Thủy sản Vĩnh Hoàn (VHC) gia nhập làn sóng doanh nghiệp tay ngang đầu tư chứng khoán từ quý 1/2021 với giá trị đầu tư gốc là 8,6 tỷ đồng trước khi tăng gấp 23 lần chỉ vài quý sau đó.
CTCP Vĩnh Hoàn (Mã VHC - HOSE) công bố báo cáo tài chính quý 1/2023 với doanh thu 2.221 tỷ đồng - giảm 32% so với cùng kỳ.
Ghi nhận doanh thu tài chính của VHC tăng 17% lên mức 83 tỷ đồng; chi phí tài chính tăng 113% lên 90,4 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp giảm về mức 120 tỷ đồng.
Sau trừ các khoản thuế phí, lợi nhuận sau thuế của Vĩnh Hoàn giảm 60% YoY về mức 219 tỷ đồng - tương đương thực hiện được 21,9% chỉ tiêu cả năm.
Quý đầu năm 2023, dòng tiền kinh doanh chính của VHC âm 431 tỷ.
Tính tới 31/3/2023, tổng tài sản của Vĩnh Hoàn ghi nhận mức 11.665 tỷ đồng bao gồm 3.317 tỷ đồng hàng tồn kho; tiền và các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn ghi nhận 2.117,6 tỷ đồng; khoản phải thu ngắn ở mức 2.073 tỷ đồng
Điểm đáng lưu ý tại danh mục chứng khoán kinh doanh, công ty tiếp tục gia tăng trích lập dự phòng cho các khoản đầu tư cổ phiếu.
Thống kê chi tiết danh mục có: 77,4 tỷ đồng đầu tư cổ phiếu NLG (trích lập dự phòng 32,5 tỷ); 57,3 tỷ đồng cổ phiếu DXS (trích lập dự phòng 38,9 tỷ đồng); 32,8 tỷ đồng cổ phiếu KBC (trích lập 7,7 tỷ) và đầu tư 11,3 tỷ đồng các cổ phiếu khác (dự phòng 4,7 tỷ).
Tính chung đến cuối quý 1/2023, giá trị đầu tư gốc danh mục chứng khoản của Vĩnh Hoàn là gần 179 tỷ đồng trong đó trích lập dự phòng toàn bộ danh mục với giá trị 84 tỷ. Tạm tính, khoản đầu tư cổ phiếu đang khiến công ty thủy sản này lỗ gần 47%.
Vĩnh Hoàn bắt đầu gia nhập làn sóng doanh nghiệp tay ngang (tay phải "bán cá" - tay trái đánh chứng") từ quý 1/2021 với giá trị đầu tư gốc ghi nhận mức 8,6 tỷ đồng - tăng 8 tỷ so với quý trước đó.
Thời điểm này, VN-Index đang giao dịch tại vùng 91x điểm và bắt đầu chứng kiến nhịp tăng thần tốc lên 1.53x trong quý 1/2022. Tuy nhiên, kể từ tháng 4 cùng năm trở đi, thị trường xuất hiện nhiều "biến cố", VN-Index đổ đèo, hàng trăm mã cổ phiếu bốc hơi từ 40 - 85% trước khi đồng loạt tạo đáy trong phiên 16/11/2022 khiến danh mục đầu tư của Vĩnh Hoàn "nhẹ" dần.
Tới cuối quý 2/2022, danh mục đầu tư này đã tăng gấp hơn 23 lần lên mức 200 tỷ đồng song công ty phải trích lập dự phòng gần 62,7 tỷ.
Chỉ tính riêng 3 mã NLG, DXS, KBC ghi nhận trong danh mục đầu tư quý 1/2023 của VHC, so với các mức giá đỉnh hồi đầu năm 2022, cổ phiếu NLG hiện đã giảm 60% giá trị từ vùng 65.x, cổ phiếu DXS giảm 81% từ cao điểm 32.x trong khi KBC cũng lao mạnh 47% về còn 24.500 đồng (giá kết phiên 21/4/2023).
Biểu đồ VN-Index và giá các cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn trong danh mục đầu tư của Vĩnh Hoàn đến cuối quý 1/2023 |
Hiện tổng vay nợ tài chính của VHC là 2.786 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu ghi nhận mức 7.890 tỷ.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 21/4, cổ phiếu VHC giảm 1% về mức 61.300 đồng.
Tại tài liệu ĐHCĐ thường niên 2023 dự kiến tổ chức ngày 12/5 tại Đồng Tháp, Vĩnh Hoàn đặt kế hoạch kinh doanh năm nay với doanh thu 11.500 tỷ đồng và 1.000 tỷ lợi nhuận sau thuế - lần lượt giảm 13% và giảm 49% so với thực hiện trong năm 2022.
Về kế hoạch phân phối lợi nhuận, năm 2022, VHC dự trình cổ đông trả cổ tức tỷ lệ 40% (gồm 20% bằng tiền và 20% bằng cổ phiếu) trong khi mức trả dự kiến năm 2023 là 20% bằng tiền mặt.
Về kế hoạch đầu tư, công ty dự kiến đầu tư 1.000 tỷ đồng, bao gồm đầu tư thêm 1 line sản xuất Gelatin và cải tạo nhà máy tại Công ty Vĩnh Hoàn Collagen bổ sung ngân sách đầu tư nhà máy chế biến trái cây Thành Ngọc; bổ sung ngân sách đầu tư nhà máy thức ăn thủy sản Feedone; các khoản đầu tư cho mở rộng vùng nuôi và các khoản đầu tư mới và cải tạo nhà máy Vĩnh Phước, Thanh Bình, Vĩnh Hoàn, Sa Giang.
'Nữ hoàng cá tra' Vĩnh Hoàn (VHC) thu về 1.100 tỷ đồng trong tháng 7, thị trường Mỹ tăng 92%
Vĩnh Hoàn (VHC): Doanh thu tháng 4 tăng mạnh dù xuất khẩu sang Trung Quốc sụt giảm 51%