Tại phiên họp ngày 6/6/2022, Quốc hội sẽ tổ chức thảo luận và cho ý kiến về chủ trương đầu tư 5 dự án giao thông quan trọng quốc gia .
Theo đó, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhận ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày tờ trình về chủ trương đầu tư, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh sẽ trình bày báo cáo thẩm tra chủ trương đầu tư các dự án kể trên.
Tại những phiên thảo luận trước, nhiều đại biểu Quốc hội đã bày tỏ ủng hộ và cho rằng việc sớm triển khai các dự án giao thông trọng điểm không chỉ giúp kết nối các địa phương trong vùng mà còn góp phần hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Đại biểu đoàn Sóc Trăng Tô Ái Vang cho rằng việc đầu tư các dự án là hết sức cấp thiết, đáp ứng mong đợi của cử tri ở các địa phương.
Vành đai 4 vùng Thủ đô dài 112,8 km, trong đó qua Hà Nội 58,2 km, tỉnh Hưng Yên 19 km, tỉnh Bắc Ninh 25,6 km và tuyến nối quốc lộ 18 dài 9,7 km. Quy mô hoàn chỉnh gồm 6 làn xe cao tốc và hệ thống đường song hành hai bên. Với tổng nguồn vốn đầu tư dự kiến hơn 85.800 tỷ đồng, dự án được chia thành ba nhóm dự án với 7 dự án thành phần, kết hợp hình thức đầu tư hỗn hợp, giữa đầu tư công và đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng BOT.
Trong giai đoạn 2021-2025, Hà Nội dự kiến sẽ phân bổ cho dự án 19.477 tỷ đồng; giai đoạn 2026-2030 là 4.047 tỷ đồng. Tiến độ và thời gian thực hiện dự án từ năm 2022 đến 2027.
Vành đai 3 TP HCM dài hơn 76 km, đoạn đi qua TP HCM dài 47,5 km, Đồng Nai hơn 11 km, Bình Dương 10,7 km, Long An gần 7 km. Dự án được đầu tư phân kỳ giai đoạn 1 với quy mô gồm 4 làn xe cao tốc hạn chế; đường song hành mỗi bên từ 2-3 làn xe; phân chia thành 8 dự án thành phần và giao các địa phương tổ chức thực hiện.
Với tổng mức đầu tư sơ bộ hơn 75.000 tỷ đồng, dự án sẽ được thực hiện trong giai đoạn 2022-2027. HĐND 4 tỉnh, thành phố có tuyến đường đi qua đã thông qua nghị quyết bố trí vốn đầu tư cho dự án.
Đại biểu đoàn Nam Định Mai Thị Phương Hoa cho biết những công trình như đường vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội, vành đai 3 TP HCM nếu được phê duyệt sẽ là những cú hích mạnh mẽ trong phát triển kinh tế vùng và đất nước trong thời gian tới.
Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1) dài hơn 188 km, tổng mức đầu tư 44.691 tỷ đồng. Tuyến bắt đầu tại nút giao với quốc lộ 91 đi theo hướng đông nam sau đó tiếp tục qua địa phận tỉnh Sóc Trăng và kết thúc giao với quốc lộ Nam Sông Hậu tại khu vực cảng Trần Đề.
Dự kiến chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án từ năm 2022, cơ bản hoàn thành toàn tuyến năm 2026.
Sau khi hoàn thành, dự án sẽ kết nối các trung tâm kinh tế, cửa khẩu quốc tế và cảng biển, thực hiện mục tiêu phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1) dài hơn 53 km, kết nối sân bay Long Thành (Đồng Nai) với cụm cảng biển Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu). Tổng mức đầu tư 17.837 tỷ đồng.
Tuyến bắt đầu từ đường tránh quốc lộ 1 tại TP Biên Hòa, đi theo hướng đông nam, song song quốc lộ 51 hiện hữu, giao cao tốc TP HCM Long Thành - Dầu Giây, cao tốc Bến Lức - Long Thành, đường Mỹ Xuân - Ngãi Giao và tiếp tục đi theo hướng Đông Nam, kết thúc tại nút giao với quốc lộ 56 thuộc TP Bà Rịa.
Tổng mức đầu tư dự án 17.837 tỷ đồng, gồm chi phí xây dựng khoảng 7.833 tỷ đồng. Tiến độ chuẩn bị đầu tư năm 2022, khởi công năm 2023 và cơ bản hoàn thành năm 2025.
Cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1) dài hơn 117 km, tổng mức đầu tư khoảng 21.935 tỷ đồng, kết nối miền Trung và Tây Nguyên, đặc biệt là cảng biển làm đầu ra cho hàng hóa khu vực Tây Nguyên.
Dự án bắt đầu tại nút giao giữa quốc lộ 26B và quốc lộ 1, khu vực cảng Nam Vân Phong (Ninh Hoà, Khánh Hoà), tuyến đi phía nam quốc lộ 26, sau đó tuyến đi theo hướng đông tây và kết thúc tại vị trí giao cắt với đường Hồ Chí Minh tránh phía đông TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk).
Nút giao phức tạp và lớn nhất Vành đai 3 TP. HCM hiện ra sao sau nửa năm thi công?
Vượt tiến độ, cây cầu lớn nhất đường Vành đai 3 TP. HCM sẽ về đích sớm 4 tháng