Quán karaoke đồng loạt thay vật liệu mới, tiếc nuối những phòng hát tiền tỷ
Để đáp ứng tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy mới của Bộ Xây dựng, một số quán karaoke trên địa bàn Nghệ An bắt đầu phá dỡ nội thất phòng hát, thay thế các vật liệu mới trong tiếc nuối.
Trao đổi với PV VietNamNet cuối tuần qua, ông Nguyễn Mạnh Tuấn - chủ doanh nghiệp karaoke Apec kiêm Chủ tịch Hiệp hội Karaoke Nghệ An, cho biết, nhiều ngày qua doanh nghiệp của ông đã phá bỏ các phòng hát được đầu tư hàng tỷ đồng từ trước, chuẩn bị đưa các vật liệu theo quy chuẩn mới 06 của Bộ Xây dựng vào thay thế.
Các phòng karaoke được trang hoàng lộng lẫy ngày nào ở TP. Vinh bây giờ như một bãi “chiến trường” khi bị bóc tách, phá dỡ để làm lại từ đầu.
Các chủ doanh nghiệp như ông Tuấn không khỏi xót xa, tiếc nuối khi khối tài sản rất lớn phải bỏ đi mà không thể tái sử dụng.
Ngồi cạnh đống vật liệu mới bóc tách từ phòng hát Apec, ông Tuấn kể, từ năm 2019, doanh nghiệp của ông đầu tư 20 phòng hát trị giá khoảng 25 tỷ đồng. Mới đưa vào hoạt động gần 1 năm thì đại dịch Covid-19 bùng phát, việc kinh doanh bị ngưng trệ trong suốt 2 năm liền.
Rồi doanh nghiệp lại phải đóng cửa, buộc phải thay đổi để đáp ứng quy chuẩn mới về phòng cháy chữa cháy (PCCC). Phòng hát luôn phải có người túc trực bảo vệ, bảo trì máy móc với chi phí không nhỏ.
Để được hoạt động trở lại, ông Tuấn phải phá bỏ các phòng hát cũ, sữa chữa bằng vật liệu xây dựng mới. Đầu tư rất lớn vào phòng hát karaoke, nhưng chỉ trong thời gian ngắn ông lại phải phá bỏ. Bình quân mức đầu tư mỗi phòng hát ở quán Apec là khoảng 1 tỷ đồng.
“Bản thân tôi là người thượng tôn pháp luật. Tuy nhiên, cơ chế và quy định mới về PCCC đã gây ảnh hưởng rất lớn tới doanh nghiệp. Bởi đặc thù vật liệu phòng hát karaoke là không thể tái sử dụng. Tháo dỡ xong phải làm mới lại bằng vật liệu theo quy chuẩn 06 của Bộ Xây dựng, từ hệ thống đường điện đến phòng ốc”, ông Tuấn bộc bạch.
Chỉ tính riêng chi phí vận chuyển phế liệu, vật liệu ra khỏi phòng hát và xử lý theo quy chuẩn bảo vệ môi trường đã ngốn của ông Tuấn hàng trăm triệu đồng, chưa kể tính tiền công thuê người bóc dỡ.
“Tất cả phải bỏ đi trừ hệ thống âm thanh, loa máy. Chúng tôi thiệt hại kép khi phải bỏ ra số tiền đầu tư mới. Chi phí vật liệu mới và nhân công xấp xỉ 20 tỷ đồng. Công việc sửa chữa mất ít nhất 5-7 tháng mới hoàn thành”, ông Tuấn cho hay.
Quá trình thực hiện theo quy chuẩn mới, các công đoạn thi công đều có sự giám sát của cán bộ chuyên ngành PCCC ở Nghệ An.
“Đa số doanh nghiệp, hộ gia đình kinh doanh karaoke ở Nghệ An đều muốn sửa chữa theo quy chuẩn mới về PCCC. Thế nhưng lực bất tòng tâm. Ngân hàng không cho thế chấp vay vốn. Bởi nguồn vốn đầu tư ban đầu đã đổ hết vào phòng karaoke, chưa kịp thu hồi nay phải phá bỏ làm lại. Thiệt hại cho doanh nghiệp số tiền rất lớn” - ông Tuấn nói.
Vì thế, không phải doanh nghiệp hay chủ hộ kinh doanh nào cũng đủ sức đầu tư mới lại các phòng hát theo tiêu chuẩn mới.
Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 399 cơ sở kinh doanh karaoke, quán bar... Trong đó, có 174 cơ sở bị đình chỉ hoạt động, 221 cơ sở kinh doanh tự dừng hoạt động.
Đến nay, mới có 4 cơ sở kinh doanh trên địa bàn đủ điều kiện hoạt động trở lại.
Hình ảnh công đoạn phá dỡ hệ thống phòng hát karaoke từng được đầu tư triệu đô:
Đột phá cơ chế để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công
Muốn xây chung cư mini ở TP. HCM, đường vào phải rộng tối thiểu 3,5m