khứ còn chế tạo rất nhiều vật dụng để chống lại cái nóng trong mùa hè như trường kỷ mây tre, trúc phu nhân (gối ôm bằng tre rỗng), quạt hương bồ...