Chứng khoán

Thay thế 100% xe máy xăng sang xe điện cho 400.000 tài xế công nghệ và shipper tại TP. HCM

Hải Băng 20/05/2025 - 06:41

TP.HCM đề xuất chuyển đổi toàn bộ 400.000 xe máy xăng sang xe máy điện cho lực lượng tài xế công nghệ và shipper, nhằm giảm phát thải và tiết kiệm chi phí nhiên liệu. Lộ trình đặt mục tiêu hoàn tất 100% chuyển đổi trong vòng 3 năm, bắt đầu từ năm 2026.

Đề xuất thay thế toàn bộ 400.000 xe máy xăng của lực lượng tài xế công nghệ và shipper bằng xe máy điện

TP. HCM đang đẩy nhanh chiến lược chuyển đổi phương tiện xanh với mục tiêu đầy tham vọng là thay thế toàn bộ 400.000 xe máy xăng của lực lượng tài xế công nghệ và shipper bằng xe máy điện. Đề xuất này nằm trong khuôn khổ chương trình “Chuyển đổi xanh - TP. HCM mở rộng”, do Viện Nghiên cứu phát triển TP. HCM phối hợp với Tập đoàn Vingroup (HoSE: VIC) và Đại học VinUni triển khai.

Thay thế 100% xe máy xăng sang xe điện cho 400.000 tài xế công nghệ và shipper tại TP. HCM
Ảnh minh họa

Trao đổi với Báo Thanh Niên, thạc sĩ Lê Thanh Hải của Viện Nghiên cứu phát triển TP. HCM cho biết, sau quá trình khảo sát thực địa và xác định nhu cầu, TP. HCM dự kiến hoàn thiện kế hoạch tổng thể chuyển đổi phương tiện vào tháng 6/2025 và tổ chức hội thảo chuyên gia trong tháng 7/2025 để tham vấn, trước khi trình đề xuất chính thức lên Trung ương vào tháng 8/2025. Mục tiêu là từ tháng 1/2026, chương trình chuyển đổi sẽ được triển khai, hướng tới thay thế 80% trong 2 năm đầu và đạt 100% vào năm thứ 3.

Để hỗ trợ quá trình này, TP. HCM đang kiến nghị Trung ương miễn thuế trước bạ và thuế giá trị gia tăng (GTGT) trong vòng 2 năm đối với xe máy điện do tài xế công nghệ và giao hàng mua sử dụng. Đồng thời, miễn thuế GTGT cho dịch vụ vận chuyển nếu sử dụng xe điện trong thời gian 30 tháng.

Lý do chọn nhóm tài xế công nghệ và giao hàng làm đối tượng ưu tiên là bởi đây là lực lượng có mật độ di chuyển dày đặc, góp phần không nhỏ vào tổng lượng khí thải đô thị. Theo nghiên cứu, việc chuyển đổi không chỉ giúp tiết giảm phát thải mà còn mang lại lợi ích kinh tế rõ rệt: tài xế có thể tiết kiệm từ 40.000 - 60.000 đồng/ngày nhờ chi phí nhiên liệu rẻ hơn và giảm chi phí bảo trì, sửa chữa do cấu trúc đơn giản của xe điện.

Doanh nghiệp và Nhà nước cùng vào cuộc

Không đợi đến khi chính sách hoàn tất, nhiều doanh nghiệp công nghệ vận tải đã chủ động mở đường. Be Group, Grab và Xanh SM là những cái tên tiên phong.

Xanh SM - nền tảng dùng hoàn toàn xe điện hiện đã vươn lên dẫn đầu thị trường gọi xe công nghệ tại Việt Nam, vượt qua cả Grab về số lượng chuyến đi trong mảng xe công nghệ tại nhiều đô thị lớn là minh chứng cho tính hiệu quả.

Be Group thông tin, hiện tại xe điện chiếm khoảng 10% trên tổng số 500.000 tài xế đang hoạt động cùng hãng. Be Group đang triển khai nhiều chương trình ưu đãi như giảm giá khi mua xe VinFast, Selex và cung cấp gói vay lãi suất 0%, hay 30% cho gói đổi pin trong năm đầu tiên giúp tài xế dễ dàng tiếp cận phương tiện điện.

Đại diện Grab Việt Nam cũng xác nhận đang tích cực chuẩn bị tham gia sâu hơn vào quá trình chuyển đổi, sau khi tập đoàn mẹ ký hợp tác khu vực với BYD (Trung Quốc) để mua 50.000 xe điện phục vụ tài xế tại Đông Nam Á.

Thay thế 100% xe máy xăng sang xe điện cho 400.000 tài xế công nghệ và shipper tại TP. HCM
Chạy xe điện giúp tài xế tiết kiệm từ 40.000 - 60.000 đồng/ngày

Tại góc độ cơ chế hỗ trợ, Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp (BSSC), Viện Nghiên cứu phát triển TP. HCM và Chương trình Phát triển LHQ (UNDP) tại Việt Nam từng triển gói vay tối đa 25 triệu đồng, lãi suất 0% trong 12 tháng cho tài xế thường trú tại TP. HCM có nhu cầu mua xe điện, ưu tiên nhóm làm nghề giao hàng và vận chuyển hành khách.

Tác động môi trường của chương trình chuyển đổi cũng được tính toán kỹ. Nếu thay thế toàn bộ 400.000 xe máy xăng bằng xe điện, TP. HCM có thể giảm tới 750 tấn khí CO2 trong 5 năm, đồng thời giảm phát thải NOx và bụi mịn PM2.5 - những tác nhân chính gây ô nhiễm không khí đô thị.

Tuy nhiên, khó khăn vẫn còn. Việc đầu tư xe điện ban đầu tốn kém, thời gian sạc dài, hạ tầng trạm sạc chưa hoàn chỉnh vẫn là rào cản. Do đó, song song với khuyến khích chuyển đổi, TP. HCM đang xây dựng Đề án kiểm soát khí thải phương tiện, với trọng tâm là các chính sách thu mua xe cũ, đổi xe xăng lấy xe điện và phân vùng hạn chế xe sử dụng nhiên liệu hóa thạch tại một số khu vực.

PGS.TS Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu GTVT Việt Đức nhận định Việt Nam đang đứng top 4 quốc gia trong khu vực ASEAN về tốc độ điện hóa giao thông, nhờ lợi thế sản xuất trong nước. Theo ông Tuấn, với việc metro phát triển nhưng không đi kèm mạng lưới phân phối hành khách từ “cửa tới cửa” bằng phương tiện xanh thì khó đạt được mục tiêu giảm phát thải.

Để thực sự đẩy nhanh cuộc cách mạng giao thông điện, ông Tuấn nhấn mạnh cần sự cầm trịch từ Nhà nước. Không chỉ dừng lại ở ưu đãi thuế, phí, mà còn cần quy hoạch trạm sạc, phân vùng phát thải, hỗ trợ tài chính tiêu dùng, cũng như truyền thông thay đổi thói quen đi lại. Nếu chính sách đủ mạnh, giao thông xanh hoàn toàn có thể về đích sớm hơn dự kiến.

>> Vingroup (VIC) phối hợp với TP. HCM lên kế hoạch chuyển đổi xe điện cho 400.000 tài xế công nghệ và shipper

Nhận định chứng khoán 20/5: Thận trọng thị trường điều chỉnh

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng nhận 'mệnh lệnh' từ Thủ tướng tại đại công trường dự án Top 10 thế giới

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/thay-the-100-xe-may-xang-sang-xe-dien-cho-400000-tai-xe-cong-nghe-va-shipper-tai-tp-hcm-290227.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Thay thế 100% xe máy xăng sang xe điện cho 400.000 tài xế công nghệ và shipper tại TP. HCM
    POWERED BY ONECMS & INTECH