Quảng Ninh đẩy mạnh ứng dụng KHCN trong phát triển kinh tế biển

30-11-2023 17:18|PV

Thực hiện nhiều giải pháp, thông qua ứng dụng khoa học công nghệ, Quảng Ninh đã tận dụng tối đa tài nguyên biển, thúc đẩy sự đổi mới và phát triển kinh tế biển bền vững.

Tăng năng lực cho hệ thống cảng biển

Với bờ biển dài 250km, Quảng Ninh có nhiều khu vực nước sâu và điều kiện thuận lợi, giúp hình thành một hệ thống cảng biển mạnh mẽ. Cảng nước sâu của Quảng Ninh có khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải lớn, tạo nên một trung tâm kinh tế cảng biển quan trọng. Hệ thống cảng này không chỉ chuyên về giao thương hàng hóa mà còn là trung tâm logistics quy mô lớn, đóng vai trò quan trọng trong quá trình kết nối Việt Nam với thế giới. Đồng thời kết nối với các âu tàu du lịch đẳng cấp quốc tế và hỗ trợ phát triển kinh tế trong chuỗi khu kinh tế và khu đô thị biển.

images870107 a.jpeg
Cảng Cái Lân

Theo Sở GTVT tỉnh, hiện trên địa bàn tỉnh có 59 doanh nghiệp có trụ sở đóng trên địa bàn tỉnh tham gia hoạt động cảng biển, dịch vụ cảng biển. Những doanh nghiệp này đều bố trí nguồn lực đầu tư thêm thiết bị, công nghệ bốc xếp hàng hóa hiện đại (cẩu nổi, xe nâng), tiệm cận với hệ thống bốc xếp hàng hóa trong khu vực, đơn cử như: Công ty TNHH VTB Bạch Đằng, Công ty TNHH Huy Mạnh, Công ty CP Vận tải và Xếp dỡ Quảng Ninh. Do vậy, năng lực bốc xếp hàng hóa từ tàu biển của doanh nghiệp Quảng Ninh đã đạt 20.000 tấn/ngày, có khả năng giải phóng hàng hóa trên tàu biển có trọng tải đến 120.000 DWT.

Nhờ đó, tổng công suất khai thác hệ thống cảng biển của Quảng Ninh đạt khoảng 170 triệu tấn/năm, chủ yếu sản lượng hàng hóa thông qua hệ thống khu bến Cái Lân, khu bến Cẩm Phả. Cũng trong giai đoạn này, tổng lưu lượng hành khách vận tải biển đạt 130.242 lượt khách; tổng kim ngạch hàng hóa xuất, nhập khẩu qua khối cảng biển đạt trên 34 tỷ USD, bình quân mỗi năm đạt 8,1 tỷ USD; tổng thu ngân sách nhà nước qua khu vực cảng biển bình quân đạt 10.000 tỷ đồng/năm.

Đổi mới sáng tạo, gia tăng giá trị của sản phẩm biển

Với 2.077 đảo và dải bờ biển dài 250km, 40.000 ha bãi triều, hơn 20.000 ha eo, vịnh, cùng tài nguyên sinh vật biển phong phú và đa dạng, Quảng Ninh sở hữu một số lợi thế tự nhiên đặc biệt trong sản xuất và nuôi trồng thuỷ sản.

Trong chiến lược phát triển đến năm 2030 và tầm nhìn 2045, Quảng Ninh đặt mục tiêu trở thành trung tâm nuôi trồng thuỷ sản, trung tâm chế biến và xuất khẩu thuỷ sản của khu vực phía Bắc.

Để phát triển ngành này, Quảng Ninh đã ứng dụng công nghệ cao, công nghệ mới, hiệu quả và bền vững trong khai thác và nuôi trồng thủy sản. Đồng thời phát triển nhanh chóng đối tối tượng nuôi chủ lực, khuyến khích nuôi các đối tượng làm dược liệu biển và thực phẩm dinh dưỡng từ sản phẩm biển; ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong chế biến sâu, bảo quản sau thu hoạch... để tạo giá trị gia tăng của sản phẩm biển, góp phần tiết kiệm tài nguyên biển.  

Để đạt được mục tiêu này, Quảng Ninh đã đặt ưu tiên vào ứng dụng công nghệ tiên tiến trong các cơ sở sản xuất, giúp tăng cường hiệu quả kinh tế. Tỉnh cũng đã đầu tư mạnh vào hạ tầng kỹ thuật để phục vụ cho việc nuôi trồng và khai thác thủy sản, đặc biệt là tập trung vào những vùng trọng điểm có hoạt động khai thác và nuôi trồng sôi động như Vân Đồn, Cẩm Phả, Cô Tô, Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà.

Tỉnh cũng áp dụng nhiều cơ chế và chính sách khuyến khích, tạo điều kiện cho tổ chức và cá nhân tham gia đầu tư và ứng dụng KHCN trong ngành nuôi trồng và đánh bắt thủy sản, ưu tiên các mô hình hợp tác công - tư, sản xuất theo chuỗi. Trong năm 2022, tỉnh đã thành công trong việc thu hút 3 dự án nuôi trồng thủy sản biển công nghiệp hiện đại, trong đó có 2 dự án kết hợp với dịch vụ và du lịch trải nghiệm, với tổng trị giá đầu tư lên đến 250 tỷ đồng. Các dự án này đang trong quá trình đề xuất, thẩm định ý kiến để triển khai trên địa bàn.

Cùng với đó, phần mềm quản lý tàu cá và khai thác hải sản tại Quảng Ninh đã giúp quản lý số hóa 100% các thông tin hoạt động của tàu cá từ khi xuất cảng cá đi khai thác, cập cảng bốc dỡ sản phẩm, tới đăng kiểm cũng như hệ thống dữ liệu khai thác, mua bán của ngư dân…

qltc 3.jpeg
Phần mềm quản lý tàu cá và khai thác hải sản tại Quảng Ninh

Bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế biển bền vững

Quy hoạch không gian ven biển, ven bờ (ven đảo lớn) cho phát triển du lịch bền vững kết hợp phát triển các lĩnh vực kinh tế - dịch vụ dựa vào bảo tồn biển là thế mạnh vượt trội ở Quảng Ninh.

tang cuong hop tac1.jpeg

Một trong những thành công nổi bật là việc cải thiện giám sát các nguồn thải, đặc biệt là ở khu vực ven biển vịnh. Quảng Ninh đã triển khai hệ thống thông tin địa lý (GIS) để kiểm kê và xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý nguồn ô nhiễm nước vịnh Hạ Long. Đồng thời, tỉnh đã lắp đặt thành công thiết bị xử lý nước thải sinh hoạt Jokaso của Nhật Bản tại đảo Ti-tốp. Điều này giúp thu gom và xử lý toàn bộ nước thải phát sinh từ khách du lịch và nhân viên quản lý, đảm bảo rằng nước thải đạt tiêu chuẩn loại A (QCVN 14:2008) trước khi được xả thải ra môi trường.

Đồng thời tiếp tục xúc tiến đầu tư dự án thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt cho các khu vực đô thị tập trung tại Cẩm Phả, Vân Đồn, Quảng Yên, Uông Bí… 

Mẫn Chi

Tỉnh miền Bắc lọt top 5 địa phương hút FDI lớn nhất cả nước: Bất ngờ số doanh nghiệp giải thể tăng mạnh

Cầu gần 2.000 tỷ nối Quảng Ninh - Hải Phòng làm xong nhưng chưa thông xe

Vincom Retail (VRE) thành lập công ty con, ký thoả thuận nhận chuyển nhượng tài sản tại loạt dự án ở Hải Phòng, Quảng Ninh với Vingroup

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/quang-ninh-day-manh-ung-dung-khcn-trong-phat-trien-kinh-te-bien-2221279.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Quảng Ninh đẩy mạnh ứng dụng KHCN trong phát triển kinh tế biển
POWERED BY ONECMS & INTECH