Phong trào phi đô la hóa (Kỳ II): Đồng USD sẽ ra sao?

01-07-2023 13:24|TS. BÙI NGỌC SƠN, Chuyên gia Kinh tế độc lập

Động cơ của phong trào phi đô la hóa hiện nay mang tính địa chính trị là chủ yếu, bắt nguồn từ những cấm vận của Mỹ và phương Tây.

cny.jpg
CNY đã tham gia vào rổ các tiền tệ của IMF (SDR), bước một chân vào quốc tế hoá.

Trong làn sóng đó, có sự giảm sút nhất định vai trò đồng USD và sự gia tăng của nhân dân tệ (NDT) với vai trò là đồng tiền dự trữ quốc tế, nhưng điều này không có ý nghĩa làm thay đổi vị thế thống trị của USD.

USD vẫn là vua

Tính đến quý 4/2022, đồng USD chiếm tới gần 90% giao dịch ngoại hối toàn cầu, có nghĩa gần như không có cặp tiền tệ nào được trao đổi trực tiếp với nhau mà phải trao đổi gián tiếp qua đồng USD. Hơn 60% các khoản cho vay quốc tế bằng đồng USD, nghĩa là các ngân hàng nước ngoài đều cần rất nhiều USD để giao dịch kinh doanh.

Nếu tính theo khu vực, từ năm 1999-2019 đồng USD chiếm 98% hóa đơn thương mại ở châu Mỹ, 74% ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, và 79% ở phần còn lại của thế giới.

Tỷ trọng trong dự trữ ngoại hối toàn cầu của đồng USD dù giảm xuống mức 58,38% được xem là mức thấp kỷ lục so với mức 70% của năm 1999 thì nó vẫn vượt xa đồng Euro đứng thứ hai ở mức 20,48%, đồng Yên Nhật là 5,5%, và đồng Bảng Anh là 4,94%, đồng NDT chỉ chiếm 2,7% dù là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Theo thời gian, sự giảm sút của đồng USD bắt nguồn từ sự lớn mạnh của các nền kinh tế khác như khu vực EU, các nền kinh tế dầu lửa khu vực Trung Đông, Trung Quốc và nhóm BRICS, đặc biệt là sự xuất hiện của các đồng tiền số. Đồng thời, căng thẳng địa chính trị hiện tại với đỉnh điểm là chiến sự Nga- Ukraine là nguyên nhân của nhiều lời kêu gọi rời bỏ đồng USD và thay bằng những đồng tiền khác có nguy cơ làm suy giảm hơn nữa, thậm chí đe dọa vai trò thống trị của đồng USD.

Đồng tiền nào thay thế USD?

Trong bối cảnh hiện tại, đồng NDT của Trung Quốc nổi lên như một đồng tiền tiềm năng cạnh tranh với USD. Cùng với sự lớn mạnh về kinh tế và thương mại, từ năm 2016 Trung Quốc đã nỗ lực quốc tế hóa đồng NDT như việc đòi thêm quyền lực ở Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), lập Ngân hàng Phát triển mới (NDB) cho nhóm BRICS sử dụng NDT cho giao dịch...

anh-man-hinh-2023-04-25-luc-16-34-39.png
Tỷ trọng của các đồng tiền trong dự trữ ngoại hối toàn cầu - Nguồn: CNBC.

Quan trọng, Trung Quốc đã đề nghị Saudi Arabia chấp nhận thanh toán lượng dầu nhập khẩu của mình bằng NDT với sự đảm bảo bằng vàng thay cho đồng USD hiện nay. Đây là lời đề nghị khá hấp dẫn, và Thái tử Mohammed của Saudi Arabia tỏ ra hứng thú với lời đề nghị này khi mối quan hệ của nước này với Mỹ trở nên tồi tệ sau vụ nhà báo Khashoggi bị giết. Đến nay, Trung Quốc đã trở thành quốc gia mua dầu lửa lớn nhất của Saudi Arabia với mức 1,75 triệu thùng/ngày trong năm 2022, vượt xa Mỹ.

Mặc dù vậy, đồng NDT vẫn không thể là đồng tiền thay thế cho đồng USD ít nhất trong vài thập kỷ tới vì những lý do sau:

Thứ nhất, ngoài đáp ứng tiêu chí là nền kinh tế và thương mại qui mô lớn, Trung Quốc không đáp ứng được bất kỳ những đòi hỏi nào khác của một nền kinh tế có đồng tiền quốc tế thực sự. Chẳng hạn, điều tối quan trọng là Trung Quốc phải mở cửa tài khoản vốn, nhưng điều này là không tưởng với Trung Quốc. Bởi vì Trung Quốc lại coi đây là công cụ quan trọng để kiểm soát dòng vốn ra và vào theo mục đích của mình. Hay ngân hàng trung ương Trung Quốc phải độc lập về chính trị, nhưng điều này cũng là không tưởng trong hệ thống chính trị Trung Quốc. Nói cách khác, rất ít nhà đầu tư nước ngoài dám đặt lòng tin vào đồng NDT.

Thứ hai, tỷ trọng của NDT là đồng tiền dự trữ quốc tế chỉ ở mức 2,7%, một tỷ lệ quá nhỏ, kém cả đồng Bảng Anh và Yên Nhật. Một tính toán cho biết, dù Saudi Arabia chấp nhận NDT để thanh toán xuất khẩu dầu của nước này sang Trung Quốc thì tỷ trọng này cũng chỉ tăng lên hơn 3%. Hơn nữa, các cố vấn của Ả-rập Xê-út đã nói với thái tử của họ rằng nếu chấp nhận NDT thay cho USD thì toàn bộ thu nhập này sẽ dùng để mua gì ngoài mua hàng Trung Quốc và trái phiếu chính phủ Trung Quốc?

Hiện tại, có ý tưởng cho rằng cần tạo ra một đồng tiền mới nhằm thay thế cho USD. Đó là ý tưởng từ một số nhà lãnh đạo của nhóm BRICS. Tuy nhiên, nếu BRICS phát hành đồng tiền mới, thì nó được cấu tạo như thế nào là câu hỏi không dễ trả lời. Nếu lấy NDT làm đồng tiền chung thì chỉ có tác dụng nội khối là chủ yếu. Còn nếu tạo ra một đồng tiền chung dựa trên các đồng tiền của các nước thành viên thì đồng tiền này sẽ có độ tin cậy cũng rất thấp. Bởi vì các nền kinh tế này chỉ là các nền kinh tế mới nổi, và chính sách kinh tế hay thay đổi khiến giá trị của đồng tiền đó không ổn định.

Hơn 13,4 tỷ USD vốn FDI chảy vào Việt Nam trong nửa đầu năm 2023

Nông nghiệp: Xuất khẩu 6 tháng đầu năm đạt hơn 24 tỷ USD

Lỗ 100 tỷ USD vì trái phiếu, Bank of America bị các ngân hàng đối thủ bỏ xa

Theo diendandoanhnghiep.vn
https://diendandoanhnghiep.vn/phong-trao-phi-do-la-hoa-ky-ii-dong-usd-se-ra-sao-246479.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Phong trào phi đô la hóa (Kỳ II): Đồng USD sẽ ra sao?
POWERED BY ONECMS & INTECH