Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn: Cần nghiên cứu, vận dụng tốt cơ chế chính sách để đẩy mạnh giải ngân đầu tư công
Nhận định rằng tuy cùng hệ thống quy phạm pháp luật nhưng có bộ ngành, địa phương giải ngân vốn đầu tư công tốt, có nơi lại chưa đạt yêu cầu, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh việc nghiên cứu kỹ, áp dụng hiệu quả cơ chế chính sách, quy định để thúc đẩy tiến độ giải ngân đầu tư công.
Còn nhiều vướng mắc
Chiều ngày 19/11, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn chủ trì cuộc họp trực tuyến của Tổ công tác số 5 kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.
Báo cáo về tình hình giải ngân đầu tư công, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, tính từ đầu năm đến ngày 31/10, ước giải ngân đạt hơn 355.616 tỷ đồng, tương đương 52,46% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Trong đó, có 13 bộ, cơ quan Trung ương và 41 địa phương có tỉ lệ giải ngân trên mức trung bình của cả nước (trên 52,46% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).
Tổ công tác số 5 có 7 bộ, cơ quan Trung ương và 13 địa phương. Theo số liệu của Bộ Tài chính, đến hết ngày 31/10, ngoài 2 cơ quan là Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam không có kế hoạch vốn năm 2024 thì tỉ lệ giải ngân chung của 5 bộ, cơ quan Trung ương (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) và tỉ lệ giải ngân của từng bộ, cơ quanđều thấp hơntỉ lệ giải ngân chung của toàn quốc.
Về phía tỉnh, thành phố, đáng chú ý, nhóm địa phương có tỉ lệ giải ngân cao hơn hoặc tương đương mức giải ngân trung bình toàn quốc gồm: Long An (67%); Tiền Giang (73%); Bến Tre (54%); Trà Vinh (63%); An Giang (61%); Đồng Tháp (57%); Cà Mau (55%); Hậu Giang (52%); Sóc Trăng (52%).
Ở chiều ngược lại, một số tỉnh, thành phố có tỉ lệ giải ngân thấp hơn trung bình toàn quốc, như: Kiên Giang (30%); Bạc Liêu (42%); Cần Thơ (50%); Vĩnh Long (45%).
Đồng thời, Báo cáo của Bộ KH&ĐT phân tích rõ những vướng mắc tác động đến tiến độ giải ngân đầu tư công. Trước hết, trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), việc xác định nguồn gốc đất, xác định giá đất còn khó khăn; sử dụng đất sai mục đích hoặc mua bán bằng giấy viết tay, lấn chiếm đất hành lang công trình công cộng; công tác xác định tính pháp lý hồ sơ thửa đất gặp khó khăn; người dân chưa đồng thuận với phương án bồi thường, tái định cư, còn thắc mắc, khiếu nại đơn giá bồi thường về đất; Luật Đất đai mới được ban hành, nhiều dự án phải tính toán lại chi phí GPMB theo quy định mới của Luật Đất đai.
Bên cạnh đó, khó khăn về cung ứng nguồn cát xây dựng tại An Giang, Bến Tre, Cà Mau, Cần Thơ, Đồng Tháp Vĩnh Long dẫn đến giá thành cao hơn so với đơn giá lập dự toán. Một số nhà thầu triển khai thi công cầm chừng chờ đợi cập nhật, điều chỉnh chỉ số giá xây dựng phù hợp với đơn giá thị trường. Năng lực của chủ đầu tư và năng lực triển khai dự án còn hạn chế. Thủ tục đầu tư theo quy định của pháp luật chuyên ngành, đấu thầu dự án vẫn có vướng mắc.
Cũng tại cuộc họp, các bộ ngành, địa phương chia sẻ bài học kinh nghiệm, báo cáo, phân tích "điểm nghẽn" và đề xuất phương án tháo gỡ để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.
Quyết tâm phấn đấu giải ngân đạt trên 95% kế hoạch Thủ tướng giao
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn đánh giá cao Bộ KH&ĐT đã chuẩn bị tốt, tổng hợp đầy đủ báo cáo tình hình giải ngân vốn đầu tư công; các bộ, ngành liên quan và bộ, cơ quan, địa phương thuộc Tổ công tác số 5 đã tích cực đóng góp ý kiến sát thực tế, với tinh thần xây dựng, trách nhiệm cao và trao đổi thẳng thắn.
"Việc vận dụng cơ chế chính sách còn ở mức độ khác nhau giữa Trung ương và địa phương, giữa các bộ, các ngành. Cùng văn bản pháp luật nhưng có địa phương làm tốt, có nơi thì không vận dụng được", Phó Thủ tướng nêu vấn đề và khẳng định đây chính là điểm cần tập trung khắc phục trong thời gian tới, để áp dụng kịp thời, hiệu quả các quy định.
Nhấn mạnh thời gian từ nay đến hết năm 2024 không còn nhiều, để góp phần thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và thực hiện tốt các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội đã được phê duyệt, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn yêu cầu các bộ, cơ quan và địa phương tập trung, quyết liệt, chủ động thực hiện các biện pháp, giải pháp linh hoạt, sáng tạo, kịp thời xử lý, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn, để đẩy mạnh hơn nữa thực hiện có hiệu quả việc giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu giải ngân năm 2024 đạt trên 95% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Bên cạnh đó, phân công cụ thể lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện dự án để rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hiện trường, đôn đốc các nhà thầu, tư vấn đầy nhanh tiến độ; chủ động rà soát, điều chuyển vốn theo thẩm quyền giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án có khả năng giải ngân tốt hơn và còn thiếu vốn theo quy định.
"Cần tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công, có chế tài xử lý nghiêm theo quy định các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công", Phó Thủ tướng đề nghị.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn cũng lưu ý thúc đẩy sự phối hợp giữa các bộ, cơ quan liên quan để tham mưu các cấp thẩm quyền trong quá trình tiếp nhận, đàm phán, ký kết, phê chuẩn hiệp định vốn vay ODA, quản lý, sử dụng hiệu quả vốn vay ODA.
Về các nhiệm vụ cụ thể, Phó Thủ tướng giao Bộ KH&ĐT phối hợp với Bộ Tài chính, theo dõi sát tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, kịp thời báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp điều hành linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, sát với tình hình thực tế để hoàn thành mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm 2024; chủ động tổng hợp các vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai các quy định của pháp luật về đầu tư công. Trên cơ sở đó, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi nội dung liên quan trong dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi) để trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8…
Bộ Xây dựng theo dõi sát tỉnh hình, diễn biến thị trường vật liệu xây dựng, đặc biệt là các vật liệu chủ yếu, kịp thời đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc bảo đảm nguồn cung, kiểm soát giá vật liệu xây dựng.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ và các cơ quan liên quan, theo thẩm quyền có hướng dẫn triển khai cụ thể đối với mô hình hoạt động của Quỹ tài chính ngoài ngân sách nói chung và Quỹ Đổi mới khoa học công nghệ nói riêng đảm bảo thuận lợi trong quá trình thực hiện.
Các bộ, cơ quan: Khoa học và Công nghệ, Công Thương, Học viện Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan, tập trung tháo gỡ ngay các vướng mắc theo thẩm quyền, trường hợp cần thiết báo cáo cụ thể lãnh đạo Chính phủ phụ trách trong tháng 11/2024 để xử lý ngay, không để chậm trễ kéo dài.
UBND các địa phương tập trung đẩy mạnh công tác giải phóng mặt bằng, ưu tiên bố trí đủ kinh phí để thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với phần diện tích có đủ điều kiện; không để tình trạng dự án chờ mặt bằng, đặc biệt các dự án quan trọng quốc gia; Tháo gỡ khó khăn liên quan đến cấp phép mỏ, khai thác nguyên vật liệu đá, cát, đất, phục vụ các dự án; công bố giá các loại vật liệu xây dựng phổ biến trên địa bàn theo thẩm quyền và quy định của pháp luật.../.
>> Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công