Phường có diện tích nhỏ nhất Việt Nam, chưa đến 1km2 nhưng nằm ở vị trí đắc địa 'tấc đất tấc vàng'

19-04-2024 07:01|Linh Chi

Ngoài các lợi thế để phát triển du lịch như vị trí địa lý, làng nghề truyền thống, nơi đây còn có những ngôi nhà cổ kính, đậm dấu ấn thời gian hay các di tích văn hóa lịch sử.

Vị trí đắc địa giữa phố cổ Hà Nội

Người xưa vẫn có câu:

Ổi Quảng Bá, cá hồ Tây

Hàng Đào tơ lụa làm say lòng người

Phường Hàng Đào thuộc quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, là nơi có vị trí đắc địa. Phía Đông phường Hàng Đào giáp phường Hàng Buồm, Hàng Bạc; Phía Nam giáp phường Hàng Bạc, Hàng Trống, Hàng Gai; Phía Tây giáp các phường Hàng Gai, Hàng Bồ và phía Bắc giáp phường Hàng Bồ, Hàng Mã, Đồng Xuân, Hàng Buồm..

Phố Hàng Đào thuộc phường Hàng Đào.

Phố Hàng Đào thuộc phường Hàng Đào.

Phường Hàng Đào gồm các phố Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Đường và một phần các phố: Hàng Cá, Hàng Buồm, Hàng Bạc, Hàng Bồ, Hàng Cân, Chả Cá, Nguyễn Siêu, Lãn Ông, Lương Văn Can.

Đặc biệt, dù nằm ở vị trí đắc địa, tấc đất tấc vàng nhưng đây là phường có diện tích nhỏ nhất Việt Nam, chỉ 0,07km2, dân số thống kê năm 2021 là 5.339 người.

Trong tác phẩm "Dư địa chí" (thế kỷ 15), Nguyễn Trãi có ghi: "Phường Hàng Đào nhuộm điều". Xưa kia phố chuyên nhuộm và bán các loại vải nhuộm đỏ, màu hồng, màu hoa đào và rất nhiều các màu khác. Tuy nhiên ngày nay phố không còn bán vải nữa mà bán các hàng quần áo, vật dụng, vàng bạc, thủ công mỹ nghệ, hàng cao cấp và hàng xa xỉ.

Phường Hàng Đào với những con phố thuộc khu phố cổ Hà Nội là nơi nổi tiếng với những nghề truyền thống của Việt Nam.

Phố Hàng Đào xưa chuyên nghề nhuộm tơ lụa có từ thời Trần, Hồ, đến đời Lê đã rất sầm uất. Các nhà bán vải chủ yếu là bán lẻ. Phiên chợ tơ của phố mở vào ngày mồng 1 và 6 âm lịch hàng tháng.

Phố Hàng Ngang trước là phố bán đồ tơ lụa màu xanh lam; đến thế kỷ 19 có tên là phố Việt Đông, phố những người Hoa Kiều Quảng Đông. Khu phố Hoa Kiều buôn bán sầm uất, giàu có, hai đầu phố làm hai cánh cổng để buổi tối đóng lại, đó có thể là một nguồn gốc của tên gọi Hàng Ngang. Thời nhà Lê, người Hoa Kiều tập trung bán hàng chè, thuốc, nhà giàu có thì bán vải vóc, gấm đoạn, nhiễu, sa tanh. Về sau có thêm cửa hàng bán vải của người Ấn Độ.

Hiện nay phố Hàng Ngang chủ yếu bán các mặt hàng quần áo, hàng tiêu dùng cao cấp, xa xỉ. Trên phố có một số cửa hiệu vẽ truyền thần.

Phố Hàng Ngang cũng thuộc phường Hàng Đào, trước đây chuyên bán đồ tơ lụa xanh lam.

Phố Hàng Ngang cũng thuộc phường Hàng Đào, trước đây chuyên bán đồ tơ lụa xanh lam.

Phố Hàng Đường xưa kia là phố bán các loại bánh kẹo, hàng làm từ mật, đường mía, đường phèn. Đường phèn từ Quảng Ngãi, đường mật mía từ các vùng qua tay lái buôn rồi đem đến phố bán lẻ hoặc chế biến thành các loại bánh kẹo. Những tháng tấp nập nhất là trước Tết và Rằm trung thu. Ngày nay tại phố Hàng Đường vẫn còn nhiều cửa hàng bán mứt kẹo, đặc biệt là ô mai ngon có tiếng.

Với những hàng hóa đặc trưng, phường Hàng Đào là nơi không thể bỏ qua của du khách trong và ngoài nước mỗi khi ghé thăm Hà Nội. Ngày thường, nơi đây vô cùng tấp nập du khách và người mua kẻ bán. Vào mỗi cuối tuần lại càng trở nên đông đúc khi những con phố chính thuộc phường Hàng Đào trở thành phố đi bộ đêm. Trên dọc đường là những sạp hàng hóa đủ các mặt hàng đặc trưng của các con phố hay đồ lưu niệm dành cho khách du lịch.

Phố Hàng Đường thuộc phường Hàng Đào cũng là nơi chuyên bán bánh kẹo, ô mai nổi tiếng Hà Nội.

Phố Hàng Đường thuộc phường Hàng Đào cũng là nơi chuyên bán bánh kẹo, ô mai nổi tiếng Hà Nội.

Nhiều di tích lịch sử

Ngoài các lợi thế để phát triển du lịch như vị trí địa lý, làng nghề truyền thống hay đặc trưng phong cách sống của người Hà thành, phường Hàng Đào có những ngôi nhà cổ kính, có kiến trúc pha lẫn giữa kiến trúc Pháp và Đông Dương tạo nên vẻ đẹp trầm mặc, đậm dấu ấn thời gian.

Những ngày cuối tuần, các con phố ở phường Hàng Đào trở thành phố đi bộ tấp nập, đông đúc.

Những ngày cuối tuần, các con phố ở phường Hàng Đào trở thành phố đi bộ tấp nập, đông đúc.

Phường Hàng Đào cũng có nhiều di tích lịch sử, có thể kể đến như Nhà số 10 là di tích trường Đông Kinh Nghĩa Thục; Miếu Đồng Lạc số nhà 31; Đình Đồng Lạc ở số nhà 38 thờ Bạch Mã, Linh Lang, Cao Sơn; Nhà số 48 Hàng Ngang, là nơi chủ tịch Hồ Chí Minh viết bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1945, thời gian đó ngôi nhà của ông Trịnh Phúc Lợi dành cho chính quyền làm việc, hiện nay trở thành bảo tàng; Chùa Cầu Đông, tên cũ là chùa Đức Môn, số 38 Hàng Đường, trong chùa ngoài tượng Phật còn có tượng Trần Thủ Độ và Trần Thị Dung; Đình Đức Môn ở cạnh chùa Cầu Đông, thờ Ngô Văn Long, một vị tướng thời Hùng Vương.

>>Quận Thủ đô Hà Nội hơn 10 tuổi: Sở hữu 12 trường THPT 'ai cũng muốn vào', có nơi học phí 800 triệu đồng/năm

Kho báu khổng lồ chứa 1.000 tấn vàng nằm im dưới hố thiên thạch 2 tỷ năm, thành phố có 550.000 cư dân nhưng vì sao không ai dám khai thác?

Thông tin thú vị về nhà hàng ở phố cổ Hà Nội nơi Tim Cook uống cà phê trứng

Theo Chất lượng và Cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/phuong-co-dien-tich-nho-nhat-viet-nam-chua-den-1km2-nhung-nam-o-vi-tri-dac-dia-tac-dat-tac-vang-d120785.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Phường có diện tích nhỏ nhất Việt Nam, chưa đến 1km2 nhưng nằm ở vị trí đắc địa 'tấc đất tấc vàng'
    POWERED BY ONECMS & INTECH