Quốc gia châu Âu xả 1.000 tấn bơ từ kho dự trữ để hạ nhiệt lạm phát
Giá tiêu dùng ở Ba Lan vẫn duy trì ở mức cao trong suốt năm 2024, buộc Chính phủ phải tung ra một lượng lớn bơ dự trữ với hy vọng hạ nhiệt lạm phát.
Quốc gia Trung Âu này dự kiến bán tới 1.000 tấn (tương đương 1 triệu kg) bơ đông lạnh từ kho dự trữ thông qua một cuộc đấu giá được công bố trong tuần này. Động thái này nhằm làm giảm giá bơ – một mặt hàng thực phẩm thiết yếu – vốn đã tăng khoảng 40% ở châu Âu trong năm nay.
Cuộc đấu giá sẽ được tổ chức dưới dạng các lô bơ nặng 25 kg mỗi lô với giá ưu đãi khoảng 28,38 zloty (7 USD) mỗi kg – thấp hơn ít nhất 40% so với giá bán lẻ bơ không muối tại các siêu thị Ba Lan. Theo Financial Times, quá trình đấu thầu sẽ bắt đầu vào 26/12, với mức mua tối thiểu là 20 tấn.
Việc giải phóng thêm lượng bơ dự trữ có thể làm tăng nguồn cung và hạ giá cả trong bối cảnh cuộc bầu cử Tổng thống Ba Lan sẽ diễn ra vào tháng 5. Theo cơ quan quản lý dự trữ chiến lược, việc bán ra này có thể giúp “ổn định tình hình” vì lượng dự trữ được thiết kế để “duy trì nguồn cung liên tục”. Ngoài bơ, kho dự trữ của Ba Lan còn bao gồm các sản phẩm từ sữa khác, đường và mỡ động vật.
Trước đó, một số quốc gia cũng đã sử dụng kho dự trữ để ổn định giá cả trong thời kỳ thiếu hụt. Ví dụ, Canada từng mở kho dự trữ siro cây phong vào năm 2021 để đối phó với tình trạng thiếu hụt nguồn cung.
Bơ đã trở thành chủ đề nhạy cảm trong khu vực, thậm chí xuất hiện trong các cuộc tranh luận chính trị.
Ứng cử viên tổng thống Rafal Trzaskowski, thuộc đảng cầm quyền của Thủ tướng Donald Tusk, chỉ trích Ngân hàng Trung ương Ba Lan vì quản lý lạm phát kém. Ông mỉa mai rằng sẽ gửi một ít bơ cho Thống đốc ngân hàng để “ông ấy thấy rõ thế nào là thành công”.
Tiêu thụ bơ bình quân đầu người tại Ba Lan đã tăng trong hai thập kỷ qua. Cùng lúc đó, giá bơ cũng leo thang do tình trạng thiếu sữa, số lượng bò giảm, và sự gia tăng các bệnh dịch ở gia súc tại châu Âu.
Những yếu tố này càng trở nên trầm trọng bởi lạm phát kéo dài tại Ba Lan, đạt mức 4,6% so với cùng kỳ năm ngoái vào tháng 11. Mặc dù đây là lần giảm đầu tiên sau tám tháng, các nhà kinh tế cho rằng đây chỉ là “hiện tượng tạm thời” trước khi giá cả tăng trở lại vào tháng 12 và trong quý đầu năm 2025.
“Theo các yếu tố thống kê, mức giảm lạm phát tổng thể trong tháng 11 là đáng chú ý, nhưng bối cảnh lạm phát nói chung vẫn có thể khiến người tiêu dùng lo ngại và thận trọng hơn trong chi tiêu”, các nhà kinh tế tại ngân hàng ING viết trong một báo cáo tuần trước.
Trong năm nay, Ba Lan đã giữ nguyên lãi suất cơ bản trong khi nới lỏng các trần giá thực phẩm và năng lượng được áp dụng từ thời kỳ đại dịch.
Trên toàn cầu, các quốc gia đều đang chịu áp lực từ giá lương thực cao, đặc biệt khi năm 2024 sắp khép lại. Ở châu Âu, mùa lễ hội dự kiến sẽ chứng kiến giá đường, sô cô la, và bơ tăng cao do nhu cầu gia tăng.
Giá lương thực là minh chứng rõ ràng cho những thách thức mà người dân phải đối mặt vào năm tới, nhất là khi các Chính phủ lớn thắt chặt chính sách lãi suất.
Tại Mỹ, Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đã hạ lãi suất chủ chốt lần thứ ba trong năm 2024, nhờ lạm phát giảm sau hai năm duy trì lãi suất cao. Tuy nhiên, kỳ vọng về các đợt cắt giảm tiếp theo vào năm 2025 đã giảm.
Ở châu Âu, câu chuyện lại khác khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã cắt giảm lãi suất bốn lần trong năm nay. Dự kiến sẽ có thêm ít nhất bốn đợt cắt giảm nữa vào năm 2025, mặc dù các sự kiện chính trị lớn trong khu vực và trên toàn cầu có thể ảnh hưởng đến kế hoạch này.
Theo Fortune
>> Ông Putin cảnh báo kinh tế Nga 'quá nóng', lạm phát đáng báo động
Ông Putin cảnh báo kinh tế Nga 'quá nóng', lạm phát đáng báo động
Chuyên gia: Lạm phát sắp bùng nổ, đe dọa nhấn chìm thị trường chứng khoán