Bộ Quốc phòng phản hồi việc xem xét tạm hoãn nghĩa vụ quân sự đối với công dân vừa tốt nghiệp THPT
Kiến nghị của cử tri xuất phát từ việc có nhiều thanh niên có nguyện vọng đi làm việc ở nước ngoài hoặc tham gia sản xuất, kinh doanh trong nước sau khi tốt nghiệp THPT.
Theo thông tin từ Cổng thông tin điện tử Bộ Quốc phòng, cơ quan này đã tiếp nhận kiến nghị của cử tri tỉnh Quảng Bình (nay là tỉnh Quảng Trị) liên quan đến chương trình Giáo dục quốc phòng và an ninh hiện đang được triển khai bắt buộc đối với sinh viên các bậc Cao đẳng, Đại học theo quy định pháp luật hiện hành. Cử tri đề xuất nghiên cứu chuyển đổi hình thức giảng dạy môn học này thành một khóa huấn luyện quốc phòng, an ninh tương tự như chương trình huấn luyện nghĩa vụ quân sự, nhưng với thời gian rút gọn trong khoảng từ 9 tháng đến 1 năm. Mục tiêu là giúp sinh viên sau tốt nghiệp không còn phải thực hiện nghĩa vụ quân sự.
Cùng với kiến nghị đó, cử tri cũng đề xuất xem xét khả năng tạm hoãn nghĩa vụ quân sự đối với những công dân vừa tốt nghiệp THPT, nếu họ có nguyện vọng đi làm việc ở nước ngoài hoặc tham gia sản xuất, kinh doanh trong nước. Tuy nhiên, điều kiện kèm theo là phải có cam kết thực hiện nghĩa vụ quân sự trước khi bước sang tuổi 25, đồng thời đề nghị ban hành chế tài cụ thể, trong đó bao gồm cả các mức xử phạt nghiêm khắc đối với hành vi vi phạm hoặc cố tình né tránh nghĩa vụ quân sự.

Trả lời về những đề xuất này, Bộ Quốc phòng nhấn mạnh rằng mục tiêu của môn Giáo dục quốc phòng và an ninh dành cho sinh viên đã được nêu rõ tại khoản 2, điều 12 Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh năm 2013. Theo đó, chương trình nhằm trang bị cho người học những kiến thức nền tảng về quan điểm, chính sách và pháp luật của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh; góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, củng cố thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, đồng thời nâng cao hiểu biết về phòng thủ dân sự, kỹ năng quân sự để sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.
Về chính sách tạm hoãn hoặc miễn nghĩa vụ quân sự, Bộ Quốc phòng viện dẫn quy định tại điều 45 Hiến pháp năm 2013, điều 4 và điều 41 của Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015. Theo đó, không có quy định cho phép tạm hoãn nghĩa vụ quân sự đối với công dân sau tốt nghiệp THPT nếu họ đi lao động ở nước ngoài hoặc tham gia các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước.
Bộ Quốc phòng khẳng định, hệ thống pháp luật hiện hành đã có quy định đầy đủ, rõ ràng về việc thực hiện, tạm hoãn và miễn nghĩa vụ quân sự, cũng như các chế tài xử lý đối với hành vi trốn tránh nghĩa vụ. Những quy định này đang bảo đảm tính công bằng xã hội, đồng thời thuận lợi trong công tác tuyển chọn và quản lý công dân nhập ngũ.
Cơ quan này cũng cho biết, trung bình trên toàn quốc, tỷ lệ công dân được tạm hoãn nghĩa vụ quân sự chiếm hơn 55%, riêng tại tỉnh Quảng Bình (trước khi chia tách) con số này lên tới 64% so với tổng số thanh niên trong độ tuổi nhập ngũ. Do vậy, nếu mở rộng thêm đối tượng được tạm hoãn như kiến nghị nêu trên sẽ không phù hợp với thực tiễn, vì điều này có thể làm giảm nguồn tuyển chọn hằng năm, gây khó khăn cho công tác gọi nhập ngũ.

Thêm vào đó, việc mở rộng diện tạm hoãn còn có thể dẫn đến phát sinh thêm thủ tục hành chính, tạo kẽ hở để một số đối tượng lợi dụng trốn tránh nghĩa vụ quân sự, dễ dẫn đến tiêu cực trong quá trình thực hiện và gây ra sự bất bình đẳng trong xã hội.
Trên cơ sở phân tích các quy định pháp luật và thực tế hiện nay, Bộ Quốc phòng cho rằng việc chuyển đổi môn học Giáo dục quốc phòng và an ninh thành khóa huấn luyện tương tự nghĩa vụ quân sự là không phù hợp.
Ảnh: Internet
>> Bộ Quốc phòng trả lời về việc dùng hình xăm để trốn tránh nghĩa vụ quân sự
Bộ Quốc phòng Việt Nam mời quân đội Nga, Trung Quốc tham gia diễu binh kỷ niệm Quốc khánh 2/9
Bộ Quốc phòng: Không gọi nhập ngũ công dân bị cận trên mức độ này