Quảng Ngãi: Kiên quyết, không nhân nhượng trong xử lý các trường hợp vi phạm IUU
Để góp phần cùng cả nước gỡ “thẻ vàng EC” đối với ngành thủy sản, tỉnh Quảng Ngãi đang triển khai đợt cao điểm tăng cường kiểm tra, kiểm soát tàu ra vào cảng; kiên quyết xử lý các tàu cá khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU).
Ý thức ngư dân tăng cao
Thời gian qua, tàu cá trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi sau khi đánh bắt trở về đều cập vào các cảng cá, chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật.
Ngư dân Phạm Duy Lân, chủ tàu kiêm thuyền trưởng tàu cá QNg90711 TS, chuyên hành nghề câu tại vùng biển Hoàng Sa chia sẻ, đi khai thác trái phép vùng biển nước ngoài sản lượng có thể tăng nhưng nguy cơ bị lực lượng chức năng nước bạn bắt giữ cao, khi trở về bị lực lượng chức năng nước mình xử phạt nặng. "Đã có nhiều trường hợp ngư dân địa phương bị chính quyền xử phạt; tôi đã nắm chắc được pháp luật nên chỉ khai thác ở vùng biển của mình, không xâm phạm vùng biển nước ngoài", anh Lân khẳng định.
Còn ngư dân Phạm Trung Thực, chủ tàu cá Qng 97258 TS cho hay: Thời gian qua, chính quyền địa phương, lực lượng biên phòng đã thường xuyên tuyên truyền cho ngư dân về trách nhiệm, quyền hạn, nghĩa vụ của ngư dân khi hành nghề trên biển. Qua những lần được phổ biến, đến nay bà con ngư dân đã tuân thủ việc đánh bắt đúng ngành nghề đăng ký, không đi sai vùng, không vượt ranh giới cho phép, đồng thời cũng ghi nhật ký khai thác thủy sản đầy đủ để hoàn thiện hồ sơ, đúng với yêu cầu, quy định của Nhà nước.
Lực lượng chức năng tuyên truyền pháp luật đến ngư dân - Ảnh: VGP/Lưu Hương
Tăng cường kiểm soát tàu ra, vào cảng
Thực hiện đợt cao điểm chống khai thác IUU, những ngày này, tại các cảng cá, đội kiểm soát của các đồn Biên phòng địa phương thường xuyên có mặt để phối hợp cùng Văn phòng kiểm soát IUU kiểm soát tàu cá ra, vào cảng. Đối tượng kiểm tra trong đợt cao điểm này là tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên, khai thác hải sản ở vùng biển xa bờ.
Ông Nguyễn Ngọc Thanh, Phó Tham mưu trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi cho biết: "Trước khi làm thủ tục, chúng tôi kiểm tra chặt chẽ các loại giấy phép, trang thiết bị an toàn kỹ thuật, nhất là tình trạng hoạt động của thiết bị giám sát hành trình (VMS). Tuyệt đối không cho tàu cá xuất cảng, xuất bến đi hành nghề khi chưa đủ các thủ tục giấy tờ, trang thiết bị và không đảm bảo các yêu cầu về hoạt động khai thác hải sản theo quy định của pháp luật".
"Trong chống khai thác IUU, ý thức trách nhiệm của ngư dân đóng vai trò rất quan trọng, bởi vi phạm của một vài cá nhân riêng lẻ sẽ ảnh hưởng đến nỗ lực chung của các cấp, các ngành và số đông ngư dân chấp hành tốt. Vì thế, trong đợt cao điểm này, chúng tôi mong muốn tất cả ngư dân Quảng Ngãi phải cùng đồng lòng, "nói không" và "cần nói không" với vi phạm khai thác IUU", ông Nguyễn Ngọc Thanh cho hay.
Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ngãi cho biết, tính đến cuối tháng 2/2024, tổng số tàu cá của tỉnh được cập nhật vào hệ thống cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (VNFishbase) là 4.242 chiếc. Trong đó, có 3.643 tàu đã được cấp Giấy phép khai thác thủy sản. Có 2.947/3.099 tàu cá có chiều dài 15 m trở lên bắt buộc phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình.
Hiện còn 20 tàu cá neo đậu trong tỉnh và ngoài tỉnh chưa lắp thiết bị giám sát hành trình, chủ yếu là tàu cá có công suất nhỏ, làm nghề khai thác cá nổi nhỏ, hoạt động gần bờ, đi về ở các bãi ngang ven biển và tàu hoạt động ngoài tỉnh nhiều năm không về địa phương...
Từ đầu năm 2023 đến nay, các cơ quan chức năng đã xử lý 249 lượt tàu cá mất kết nối, xử phạt 26 trường hợp; xử lý 33 tàu cá vượt ranh giới cho phép trên biển; xử phạt vi phạm hành chính 58 trường hợp/56 phương tiện với tổng số tiền hơn 10 tỷ đồng.
Xác định đợt thanh tra lần thứ 5 của EC sắp tới đây có ý nghĩa rất quan trọng trong việc gỡ cảnh báo "Thẻ vàng" đối với việc khai thác thủy sản cho các tỉnh, thành phố ven biển của cả nước, tỉnh Quảng Ngãi đang nỗ lực khắc phục những hạn chế, tồn tại, chuẩn bị tốt các điều kiện làm việc với đoàn.
Ông Trần Phước Hiền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đã yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và địa phương liên quan cần tập trung thực hiện các giải pháp trọng tâm như: Tăng thời lượng, tần suất thông tin, tuyên truyền trong đợt cao điểm từ nay đến hết tháng 4/2024; công tác tuyên truyền cần đổi mới, có trọng tâm, trọng điểm, đặc biệt là tập trung vào nhóm tàu cá có nguy cơ cao vi phạm khai thác IUU; kiểm soát chặt chẽ tàu cá "3 không" (không đăng ký, không đăng kiểm, không cấp phép); không cho tàu cá đi khai thác thủy sản nếu không đầy đủ các giấy tờ liên quan… với tinh thần kiên quyết, không nhân nhượng, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, xử lý ở mức cao nhất theo quy định; công khai, minh bạch thông tin xử lý vi phạm, không để sót trường hợp vi phạm mà không bị xử lý.