Công trình đã được đầu tư xây dựng có quy mô tương xứng với tên tuổi và công lao to lớn vị Đại tướng vĩ đại của dân tộc.
Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có nhiều năm gắn bó với mảnh đất và con người Thái Nguyên. Đặc biệt, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ huy Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân phối hợp với các lực lượng giải phóng thị xã, xóa bỏ bộ máy chính quyền của địch, thành lập Ủy ban cách mạng lâm thời tỉnh Thái Nguyên ngày 20/8/1945.
Với ý nghĩa lịch sử quan trọng đó, từ năm 2014, HĐND tỉnh Thái Nguyên đã thông qua Nghị quyết đổi tên Quảng trường 20-8, TP. Thái Nguyên thành Quảng trường Võ Nguyên Giáp nhằm tri ân, thể hiện lòng thành kính đối với Đại tướng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên.
Vào dịp kỷ niệm 104 năm ngày sinh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25/8/2015), UBND TP. Thái Nguyên được giao làm chủ đầu tư đã tổ chức khởi công Dự án xây dựng Quảng trường Võ Nguyên Giáp. Theo thiết kế, công trình xây dựng trên tổng diện tích gần 47.000m2, gồm các hạng mục chính như sân quảng trường; sân lễ đài; sân khấu trung tâm; phù điêu; vườn hoa và khu cảnh quan ven sông Cầu.
Về tổng thể, quảng trường hội đủ các yếu tố lịch sử, kiến trúc và cảnh quan môi trường. Vừa mang phong cách hiện đại nhưng vẫn giữ được nét truyền thống. Điểm nhấn tại quảng trường là tấm phù điêu “Đại tướng Võ Nguyên Giáp với đồng bào các dân tộc tỉnh Thái Nguyên” đặt ở vị trí trung tâm.
Nội dung phù điêu thể hiện quá trình lãnh đạo của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở Thái Nguyên và hình ảnh của Đại tướng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ; khắc họa về những bước phát triển của tỉnh Thái Nguyên gắn với hình ảnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ngày 27/10/2017, UBND tỉnh Thái Nguyên đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình xây dựng phù điêu tại Quảng trường Võ Nguyên Giáp tại TP. Thái Nguyên với tổng mức đầu tư gần 90 tỷ đồng.
Tháng 4/2023, dự án xây dựng cảnh quan phía sau Quảng trường Võ Nguyên Giáp đã được HĐND TP. Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên) thống nhất thông qua Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư.
Tổng mức đầu tư dự kiến là 200 tỷ đồng (trong đó 170 tỷ đồng phục vụ giải phóng mặt bằng) từ nguồn ngân sách TP. Thái Nguyên và thời gian thực hiện từ 2023-2026. Đây là dự án thuộc nhóm B, thực hiện trên diện tích khoảng 25.000m2 với các hạng mục chủ yếu là cây xanh, đường giao thông, công trình dịch vụ, sân thể thao, bãi đỗ xe và các công trình thiết yếu đi kèm.
Cùng với việc triển khai các dự án xây dựng trụ sở làm việc khối các cơ quan tỉnh, khu đô thị mới, phố đi bộ trung tâm TP. Thái Nguyên, dự án xây dựng cảnh quan phía sau Quảng trường Võ Nguyên Giáp góp phần phát triển thương mại, dịch vụ và kiến trúc cảnh quan cho TP. Thái Nguyên.
Quảng trường Võ Nguyên Giáp hoàn thiện giúp mở rộng không gian xanh, thêm tiện ích phục vụ các hoạt động công cộng của người dân nhiều hơn nữa; đồng thời, góp phần tạo điểm nhấn trong kiến trúc đô thị của TP. Thái Nguyên, xứng tầm là tỉnh trung tâm vùng Trung du và miền núi phía Bắc.
Từ khi đi vào hoạt động, tại khu vực quảng trường thường xuyên diễn ra các lễ hội, hội chợ... thu hút du khách tới tham quan. Đây cũng là địa điểm vui chơi, check-in quen thuộc của giới trẻ và người dân xứ Trà.
Thái Nguyên thuộc khu vực Trung du và miền núi phía Bắc, giáp nhiều tỉnh thành như Bắc Kạn, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Bắc Giang và Hà Nội. Tỉnh có hơn 1,3 triệu dân, trong đó 30% là người dân tộc thiểu số. Hiện nay, Thái Nguyên là tỉnh miền Bắc duy nhất có ba thành phố trực thuộc, gồm Thái Nguyên, Sông Công, Phổ Yên. Thái Nguyên có 9 trường đại học, gồm 7 trường thuộc Đại học Thái Nguyên (Công nghiệp, Nông lâm, Sư phạm, Y dược, Khoa học, Kinh tế, Công nghệ thông tin) và trường Đại học Việt Bắc, Công nghệ Giao thông Vận tải. Theo CTTĐT tỉnh, Thái Nguyên là trung tâm đào tạo đứng thứ ba cả nước, sau TP. HCM và Hà Nội. Ngoài 9 trường đại học, tỉnh này còn có 12 trường cao đẳng, 8 trường trung cấp chuyên nghiệp, 30 trung tâm dạy nghề; đào tạo khoảng 100.000 sinh viên mỗi năm. |
>> Ngôi nhà bình dị từng bị giặc Pháp đốt phá của Đại tướng Võ Nguyên Giáp