Thế giới

Kiếm hơn 9 tỷ đồng/năm vẫn không đủ mua nhà hay lo học phí: Giấc mơ Mỹ ngày càng trở nên xa xỉ

Ngọc Hân 06/07/2025 - 17:42

Trong bối cảnh chi phí sinh hoạt tăng phi mã, nhiều gia đình Mỹ dù thuộc nhóm thu nhập cao vẫn cảm thấy hụt hơi. Họ không đủ nghèo để được hỗ trợ, cũng chẳng đủ giàu để sống thoải mái.

Top 10% giàu có cũng phải chật vật

Lauren Fichter (47 tuổi) sống cùng chồng tại Reading, bang Pennsylvania ở Mỹ. Họ có một ngôi nhà, một bất động sản cho thuê và thu nhập hàng năm gần 350.000 USD (khoảng 9,1 tỷ đồng) – thuộc top 10% cao nhất nước Mỹ.

Thế nhưng khi con trai cả chuẩn bị vào đại học với mức học phí có thể chạm mốc 75.000 USD/năm (gần 2 tỷ đồng), họ mới nhận ra giấc mơ tài chính của mình thực chất rất mong manh.

“Ngày trước tôi nghĩ mức lương như vậy là điều lý tưởng. Nhưng giờ đây, chúng tôi chỉ như một gia đình trung lưu xoàng xĩnh”, Fichter chia sẻ. Con trai cô giờ đây buộc phải tự tìm học bổng và vay nợ sinh viên để theo học đại học.

Các chuyên gia xã hội học và khảo sát từ Reuters–Ipsos cho hay, cảm giác “giàu có” đang dần biến mất, ngay cả với những gia đình từng được xếp vào nhóm thu nhập cao. Lạm phát, chi phí nhà ở, học phí, bảo hiểm và các khoản nợ khiến nhiều người cảm thấy sự ổn định tài chính của mình đang “đi trên dây”.

Kiếm hơn 9 tỷ đồng/năm vẫn không đủ mua nhà hay lo học phí: Giấc mơ Mỹ trở nên xa xỉ - ảnh 1
Dù kiếm hàng trăm nghìn đô mỗi năm và sở hữu nhiều tài sản, nhiều gia đình Mỹ trong nhóm thu nhập cao nhất vẫn chật vật vì chi phí sinh hoạt leo thang và nỗi lo tương lai con cái. Ảnh: WSJ

Dù sống tại khu vực có giá nhà ở mức khá ổn, gia đình Fichter vẫn quay cuồng với các chi phí khác: 9.000 USD/năm (hơn 235 triệu đồng) cho hoạt động thể thao của con, 500 USD/tháng (khoảng 13 triệu đồng) tiền điện nước. Việc sơn lại nhà cũng phải gác lại sau khi được báo giá 10.000 USD (tương đương 260 triệu đồng). Chồng cô – từng thuê người làm những việc nhỏ – giờ phải tự tay sửa xe và làm vặt để tiết kiệm.

Sau 15 năm ở nhà nuôi con, Lauren quay lại thị trường lao động nhưng thu nhập mới không đủ bù đắp chi phí ngày càng leo thang.

Khảo sát của Đại học Michigan cho thấy, chỉ 26% người có thu nhập từ 130.000 USD trở lên cảm thấy hài lòng với tài chính của mình. Mối lo mất việc cũng ngày càng phổ biến, kể cả trong tầng lớp được coi là “giàu có”.

Định nghĩa lại sự giàu có

Matt Killingsworth, nhà nghiên cứu tại Đại học Pennsylvania, tiết lộ hơn 25% người Mỹ có thu nhập 200.000 – 300.000 USD/năm (khoảng 5,2-7,8 tỷ đồng) vẫn cảm thấy "không hài lòng" hoặc "rất không hài lòng" về tài chính. Một phần vì cảm giác bị đặt vào thế so sánh với những người siêu giàu – các gia đình thừa kế, hưởng lợi từ IPO hay bất động sản – vốn sống cùng khu phố, cùng trường học với họ.

Gia đình Myers tại Temecula ở California, với thu nhập gần 350.000 USD/năm, vẫn thuê nhà từ năm 2019 đến nay. Trong khi đó, giá nhà tại khu vực này đã tăng hơn 50%, khiến khoản đặt cọc cho một căn tương đương lên tới 200.000 USD – vượt ngoài khả năng chi trả của họ.

“Tại California, phải kiếm từ 1 đến 2 triệu USD/năm mới được coi là giàu”, Jimmy Myers, làm trong ngành logistics, nhận định.

Kiếm hơn 9 tỷ đồng/năm vẫn không đủ mua nhà hay lo học phí: Giấc mơ Mỹ trở nên xa xỉ - ảnh 2
Gia đình Shafonne và Jimmy Myers ở Temecula, California. Ảnh: WSJ

Ngay cả giáo dục – thứ từng được coi là thang nâng tầng lớp – giờ cũng là gánh nặng với giới trung lưu giàu có. Họ “không đủ nghèo” để nhận hỗ trợ học phí, cũng không đủ dư dả để chi trả dễ dàng hàng chục nghìn USD mỗi năm cho khóa học năng khiếu hay thể thao của con cái.

Matt Dougherty (32 tuổi) là một trong số ít người mua được nhà năm 2021 với lãi suất thấp. Tuy nhiên, giờ anh thừa nhận: “Giờ tôi không thể mua lại chính căn nhà mình đang ở”.

Gia đình anh có thu nhập khoảng 208.000 USD/năm (tương đương 5,4 tỷ đồng), sau thuế còn lại hơn 11.800 USD/tháng (gần 310 triệu đồng). Trừ đi các chi phí thiết yếu như nhà ở, ăn uống, gửi trẻ…, họ chỉ còn chưa tới 3.000 USD (khoảng 78 triệu đồng). Hóa đơn y tế vài nghìn đô khi con ốm khiến Dougherty phải bán bớt cổ phiếu và Bitcoin để xoay xở.

Anh nói: “Thế hệ cha mẹ tôi từng coi mức thu nhập này là thành công. Nhưng với tôi, từng đó chỉ đủ để các con có tuổi thơ tương đương những gì tôi từng có: một cuộc sống bình thường ở vùng ngoại ô”.

Theo WSJ

>> Kinh tế toàn cầu 'lung lay': Hàng tồn, đơn tắc, doanh nghiệp khốn đốn vì thuế quan

Thị trường nhà ở Trung Quốc đối mặt thập kỷ ảm đạm, lực cầu giảm 3/4

Nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới lung lay: Hơn 40% dân số có nguy cơ biến mất, Chính phủ nỗ lực giải cứu bằng mọi giá

Theo Thị trường tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/nhip-song-do-day/kiem-hon-9-ty-dongnam-van-khong-du-mua-nha-hay-lo-hoc-phi-giac-mo-my-tro-nen-xa-xi-146166.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Kiếm hơn 9 tỷ đồng/năm vẫn không đủ mua nhà hay lo học phí: Giấc mơ Mỹ ngày càng trở nên xa xỉ
    POWERED BY ONECMS & INTECH