Phòng chống bão Trà Mi: Cấm biển, sẵn sàng phương án sơ tán người dân
Để chủ động phòng, chống bão Trà Mi và mưa lũ, các địa phương miền Trung đã triển khai lực lượng và phương tiện hỗ trợ người dân chằng chống nhà cửa; sẵn sàng phương án sơ tán người dân đến nơi an toàn.
Thực hiện Công điện số 110/CĐ-TTg ngày 24/10/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc chủ động ứng phó bão Trà Mi, ngày 25/10, ông Lê Văn Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, Sở NN&PTNT, các địa phương ven biển rà soát, triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn đối với các hoạt động du lịch, nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản trên biển, cửa sông, ven biển; kiên quyết sơ tán người dân trên lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản đến nơi an toàn trước khi bão ảnh hưởng trực tiếp.
Tổ chức việc cấm biển đối với tàu cá, tàu khách, tàu du lịch ra, vào các cửa biển, các bãi ngang trên địa bàn tỉnh từ sáng 25/10 cho đến khi bão tan và tình hình thời tiết trên biển trở lại trạng thái bình thường. UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo rà soát, cập nhật lại phương án ứng phó thiên tai, bão lũ trên địa bàn; căn cứ tình hình thực tế và khả năng ảnh hưởng của bão, mưa lũ tại địa phương chủ động thông tin kịp thời, chỉ đạo, hướng dẫn người dân ứng phó với bão, lũ.
Trong đó tiếp tục rà soát, sẵn sàng triển khai sơ tán dân tại khu vực nguy hiểm, có nguy cơ bị ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất, cửa sông, ven biển; chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm theo phương châm "bốn tại chỗ" để sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống.
Kiểm soát, hướng dẫn giao thông an toàn, nhất là qua ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, khu vực có nguy cơ sạt lở; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính.
Kiểm tra, chủ động biện pháp đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du; bố trí lực lượng thường trực sẵn sàng vận hành điều tiết và xử lý các tình huống. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời cứu hộ, cứu nạn và khắc phục nhanh hậu quả bão, lũ.
Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Quảng Nam cho biết, tỉnh Quảng Nam đã sẵn sàng phương án sơ tán 6 hộ dân/2.472 nhân khẩu tại xã ven biển Tam Thanh, TP. Tam Kỳ đến nơi an toàn.
Ông Văn Anh Tuấn, Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Nam cho biết, đơn vị đã chỉ đạo triển khai ngay phương án phòng, chống thiên tai trên từng cung đường, đặc biệt các vị trí trọng yếu thường xuyên bị sạt lở, ngập lụt trên các tuyến đường được giao quản lý, như tuyến QL.14B, QL.14D, QL.40B, ĐT.606, ĐT.609, ĐT.611,…; bố trí lực lượng, thiết bị, biển báo, dự phòng vật tư theo phương châm "bốn tại chỗ" để triển khai khắc phục, đảm bảo giao thông trong thời gian nhanh nhất khi có tình huống xảy ra.
Ngày 25/10, UBND TP. Đà Nẵng tổ chức họp về việc phòng, chống với bão số 6 (Trà Mi).
Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự TP. Đà Nẵng đề nghị, các đơn vị, địa phương khẩn trương triển khai lực lượng, phương tiện ứng trực tại các vị trí trọng điểm về thiên tai, bảo đảm an toàn tính mạng nhân dân trên hết; bám sát nội dung công điện của Thủ tướng Chính phủ, chỉ đạo và phương án phòng, chống, khắc phục hậu quả ứng với một số kịch bản thiên tai năm 2024 của thành phố, chủ động triển khai ứng phó bão số 6.
Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng giao Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố phối hợp với các đơn vị triển khai các phương tiện, lực lượng ứng trực tại các điểm có nguy cơ bị ngập lụt sâu, sạt lở, lũ quét..., nhất là khu vực đường Mẹ Suốt (quận Liên Chiểu), Khe Cạn (quận Thanh Khê)... và điều phương tiện chữa cháy chuyên nghiệp ứng trực tại khu vực Âu thuyền Thọ Quang.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố tập trung kiểm đếm, kêu gọi tàu thuyền đang còn hoạt động trên biển thoát ra khỏi khu vực có nguy cơ ảnh hưởng của bão, vào bờ hoặc tìm nơi trú ẩn an toàn; quản lý chặt chẽ tàu thuyền ra khơi.
Công an thành phố tập trung công tác phòng cháy, chữa cháy tại các khu chung cư và Âu thuyền Thọ Quang. Các địa phương, đơn vị thông tin số điện thoại cố định và di động để nhân dân liên lạc, đề nghị được hỗ trợ trong thiên tai.
Sở NN&PTNT phối hợp các đơn vị, địa phương rà soát hồ chứa, theo dõi tình hình vận hành hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn, kịp thời tham mưu lãnh đạo thành phố triển khai biện pháp ứng phó.
Theo UBND TP. Đà Nẵng, đến sáng 25/10, tổng tàu thuyền neo đậu tại các bến của thành phố là 1.159 phương tiện/8.316 lao động, đang hoạt động trên biển là 1.155 phương tiện/8.276 lao động.
Hiện, các phương tiện đang hoạt động trên biển đã nắm được diễn biến, hướng di chuyển của bão số 6. Bộ đội Biên phòng thành phố Đà Nẵng đang duy trì thông tin, liên lạc với các phương tiện, thông báo kêu gọi vào bờ để trú tránh an toàn.
Cũng trong hôm nay (21/10), Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành Công điện số 8, yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, đơn vị và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế chủ động tổ chức theo dõi sát thông tin dự báo, diễn biến của bão Trà Mi và mưa lũ; kịp thời chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó theo phương châm "bốn tại chỗ", không để bị động, bất ngờ nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản cho người dân.
Chủ tịch UBND các huyện, thị xã và TP. Huế tổ chức theo dõi, cập nhật thường xuyên, liên tục thông tin diễn biến mưa bão; tăng cường tuyên tuyền, vận động người dân giằng chống, gia cố nhà cửa. Rà soát các kế hoạch, kịch bản, phương án sơ tán dân, phương án ứng phó thiên tai bão, lũ, khu vực sườn dốc có nguy cơ xảy ra sạt lở khi mưa lớn, lũ quét, ngập lụt; đối với các địa bàn ven biển, đầm phá quản lý chặt chẽ và tuyệt đối không cho tàu thuyền ra khơi, đánh bắt cá trên đầm phá khi có gió mạnh, không để người dân trú tránh trên tàu thuyền, nhà bè nuôi thủy sản khi có bão.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Cảng vụ Hàng hải tỉnh Thừa Thiên Huế, Chi cục Thủy sản, Đài Thông tin Duyên hải Huế hướng dẫn neo đậu bảo đảm an toàn cho tàu thuyền, phương tiện tại cảng, bến, khu neo đậu; tuyệt đối không để người dân trú tránh trên phương tiện, tàu, thuyền khi có gió mạnh, sóng lớn, nước dâng do bão.
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh chỉ đạo rà soát phương án huy động lực lượng, phương tiện sẵn sàng hỗ trợ địa phương ứng phó với bão, lũ, sơ tán dân, cứu hộ, cứu nạn.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu các chủ công trình hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện tổ chức trực ban theo dõi, thực hiện nghiêm túc việc vận hành công trình theo quy trình đã được phê duyệt đảm bảo an toàn công trình và an toàn vùng hạ du.
>> Bão Trà Mi có thể gây mưa đến 700mm, cảnh báo ngập lụt diện rộng