Các công ty chứng khoán vừa đưa ra báo cáo phân tích đối với một số cổ phiếu tâm điểm cho phiên giao dịch 19/7/2021, Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam xin trích dẫn để bạn đọc tham khảo.
FSC kỳ vọng CTCP Xây lắp Điện I (HOSE - Mã: PC1) sẽ ghi nhận lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ khoảng 124 tỷ đồng, không thay đổi nhiều so với cùng kỳ năm ngoái mặc dù doanh thu tăng 89% YoY, đạt 2,2 nghìn tỷ đồng. Lợi nhuận tăng chậm hơn doanh thu do FSC kỳ vọng biên lợi nhuận gộp quý 2/2021 sẽ giảm xuống còn 12,1%, từ mức 14,5% trong quý 2/2020, vì doanh thu xây lắp điện có biên lợi nhuận thấp tăng 220% YoY, đạt 1,4 nghìn tỷ đồng (chiếm ~65% tổng doanh thu theo quý).
Doanh thu bán điện được kỳ vọng sẽ tăng trưởng tốt ở mức 24% YoY, đạt 230 tỷ đồng, nhờ vào sự đóng góp của ba nhà máy thủy điện mới đã được đưa vào hoạt động hồi nửa cuối năm 2020. Doanh thu bán điện tăng vọt nhưng doanh thu bất động sản giảm 96% do đã hoàn thành dự án mới nhất – Chung cư Thanh Xuân vào năm ngoái.
Các chất xúc tác tích cực trong ngắn hạn bao gồm 1) ba nhà máy điện gió với tổng công suất là 144MW dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong tháng 8 – tháng 10, và 2) doanh thu xây lắp điện kỳ vọng sẽ tăng 48%YoY, phần lớn đến từ mảng xây lắp điện gió.
Như đã thảo luận trong bài báo cáo cập nhật trước đó, dự báo doanh thu năm 2021E của FSC là 8,0 nghìn tỷ đồng, tăng +20% YoY. Tuy nhiên, FSC kỳ vọng LNST CĐCT mẹ sẽ tăng nhẹ 4% YoY, lên mức 448 tỷ đồng, cao hơn 4% so với kế hoạch của công ty. Phần lớn là do FSC kỳ vọng biên lợi nhuận gộp năm 2021E sẽ giảm xuống còn 15,5% trong năm 2021 (giảm 1,8 điểm phần trăm YoY), vì mảng xây lắp với biên lợi nhuận thấp tăng trưởng mạnh mẽ.
FSC tiếp tục duy trì khuyến nghị MUA với giá mục tiêu 34.864 đồng. Cổ phiếu đã giảm 15% so với mức đỉnh được lập hồi tháng Ba, do tốc độ tăng trưởng lợi nhuận được kỳ vọng sẽ giảm trong quý 2/2021. Tuy nhiên, FSC kỳ vọng LNST CĐCT mẹ sẽ tăng trưởng mạnh vào năm 2022 (+26% YoY) và 2023 (+29% YoY) nhờ vào sự đóng góp lần lượt từ doanh thu bán điện gió và các dự án bất động sản mới.
Rủi ro ngắn hạn đối với ước tính của FSC: Hoạt động xây lắp điện có thể bị trì trệ do làn sóng Covid-19 lần thứ 4 vẫn đang tiếp diễn. Trong trung hạn, PC1 có thể phải đối mặt với nguy cơ cung vượt cầu do công suất năng lượng tái tạo của toàn ngành trong những năm gần đây đang mở rộng quá mức, được khuyến khích bởi các chính sách hỗ trợ. Do đó, điều này có thể tạo ra áp lực doanh thu đối với các công ty phát điện khác, bao gồm cả lượng công suất phát điện tăng thêm của PC1.
Cổ phiếu PDR (CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt – sàn HOSE) đang nằm trong xu hướng hình thành mô hình 2 đáy tại ngưỡng 85.0. Thanh khoản cổ phiếu vượt ngưỡng trung bình 20 phiên trong phiên giao dịch gần nhất, đồng thuận với đà tăng giá của cổ phiếu.
Chỉ báo MACD đang dần chuyển hướng sang hội tụ trong khi chỉ báo RSI đang báo hiệu nhịp hồi phục. Đường giá cổ phiếu nằm trên dải mây Ichimoku, cho thấy xu hướng tăng vẫn đang được bảo toàn.
Nhà đầu tư trung hạn có thể cân nhắc mở vị thế quanh ngưỡng giá 90.0 và chốt lãi khi cổ phiếu PDR tiếp cận ngưỡng giá 106.05. Cắt lỗ nếu cổ phiếu PDR mất ngưỡng hỗ trợ 85.0.
Những nhận định của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo, các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên.