Thời gian gần đây khi xuất hiện những phiên chìm trong sắc đỏ, có rất nhiều luồng ý kiến khác nhau về tương lai của chứng khoán Việt nam trong năm 2021 và những năm tiếp theo. Có người cho rằng “Chứng khoán đã hết vị, những gì tốt đẹp nhất đã được thể hiện, đỉnh đã được xác lập và từ giờ chỉ là downtrend”.
Lại có người nói “Dịch dã thế này, chỉ biết oánh chứng, chứ biết làm gì bây giờ. Chỉnh vài phiên rồi lại bon thôi”. Đa số đều không đưa ra lý do một cách khách quan, hầu hết đều “phán” theo kiểu “Đã nói rồi nhé, không tin ráng chịu”. Là nhà đầu tư chúng ta luôn cần xác định được xu hướng chủ đạo, hay gọi là trend trong một chu kỳ nhất định. Nếu chưa gãy trend, thì việc cần làm là phải tìm kiếm cơ hội trong những nhịp điều chỉnh. Còn nếu thực sự “gió đổi chiều”, thì nên out hẳn ra ngoài, tìm kênh đầu tư khác. Vì thế việc xác định trend là quan trọng gấp nhiều lần mấy cái “phím hàng” vớ vẩn.
Lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam thực sự có 3 cơn sóng lớn, đầu tiên là năm 2006-2007. Tiếp đến là năm 2018, và cuối cùng là cơn sóng hiện nay. Trong bài viết này, tôi xin đưa một vài con số so sánh, để các bạn cùng xem xét về triển vọng của thị trường chứng khoán Việt nam.
1. Năm 2007 khi Vn-index đạt đỉnh 1172, P/E = 35 – Thanh khoản trung bình = 1.000 tỷ, tương đương 60 triệu USD – Tổng số TK CK = 200.000.
2. Năm 2018 khi Vn-index chạm 1200, P/E = 23 – Thanh khoản trung bình = 7.000 tỷ, tương đương 300 triệu USD – Tổng số TK CK = 2 triệu.
3. Ngày 1/7/2021 khi Vn-index vượt 1400 điểm, P/E = 19 – Thanh khoản trung bình = 24.000 tỷ, tương đương 1 tỷ USD – Tổng số TK CK = 3.5 triệu.
Có lẽ đây là những con số biết nói, không cần phân tích nhiều. Ngoại trừ một lưu ý, do thống kê vào ngày 1/7/2021 chưa tính kết quả kinh doanh Quí 2/2021. Giả định khi Vn-index điều chỉnh về 1280, tức P giảm 10%, còn E (trailing) lại tăng 10%, khi đó P/E sẽ bằng 15.5. Nếu giả định E (trailing 4 quí năm 2021) tiếp tục tăng 5% vào ngày cuối cùng của năm 2021, thì nếu P/E = 17, thì P sẽ tăng 15% so với thời điểm 1280, tức tương đương 1470.
Về mặt vĩ mô thì rõ ràng năm 2021 cả thế giới, trong đó có Việt nam vẫn đang ưu tiên chống đại dịch Covid-19. Chính sách tiền tệ hỗ trợ kinh tế (nới lỏng) không chỉ trong năm nay, mà vẫn tiếp tục được duy trì trong cả năm 2022. Mặc dù đối mặt với lạm phát (tôi tin con số CPI thực của chúng ta đang cao hơn nhiều), nhưng Chính phủ vẫn nỗ lực hết sức để chưa phải siết chặt. Nhìn từ bài học của nước Mỹ, kinh tế dù trải qua đau thương, nhưng vẫn có những cơ hội phục hồi mạnh mẽ. GDP năm nay của chúng ta vẫn kỳ vọng đạt trên 6%.
Như tôi đã đưa ra cảnh báo cách đây hơn 2 tuần, TTCK Việt nam đang đối diện với những rủi ro về mặt định giá, về tiền không còn “rẻ” nữa, về kinh tế ngấm đòn dịch bệnh, về lượng cổ phiếu phát hành thêm đột biến. Tuy nhiên, năm 2021 chứng khoán đã trưởng thành hơn, đã có sự khác biệt rất lớn so với 2007 và 2018. Cá nhân tôi vẫn tin tưởng vào xu hướng không thể đảo ngược của TTCK trong chu kỳ 2020-2023.
Trong một big trend, điều chỉnh kể cả có kéo dài hàng tháng, vẫn được coi là cơ hội lớn để tích lũy và gia tăng tài sản tốt. Thế nhưng phải thật kiên nhẫn, để có đủ “lực lượng” khi cần thiết. Chỉ khi điều khiển được cảm xúc, biết cách quản trị rủi ro, có phương pháp đầu tư chuẩn mực, thì mới có thể nhìn thấy quả ngọt ở cuối con đường.