CTCP Chế tạo Giàn khoan Dầu khí - PV Shipyard (Mã PVY - UPCoM) công bố kết quả kinh doanh quý 4 và cả năm 2022 tiếp tục chưa ghi nhận tín hiệu tích cực trở lại.
Trong quý 4/2022, công ty đạt doanh thu gần 94 tỷ đồng - giảm gần 13 tỷ so với cùng kỳ năm trước; việc kinh doanh dưới giá vốn khiến PVY lỗ gộp 4 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi gộp gần 2,8 tỷ.
Kỳ này, chi phí tài chính và chi phí quản lý doanh nghiệp của công ty tăng lần lượt 10% và 213% YoY lên mức 14,6 tỷ và gần 12,8 tỷ.
Sau trừ các khoản thuế phí, PVY báo lỗ ròng 31 tỷ đồng trong khi cùng kỳ chỉ lỗ 14 tỷ. Dù vậy, mức lỗ này đã giảm nhẹ so với số lỗ 34 tỷ trong quý trước đó. Đây cũng là quý lỗ thứ 21 liên tiếp của công ty kể từ khi cổ phiếu PVY giao dịch trên sàn UPCoM cuối năm 2017.
Xa hơn, công ty đã liên tục báo lỗ kể từ quý 3/2016 đến nay.
Phía công ty cho biết, việc lỗ ròng quý 4/2022 là do giá nguyên liệu đầu vàng như xăng dầu, chi phí nhân công tăng; biến động của nền kinh tế thế giới khiến việc tìm kiếm công việc gặp nhiều khó khăn.
Ngoài ra, việc công ty kinh doanh thu lỗ nên chỉ ký được các hợp đồng có giá trị nhỏ với tỷ suất lợi nhuận thấp khiến thu không đủ bù đắp chi phí khấu hao, chi phí lãi vay.
Cả năm 2022, Chế tạo Giàn khoan Dầu khí đạt tổng doanh thu gần 315 tỷ đồng - giảm 15% so với cùng kỳ; lỗ gộp 42 tỷ đồng. Cộng với việc chi phí lãi vay vẫn ở mức cao với 54 tỷ và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng tới 79% YoY khiến PVY lỗ ròng 115,4 tỷ đồng - mức lỗ cao nhất kể từ năm 2017.
Đây cũng là quý lỗ thứ 7 liên tiếp của doanh nghiệp chế tạo máy này. Trước đó trong năm 2016, PVY thậm chí lỗ sau thuế tới gần 414 tỷ đồng.
Phần lỗ lũy kế tính đến ngày 31/12/2022 tăng lên mức 1.005 tỷ đồng qua đó khiến vốn chủ sở hữu âm gần 408 tỷ.
Đvt: Tỷ đồng |
Tính đến cuối quý 4/2022, tổng tài sản của công ty giảm về 684 tỷ đồng trong đó có 84 tỷ đồng giá trị hàng tồn kho, 108,6 tỷ đồng phải thu ngắn hạn (đã trích lập dự phòng nợ xấu 11,6 tỷ), 38,3 tỷ đồng tiền mặt và tương đương.
Trong khi đó, công ty đang nợ tới 1.091,6 tỷ đồng trong đó gần như toàn bộ là nợ ngắn hạn (gồm 569 tỷ vay nợ tài chính ngắn hạn). Vay nợ lớn và vốn chủ âm tiếp tục khiến PVY phải nặng lưu với các khoản chi phí lãi vay và để trống khả năng trả các khoản nợ đến hạn.
Thực tế, hiện PVY không còn khoản vay ngắn hạn mới trong khi khoản vay dài hạn đến hạn trả hiện vẫn còn gần 492 tỷ đồng. Đây là khoản vay quá hạn của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam ủy thác qua Tổng CTCP Dầu khí Việt Nam (nay là ngân hàng PVcombank).
Khoản vay nợ dài hạn đến cuối năm 2022 giảm mạnh về còn 40 tỷ đồng. Đây là khoản vay tại PVcombank cách đây gần 10 năm.
Đến cuối năm 2022, chi phí lãi vay lũy kế của PVY đã tăng lên mức 323 tỷ đồng.
Cơ cấu cổ đông tại PVY đến ngày 31/12/2022 |
PV Shipyard được thành lập từ năm 2007 bởi các cổ đông chiến lược: Tập đoàn Dầu khí Quốc Gia Việt Nam, Tổng CTCP Dịch Vụ Kỹ Thuật Dầu Khí (PTSC), BIDV, Tổng CTCP Lắp máy Việt Nam (Lilama), Tổng Công ty Công nghiệp Tàu thủy (SBIC). Ngành nghề kinh doanh chính của PVY là chuyên đóng mới, sửa chữa, hoán cải các loại giàn khoan, giàn khoan khai thác dầu khí, tàu thủy, phương tiện nổi và các thiết bị liến quan; kinh doanh các loại thiết bị và nguyên vật liệu liên quan,... trên địa bàn tại khu vực Vũng Tàu, các khách hàng trong khu vực và quốc tế. Được biết, tình hình kinh doanh không khả quan khiến các cổ đông lớn bất đồng về kế hoạch đề ra cho năm 2022. Biên bản ĐHCĐ thường niên 2022 cho thấy, Tổng Công ty PTSC đề nghị PV Shipyard thực hiện các giải pháp để đạt được kế hoạch năm 2022 và giảm thiểu lỗ. Tổng Công ty Công nghiệp Tàu thuỷ và Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam cùng không thông qua kế hoạch năm 2022, đề nghị tăng doanh thu và có phương án khắc phục lỗ luỹ kế đã vượt quá vốn điều lệ. |
Thế giới Di động làm gì khi gần 60.000 nhân viên nghỉ việc?
Một doanh nghiệp tại Thanh Hóa có gần 12.000 tỷ đồng lãi vay quá hạn thanh toán