Phụ huynh lo con 'thiệt đơn thiệt kép' sau tách trường Giảng Võ: Phòng Giáo dục nói gì?
Sau khi tách trường THCS Giảng Võ (Hà Nội) làm đôi, phụ huynh lo con bị chuyển sang trường mới phải đi học nhờ, học tạm; đóng học phí cao và không được quyền tự nguyện lựa chọn.
Mới đây, UBND quận Ba Đình (Hà Nội) đã công bố quyết định thành lập trường THCS Giảng Võ 2 (trên cơ sở tách trường THCS Giảng Võ để xây dựng trường chất lượng cao).Một số lớp/học sinh được điều chuyển từ trường THCS Giảng Võ sang trường THCS Giảng Võ 2. Tuy nhiên, hiện nay, chỉ Trường THCS Giảng Võ được xây mới xong, còn Trường THCS Giảng Võ 2 dự kiến đến tháng 8/2024 mới khởi công và hoàn thành một năm sau đó.
Sau khi tách trường, UBDN quận Ba Đình đưa ra nhiều phương án về địa điểm/chỗ học tập đối với học sinh của Trường THCS Giảng Võ 2 trong thời gian nhà trường đang được xây dựng. Ngoài phương án học tạm ngay tại Trường THCS Giảng Võ mới xây xong, có phương án học sinh chuyển từ THCS Giảng Võ sang THCS Giảng Võ 2 sẽ phải đi học nhờ ở những trường khác lân cận.
Điều này khiến không ít phụ huynh có con được chuyển sang Trường THCS Giảng Võ 2 lo lắng, thậm chí cảm thấy bất công khi bỗng dưng "đang yên đang lành” không được học tại trường THCS Giảng Võ, phải đi học ở địa điểm tạm thời.
Chị M, một phụ huynh, chia sẻ: “Con tôi bỗng dưng được chuyển sang trường THCS Giảng Võ 2 với giới thiệu định hướng chất lượng cao. Nhưng khi còn chưa được hưởng chất lượng cao, các con lại phải đi học tạm ở nơi khác thì khó chấp nhận”.
Anh C.T, một phụ huynh khác, tâm tư: “Điều tôi lo lắng là sau khi chuyển con sang trường THCS Giảng Võ 2, nói là định hướng trường chất lượng cao, nhưng nếu phải đi học tạm ở trường khác lân cận, thậm chí không bằng trường THCS Giảng Võ mới xây, có thực sự là được hưởng chất lượng cao?”.
Một số phụ huynh điều kiện kinh tế khó khăn cũng trăn trở liệu học phí phải đóng sẽ có thể tăng khi con được điều chuyển sang trường THCS Giảng Võ 2 - vốn có lộ trình thành trường chất lượng cao.
Trao đổi với VietNamNet về các vấn đề này, ông Lê Đức Thuận, Trưởng phòng GD-ĐT quận Ba Đình, cho hay, UBND quận đã có quyết định thành lập trường THCS Giảng Võ 2 (lộ trình xây dựng trường chất lượng cao) trên cơ sở tách trường THCS Giảng Võ.
Sau khi tách, trường THCS Giảng Võ ở năm học 2024-2025 gồm có 50 lớp, trong đó, có 4 lớp tiếng Pháp (mỗi khối có 1 lớp song ngữ tiếng Pháp) và 46 lớp thường.
Còn trường THCS Giảng Võ 2 có 27 lớp, trong đó, có 20 lớp điều chuyển sang từ trường THCS Giảng Võ (gồm 6 lớp 7, 7 lớp 8, 7 lớp 9) và tuyển mới 7 lớp 6.
Về phân tuyến tuyển sinh của 2 trường theo tổ dân số trong phường Giảng Võ, được chia theo tỷ lệ: 2 phần cho trường THCS Giảng Võ, 1 phần cho trường THCS Giảng Võ 2.
“UBND quận Ba Đình từng đưa ra cả những phương án cho học sinh trường THCS Giảng Võ 2 học tạm tại các trường khác lân cận. Bởi năm ngoái, thực tế, các học sinh của trường THCS Giảng Võ cũng đã học tạm tại các trường lân cận trong khoảng thời gian xây mới lại trường và đã rất ổn định, thuận lợi cho năm trước. Vì thế, UBND quận Ba Đình vẫn đưa thêm phương án này để giữ ổn định. Tuy nhiên, qua nắm bắt, hầu hết phụ huynh chỉ tha thiết phương án được học tạm tại trường THCS Giảng Võ mới xây xong”, ông Thuận lý giải.
Tất cả học sinh trường THCS Giảng Võ 2 được học tạm tại THCS Giảng Võ
Ông Thuận cho biết, sáng ngày 3/6, Chủ tịch UBND quận Ba Đình cũng đã chủ trì một cuộc họp có sự tham dự của hiệu trưởng 2 trường THCS Giảng Võ và Giảng Võ 2 để thống nhất một số nội dung liên quan.
Qua đó, thống nhất quyết định tất cả học sinh của trường THCS Giảng Võ 2 sẽ không phải đi học ở các trường khác. Các em sẽ học tại trường THCS Giảng Võ mới xây. Cụ thể, quận Ba Đình bố trí cho trường THCS Giảng Võ 2 mượn tạm 14 phòng học của trường THCS Giảng Võ, đủ để tổ chức một nửa số lớp học buổi sáng, nửa còn lại học buổi chiều. Cùng đó, THCS Giảng Võ 2 được sử dụng đầy đủ các phòng chức năng; được bố trí phòng hội đồng, phòng làm việc của ban giám hiệu và các bộ phận hỗ trợ như văn thư, kế toán, thủ quỹ...
Như vậy, trường THCS Giảng Võ sẽ phải khai thác số phòng học còn lại. “Nếu thiếu, quận cho phép trường THCS Giảng Võ bổ sung thêm một số phòng chức năng tạm chuyển thành phòng học, trong giai đoạn trường THCS Giảng Võ 2 ‘học tạm’ tại đó”, ông Thuận nói.
Ông Thuận cho biết, dự kiến, khoảng tháng 8/2025, trường THCS Giảng Võ 2 sẽ xây dựng xong và cũng là một cơ sở khang trang, đẹp đẽ, thậm chí có phần “nhỉnh” hơn trường THCS Giảng Võ do được đầu tư cao hơn.
Về giáo viên, điều chuyển 41 thầy cô (căn cứ nguyện vọng, năng lực, độ tuổi, theo các bộ môn và cơ cấu định biên tương ứng với 27 lớp) từ trường THCS Giảng Võ sang trường THCS Giảng Võ 2. Việc điều chuyển này cũng phải phù hợp với việc cần có 20 lớp gồm 6 lớp 7, 7 lớp 8, 7 lớp 9 chuyển từ THCS Giảng Võ sang và vẫn phải đảm bảo chất lượng giáo dục vừa có toàn diện vừa có mũi nhọn.
“Đặc biệt, do giai đoạn quan trọng là tách trường nên giáo viên chủ nhiệm của 20 lớp (từ THCS Giảng Võ được chuyển sang THCS Giảng Võ 2) này phải được giữ nguyên cho năm học 2024-2025, để phụ huynh và học sinh yên tâm không quá nhiều xáo trộn. Như vậy, học sinh theo học lớp nào vẫn do giáo viên chủ nhiệm lớp đó đảm nhận khi chuyển trường ”, ông Thuận nói.
Học sinh theo học trường THCS Giảng Võ 2 chưa phải đóng mức học phí cao
Ông Thuận cho biết thêm, phụ huynh cũng không cần lo lắng về học phí bởi trường THCS Giảng Võ 2 đang trên lộ trình xây dựng chứ chưa chính thức thành trường chất lượng cao. Vì vậy các học sinh theo học chưa phải đóng mức học phí cao hơn mọi năm mà vẫn áp dụng mức của trường công lập thường.
Theo đó, những học sinh ở 20 lớp điều chuyển từ trường THCS Giảng Võ sang và 7 lớp 6 tuyển mới vào trường THCS Giảng Võ 2 năm học 2024-2025 sẽ vẫn thực hiện theo mô hình trường công lập bình thường, như các trường công khác ở Hà Nội.
“Dự kiến sau 2 năm tách từ trường THCS Giảng Võ, theo quy định, trường THCS Giảng Võ 2 sẽ tiến hành kiểm định chất lượng giáo dục, công nhận chuẩn quốc gia và đề xuất hoạt động theo mô hình trường chất lượng cao, thực hiện theo lộ trình ‘cuốn chiếu’ từ những lớp tuyển mới.
Như vậy, những học sinh đang được tuyển ở giai đoạn hiện nay sẽ được học dưới ngôi trường mà cơ sở vật chất chuẩn chất lượng cao, chuẩn quốc gia nhưng học phí lại theo mô hình trường công bình thường. Tức những học sinh mà thời điểm vào lớp 6, trường THCS Giảng Võ 2 còn là công lập bình thường, đến lớp 9 vẫn được áp dụng theo mô hình trường công.
Chỉ khi nào được UBND TP chấp thuận hoạt động theo mô hình trường chất lượng cao, những khối học sinh được tuyển mới vào mới phải đóng học phí theo mô hình này”.
Như vậy, theo ông Thuận, nếu theo phương án dự kiến của UBND quận, đến năm 2030, trường THCS Giảng Võ 2 mới là trường chất lượng cao toàn phần.
Vì vậy, ông Thuận cho rằng, việc học sinh được điều chuyển sang trường THCS Giảng Võ 2 thời điểm này không có vấn đề gì lớn.
Điều chuyển tại thời điểm này chưa cần thiết Theo phản ánh của phụ huynh tới VietNamNet, cần dừng ngay việc triển khai điều chuyển học sinh các lớp từ trường THCS Giảng Võ sang Trường THCS Giảng Võ 2 do Trường THCS Giảng Võ 2 chưa đủ điều kiện hoạt động giáo dục theo quy định. Việc điều chuyển tại thời điểm này chưa cần thiết vì tất cả các học sinh đều học chung tại Trường THCS Giảng Võ. Việc điều chuyển không đáp ứng theo yêu cầu của pháp luật về đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của học sinh, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục; vi phạm quy định về việc chuyển trường. Ngoài ra, phụ huynh cũng kiến nghị chỉ tiến hành việc điều chuyển sau khi việc hoàn thành cơ sở vật chất của Trường THCS Giảng Võ 2. Việc điều chuyển phải đảm bảo công khai, minh bạch, có tiêu chí rõ ràng, có sự tham vấn đối với các phụ huynh có con thuộc đối tượng điều chuyển và theo đúng quy định của pháp luật về chuyển trường. Hoàng Vân |
>> ‘Học sinh lớp 1 không được ăn liên hoan’: Hằn học của người lớn đừng đổ đầu con trẻ