Các công ty chứng khoán vừa đưa ra báo cáo phân tích đối với một số cổ phiếu tâm điểm cho phiên giao dịch 27/7/2021, Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam xin trích dẫn để bạn đọc tham khảo.
Tổng CTCP Dịch vụ Tổng hợp Dầu khí (HOSE - Mã: PET) ghi nhận doanh thu tăng 43% n/n trong nửa đầu năm 2021, đạt tương ứng 7.635 tỷ đồng, trong đó doanh thu từ PSD tăng 6% n/n, đóng góp ~48% cho PET. Đáng chú ý là biên lợi nhuận gộp trong quý 2/2021 cái thiện đáng kể so với quý liền trước, đạt 6,4%, cao hơn mức 4,7% trong Q1 2021, giúp biên LN gộp trong 1H đạt 5,5%. Lãi ròng trong kỳ đạt 86,5 tỷ đồng.
Thị trường điện thoại & laptop Việt Nam tiếp tục tăng trưởng mạnh. Euromonitor dự báo sản lượng tiêu thụ của điện thoại thông minh tại Việt Nam đạt CAGR 7,4%/năm trong khi laptop đạt 1%/năm giai đoạn 2020-2025. Trong khi đó, theo ICD, xu hướng sử dụng điện thoại thông minh sẽ tăng mạnh 7,7% trong năm 2021 trên toàn cầu và duy trì tốc độ tăng trưởng cao đến năm 2025 với tốc độ tăng trưởng bình quân 3,7%/năm nhờ triển khai mạng 5G tại nhiều quốc gia trên thế giới.
PET lên kế hoạch tăng vốn nhằm bổ sung vốn kinh doanh và đầu tư phát triển thông qua bán toàn bộ hơn 3 triệu CP quỹ và phát hành thêm 4 triệu CP ESOP.
MBS điều chỉnh tăng dự phóng LNTT 2021 của PET từ 240 tỷ đồng lên 304 tỷ đồng, tương ứng với mức tăng ~47% so với kết quả thực hiện năm 2020 trên cơ sở biên LN gộp của DN đang được cải thiện khá trong quý gần đây. Mẫu iPhone 13 được ra mắt vào tháng 9/2021 sẽ là yếu tố thuận lợi giúp PET ghi nhận tăng trưởng doanh thu & lợi nhuận cao hơn trong quý cuối năm.
MBS khuyến nghị MUA đối với cổ phiếu PET với giá mục tiêu 24.200 đồng/cp trên cơ sở (i) tiềm năng tăng trưởng cao từ ngành ICT, (ii) KQKD tăng mạnh nhờ phân phối các sản phẩm của Apple, và (iii) giá dầu tăng cao hỗ trợ mảng cung ứng vận tải thiết bị và cung cấp dịch vụ hậu cần cho ngành dầu khí.
MBS xác định giá mục tiêu của cổ phiếu PET vào khoảng 24.200 đồng/cp dựa trên kết hợp 2 phương pháp chiết khấu dòng tiền và phương pháp so sánh P/E.
Cổ phiếu GVR (Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam - CTCP – sàn HOSE) đang hình thành xu hướng hồi phục từ vùng đáy 29.0. Thanh khoản cổ phiếu nằm tại ngưỡng trung bình 20 phiên.
Chỉ báo MACD đang dần chuyển hướng sang tích cực trong khi chỉ báo RSI đang báo hiệu nhịp hồi phục. Đường giá cổ phiếu nằm dưới trên dải mây Ichimoku, cho thấy xu hướng tăng giá trung hạn đã hình thành.
Nhà đầu tư trung hạn có thể cân nhắc mở vị thế quanh ngưỡng giá 32.5 và chốt lãi khi cổ phiếu tiếp cận ngưỡng giá 37.5. Cắt lỗ nếu mất ngưỡng hỗ trợ 30.0.
CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (HOSE - Mã: DCM) vừa công bố doanh thu ước tính trong quý 2/2021 đạt 2.432 tỷ đồng, tăng 24% YoY, LNTT đạt 281 tỷ, giảm 11% YoY. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2021, doanh thu ước đạt 4.339 tỷ đồng, tăng 28% YoY, LNTT đạt 411 tỷ, tăng 7% YoY. Như vậy, DCM ước hoàn thành 55% kế hoạch doanh thu và 196% kế hoạch LNTT.
Doanh thu 6 tháng đầu năm tăng mạnh nhờ giá phân bón tăng mạnh, phân đạm Ure tăng 62%, DAP tăng hơn 54%, Kali tăng 45%. Công suất vận hành nhà máy DCM hiện duy trì ở mức 110%. Tuy nhiên, lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2021 chỉ tăng nhẹ do chi phí đầu vào tăng, giá dầu Brent đã tiếp tục tăng 45% từ đầu năm đến nay. Trong khi đó, sản lượng tiêu thụ của DCM giảm 3%, chủ yếu là trong quý 2/2021 (-19% YoY), theo đó, nhu cầu giảm đã khiến DCM không thể chuyển hoàn toàn phần chi phí gia tăng vào giá bán. FSC cho rằng điểm nghẽn đầu ra của nông sản do COVID đã ảnh hưởng đến nhu cầu phân bón trong quý 2.
Nhà máy NPK đi vào vận hành từ quý 1/2021 là động lực tăng trưởng cho DCM. Bên cạnh đó, DCM đang đầu tư vào marketing, tăng quy mô và chất lượng sản phẩm với mục tiêu nhận diện thương hiệu đạt ít nhất 65% tại Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và Campuchia vào 2025. Ngoài ra, luật thuế GTGT 71 được áp dụng từ 2021 sẽ giúp DCM tiết kiệm thêm khoảng 80 – 150 tỷ đồng mỗi năm.
DCM cũng vừa cho biết họ đã có lộ trình giảm tỷ lệ nắm giữ cổ phần của Tập đoàn Dầu khí (PVN) từ 75,56% xuống 51%. Hiện tại nút thắt tại cơ chế giá khí đầu vào với PVN đã đàm phán xong. Đây sẽ là các thông tin hỗ trợ giá cổ phiếu.
Ở mức giá đóng cửa hiện tại, DCM đang được giao dịch tại mức P/E TTM là 13,2x (tương ứng EPS TTM là 1.376 VNĐ). Mức Stock Rating của DCM ở mức 90 điểm cho nên FSC duy trì đánh giá TÍCH CỰC mức xếp hạng tăng trưởng của cổ phiếu này. Đồ thị giá của DCM vượt lên trên đường trung bình 20 ngày và đồ thị giá có dấu hiệu bước vào giai đoạn tích lũy cho nên các NĐT chỉ nên mua vào ở các nhịp điều chỉnh. Đồng thời, xu hướng ngắn hạn của DCM cũng được nâng lên mức TĂNG. Do đó, FSC khuyến nghị các NĐT ngắn hạn có thể xem xét MUA ở mức giá hiện tại với tỷ trọng thấp.
Xem xét mua cổ phiếu GIL ở mức giá hiện tại với tỷ trọng thấp
CTCP Sản xuất Kinh doanh và Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (HOSE - Mã: GIL) ghi nhận doanh thu trong quý 2/2021 đạt 1.258 tỷ đồng, tăng 37% YoY, LNST đạt 115 tỷ, tăng 90% YoY. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2021, GIL ghi nhận doanh thu đạt 2.122 tỷ, tăng 30% YoY, LNST đạt 186 tỷ, tăng 82% YoY. Như vậy, GIL đã hoàn thành 71% kế hoạch doanh thu và 103% kế hoạch LNST.
Doanh thu GIL tăng mạnh trong quý 2 nhờ nhu cầu hồi phục mạnh tại các thị trường xuất khẩu và 2 đối tác lớn của GIL là Amazon và IKEA đang phát triển mạnh mẽ. GIL cũng gia tăng tỷ trọng các mặt hàng có biên lợi nhuận cao hơn giúp biên lợi nhuận gộp quý 2 cải thiện mạnh lên mức 19,6% (từ mức 15,5% cùng kỳ).
Năm 2021, động lực tăng trưởng của GIL vẫn sẽ là gia tăng xuất khẩu online thông qua 2 đối tác trên. Trong dài hạn, GIL hưởng lợi gián tiếp từ xu hướng chuyển đổi mạnh mẽ sang mua hàng online. Trong dài hạn, GIL có kế hoạch phát triển mảng may mặc thông qua các thương vụ M&A doanh nghiệp cùng ngành, gần đây, GIL vừa nâng tỷ lệ sở hữu đối với Garmex Sài Gòn (GMC) từ 2,9% lên mức 7,07%.
Một chiến lược phát triển khác của GIL là BĐS KCN. Vừa qua, GIL cũng vừa chi 180 tỷ để góp vốn vào CTCP KCN Gilimex Vĩnh Long, chiếm 30% Vốn điều lệ. Bên cạnh đó, dự án Khu công nghiệp Phú Bài 4 (diện tích 507ha, tổng mức đầu tư 3.400 tỷ, GIL góp 91%) dự kiến sẽ mang lại doanh thu từ nửa cuối 2021.
Ở mức giá đóng cửa hiện tại, GIL đang được giao dịch tại mức P/E TTM là 5,8x (tương ứng EPS TTM là 10.147 VNĐ), thấp hơn P/E trung bình ngành là 14,2x. Mức Stock Rating của GIL ở mức 91 điểm cho nên chúng tôi vẫn duy trì đánh giá TÍCH CỰC mức xếp hạng tăng trưởng của cổ phiếu này. Đồ thị giá của GIL vượt lên trên đường trung bình 20 ngày và có dấu hiệu bước vào giai đoạn biến động mạnh theo chiều hướng tích cực. Đồng thời, xu hướng ngắn hạn của GIL được nâng lên mức TĂNG. Do đó, FSC khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể xem xét MUA ở mức giá hiện tại với tỷ trọng thấp.
Những nhận định của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo, các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên.