Xã hội

Phát hiện đài quan sát thiên văn 2.500 tuổi ‘ngủ vùi’ dưới cát, rộng gần 900m2

Anh Khoa 03/01/2025 10:00

Nơi này có vai trò kép trong cả nghiên cứu khoa học và thực hành tâm linh.

Theo Live Science, các nhà khảo cổ đã xác định được đài quan sát thiên văn cổ đại đầu tiên của Ai Cập, được mô tả là "đầu tiên và lớn nhất" thuộc loại này. Một nhóm nhà khảo cổ Ai Cập đã phát hiện phần còn lại của công trình từ thế kỷ thứ VI trước Công nguyên trong quá trình khai quật tại một địa điểm khảo cổ thuộc thành phố cổ Buto, nay được gọi là Tell Al-Faraeen, nằm ở tỉnh Kafr El-Sheikh của Ai Cập. Đài quan sát thiên văn này đã "ngủ" dưới cát ở Hạ Ai Cập trong 2.500 năm qua.

 Phát hiện đài quan sát thiên văn 2.500 tuổi ‘ngủ vùi’ dưới cát, rộng gần 900m2 - ảnh 1
Tổng quan về khu vực khai quật tại Tell El-Faraeen, nơi các nhà khảo cổ đã phát hiện ra đài quan sát cổ đại đầu tiên của người Ai Cập. Ảnh: Courtesy of the Egyptian Ministry of Tourism and Antiquities

"Mọi thứ chúng tôi tìm thấy đã vượt xa những kỳ vọng ban đầu", Hossam Ghonim, Giám đốc Sở Cổ vật Kafr El-Sheikh và trưởng đoàn khảo cổ Ai Cập chia sẻ với Live Science. Nhóm khảo cổ đã phát hiện tàn tích của một tòa nhà hình chữ L bằng gạch bùn, rộng hơn 850m2. Lối vào của tòa nhà quay về hướng Đông, được đánh dấu bởi một cổng vào gọi là "pylon", dẫn đến vị trí nơi ánh sáng mặt trời chiếu sáng khu vực mà người quan sát bầu trời, được gọi là "smn pe" (thường là một vị tư tế) đứng để theo dõi Mặt Trời và các vì sao.

 Phát hiện đài quan sát thiên văn 2.500 tuổi ‘ngủ vùi’ dưới cát, rộng gần 900m2 - ảnh 2
dai-quan-sat-thien-van-3.png
Các bản chạm khắc đá và công cụ từ đài quan sát được sử dụng cho mục đích thiên văn và nghi lễ.. Ảnh: Courtesy of the Egyptian Ministry of Tourism and Antiquities

Công trình này vẫn còn một hình chạm khắc của smn pe đối diện với mặt trời mọc. Hình ảnh này tượng trưng cho mối liên kết sâu sắc giữa người Ai Cập cổ đại và vũ trụ. Ban đầu, nhóm nghiên cứu cho rằng họ đã tìm thấy một ngôi đền.

Tuy nhiên, khi cuộc khai quật tiếp tục, họ phát hiện ra các hiện vật và những biểu tượng khắc như Chen, Cenet và Benu, liên quan đến thời gian và thiên văn học. Nhưng chính sự xuất hiện của một chiếc đồng hồ mặt trời khổng lồ, cùng với nhiều hiện vật và cấu trúc của tòa nhà đã khiến các nhà nghiên cứu đi đến kết luận rằng đây là một đài quan sát thiên văn.

 Phát hiện đài quan sát thiên văn 2.500 tuổi ‘ngủ vùi’ dưới cát, rộng gần 900m2 - ảnh 4
Các bức tượng bằng đá granite, bao gồm một tượng khắc họa thần Osiris cho thấy tầm quan trọng về mặt tâm linh của địa điểm này. Ảnh: Courtesy of the Egyptian Ministry of Tourism and Antiquities

Những phát hiện này làm sáng tỏ các kỹ thuật thiên văn mà người Ai Cập cổ đại đã sử dụng để xác định lịch và các ngày lễ tôn giáo hoặc các sự kiện như lễ đăng quang của các vị vua và các giai đoạn trong năm nông nghiệp. Bên trong sảnh lớn, các nhà khảo cổ đã tìm thấy một tấm đá có khắc các hình ảnh mô tả quan sát thiên văn về Mặt Trời mọc và lặn qua 3 mùa.

 Phát hiện đài quan sát thiên văn 2.500 tuổi ‘ngủ vùi’ dưới cát, rộng gần 900m2 - ảnh 5
Mặt nạ và tượng bằng đất nung được tìm thấy trong quá trình khai quật. Ảnh: Courtesy of the Egyptian Ministry of Tourism and Antiquities

"Người Ai Cập cổ đại hình dung Trái Đất và bầu trời như hai tấm thảm", ông Ghonim giải thích. "Họ đã vẽ bản đồ bầu trời trên 'Themet Hrt' - tấm thảm bầu trời và 'Themet Ghrt' - tấm thảm Trái Đất, đại diện cho lịch của họ, đánh dấu các sự kiện như lũ lụt sông Nile và mùa thu hoạch. Đây là tấm thảm đá có khắc chữ đầu tiên thuộc loại này từng được phát hiện".

 Phát hiện đài quan sát thiên văn 2.500 tuổi ‘ngủ vùi’ dưới cát, rộng gần 900m2 - ảnh 6
Các đồng xu cổ và hiện vật tại địa điểm đài quan sát Buto ở Ai Cập. Ảnh: Courtesy of the Egyptian Ministry of Tourism and Antiquities

Bên trong đài quan sát, các nhà khảo cổ đã phát hiện một bức tượng bằng đá granite xám của Vua Psamtik I thuộc thời kỳ Saite cùng với một bức tượng đồng của thần Osiris, vị thần liên quan đến thế giới bên kia và sự tái sinh, đi kèm với hình ảnh một con rắn, biểu tượng của nữ thần Wadjet.

Những hiện vật cùng với nhiều món đồ gốm được sử dụng trong các nghi lễ tôn giáo đã giúp xác định niên đại của đài quan sát vào thế kỷ thứ VI trước Công nguyên, đồng thời nhấn mạnh vai trò kép của nơi này trong cả nghiên cứu khoa học và thực hành tâm linh.

>> Phát hiện thủ đô cổ 2.700 tuổi nằm sâu dưới lòng đất, chứa cả biệt thự 127 phòng, gấp đôi kích thước Nhà Trắng

Phát hiện ngôi đền cổ hơn 2.000 năm tuổi nằm ẩn trong vách đá

Nhóm khảo cổ bất ngờ phát hiện chiến trường cổ đại hơn 2.300 năm trước, là nơi diễn ra trận chiến khốc liệt của Alexander Đại đế

Theo Thị trường tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/kien-thuc/phat-hien-dai-quan-sat-thien-van-2500-tuoi-ngu-vui-duoi-cat-rong-gan-900m2-133853.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Phát hiện đài quan sát thiên văn 2.500 tuổi ‘ngủ vùi’ dưới cát, rộng gần 900m2
    POWERED BY ONECMS & INTECH