Phó Thống đốc nhắc các chủ tịch ngân hàng 'đừng để DN phải lên tivi mà vay'
"Đêm qua tôi nhắn tin cho chủ tịch của hai ngân hàng TMCP lớn, người ta cứ nói mãi rằng muốn vay lãi suất thấp thì lên tivi mà vay". Nhận tin nhắn trong đêm, hai vị chủ tịch ngân hàng đều hứa sẽ rà soát lại - Phó Thống đốc nói.
Ngân hàng cần hạ lãi suất, cắt giảm các loại phí
Phát biểu kết luận tại hội thảo tăng cường khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn cho doanh nghiệp, do NHNN tổ chức ngày 22/8, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, bên cạnh một số lãi suất được NHNN quy định mức lãi suất trần, còn lại các ngân hàng thương mại (NHTM) được tự chủ về mặt lãi suất theo cơ chế thị trường.
Tuy nhiên, dù không bị pháp luật hạn chế về lãi suất trần, nhưng các NHTM vẫn phải lưu ý vấn đề đạo đức kinh doanh, trách nhiệm với cộng đồng.
Bên cạnh việc hạ lãi suất, NHNN yêu cầu các NHTM phải cắt giảm các loại phí. Phó Thống đốc cho biết, dự kiến cuối tuần này hoặc đầu tuần sau NHNN sẽ tổ chức hội nghị chuyên đề về lãi suất và phí tại các ngân hàng, bởi đây là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến giá đầu vào của doanh nghiệp.
Và giờ là lúc các ngân hàng phải chia sẻ, chia sẻ một cách thực chất.
"Đêm qua tôi nhắn tin cho chủ tịch của hai NHTM cổ phần lớn. Tôi nói nghe các ông nói trên tivi nhưng khi doanh nghiệp phản ánh cho vay từng này. Người ta cứ nói mãi rằng “muốn vay lãi suất thấp thì lên tivi mà vay", ông Tú thuật lại. Sau khi nhận được tin nhắn trong đêm, hai vị chủ tịch của hai ngân hàng TMCP lớn này đều hứa “sẽ rà soát lại.”
Tuy nhiên, lãnh đạo NHNN cũng tỏ ra thấu cảm với các NHTM khi cho rằng NHTM cũng có cái khó, bởi bản chất họ vẫn là doanh nghiệp. Tiền cho vay không phải là của ngân hàng mà là tiền huy động của người dân, nên không thể cứ cho vay thoải mái dẫn đến mất thanh khoản, rồi trở thành gánh nặng của Nhà nước.
Cái khó của ngân hàng
Việc mở rộng tăng trưởng tín dụng là yêu cầu bức thiết, nhưng vẫn phải đảm bảo chất lượng tín dụng, hạn chế nợ xấu, đảm bảo an toàn hệ thống. Đây được xem là bài toán giữa hai dòng nước ngược chiều nhau và ngân hàng phải tìm điểm cân bằng chung.
Ngân hàng không thể vì an toàn hệ thống mà không cho vay. Ngược lại, việc đẩy tín dụng lên đến 15-16% nhưng không quan tâm đến chất lượng tín dụng lại liên quan đến an toàn tài chính quốc gia.
“Về việc này chúng ta đã có quá nhiều bài học, có những bài học đau đớn như SCB, hay 3 ngân hàng mua bắt buộc (OceanBank, CBBank, GPBank) dù được cơ cấu lại nhưng đến nay vẫn đang trong giai đoạn ban đầu. Cho nên an toàn hệ thống còn mang tính chất an toàn, an ninh hệ thống tài chính quốc gia”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nói.
Tăng trưởng tín dụng nhưng vẫn phải đảm bảo chất lượng tín dụng chỉ là một trong những nhiệm vụ vô cùng khó khăn ngành ngân hàng phải giải quyết. Bởi vậy, ông Đào Minh Tú cho rằng chưa bao giờ điều hành chính sách tiền tệ lại khó khăn như giai đoạn hiện nay.
Doanh nghiệp đang rất khó khăn, nhưng đứng ở góc độ điều hành vĩ mô, ngân hàng có nhiệm vụ điều tiết tiền tệ, làm sao đảm bảo mục tiêu lớn nhất là kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô, nhưng đồng thời phải đảm bảo mục tiêu tăng trưởng kinh tế.
Đây là hai mục tiêu ngược chiều nhau nhưng trong điều hành chính sách cần phải tìm ra điểm chung để hài hoà các mục tiêu.
Nhiệm vụ quan trọng của ngành ngân hàng là giảm lãi suất nhưng vẫn đảm bảo khối lượng tín dụng và chất lượng tín dụng, ổn định tỷ giá, đảm bảo niềm tin của doanh nghiệp.
Việc giảm lãi suất xuống thấp quá sẽ ảnh hưởng đến tỷ giá, gây mất niềm tin của nhà đầu tư, ảnh hưởng quyền lợi của Chính phủ khi đi vay nợ nước ngoài; xuất khẩu bị đảo lộn; doanh nghiệp và người dân sẽ đổ xô găm giữ ngoại tệ,…
“Muốn giữ tỷ giá thì phải có chính sách lãi suất hợp lý. Lãi suất mà hạ nữa thì người dân sẽ không còn gửi tiền vào ngân hàng và họ sẽ quay sang giữ đô la với kỳ vọng USD lên giá. Nếu không có sự ổn định, không có niềm tin thì không một nhà đầu tư nước ngoài nào đem tiền đến Việt Nam đầu tư”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú chia sẻ.
Do vậy, giảm lãi suất cho vay nhưng cũng phải hạn chế giảm lãi suất huy động ở một mức độ nào đó phù hợp.